1 lít xăng thu 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, cử tri chất vấn sử dụng thế nào?

Thứ hai, 02/03/2020, 06:48 AM

Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng trong đó thắc mắc hiện nay thuế bảo vệ môi trường được thu 4.000 đồng/lít xăng được sử dụng như thế nào?

Cử tri TP Đà Nẵng thắc mắc hiện nay thuế bảo vệ môi trường được thu 4.000 đồng/lít xăng được sử dụng như thế nào? (Ảnh minh họa)

Cử tri TP Đà Nẵng thắc mắc hiện nay thuế bảo vệ môi trường được thu 4.000 đồng/lít xăng được sử dụng như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo đó, cử tri TP Đà Nẵng cho rằng mức thuế này rất lớn (4.000 đồng/lít xăng), cử tri đề nghị công khai cho nhân dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu này.

Trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012.

Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng là 4.000 đồng/lít xăng.

Theo Bộ Tài chính, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: Thu ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí.

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước là: các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Ô nhiễm tại các TP lớn như Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

Ô nhiễm tại các TP lớn như Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

"Như vậy, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.

Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, kể từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) vào năm 2012, tổng số thu từ thuế BVMT này đã liên tục tăng ổn định qua các năm, từ năm 2012 đến năm 2017.

Cụ thể, tổng số thu từ thuế BVMT năm 2012 là khoảng 11.160  tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,36%-4,27% tổng thu NSNN và chiếm tỷ trọng khoảng 0,34%-0,98% trên GDP hàng năm.

Trong đó, số thu thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế BVMT qua các năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước.

Empty

Còn kể từ ngày 1/1/2019, khi thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, tổng số thu từ thuế BVMT hàng năm dự kiến sẽ lớn hơn khá nhiều so với những con số nêu trên.

Theo Luật thuế BVMT, hiện có 8 mặt hàng chịu thuế là xăng dầu mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông; và 4 dạng thuốc thuộc loại hạn chế sử dụng là thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho.

Trong khi đó, phí BVMT có mục đích tạo khoản thu để bù đắp các chi phí quản lý, bảo vệ, đầu tư cho môi trường và ngăn ngừa người gây ô nhiễm xả thải các chất ô nhiễm có thể xử lý được vào môi trường. Hiện có 3 loại phí bảo vệ môi trường áp dụng với nước thải, chất thải rắnvà khai thác khoáng sản.

Để dòng tiền chi lại cho môi trường một cách hiệu quả, theo các chuyên gia cần phải đảm bảo được hai yếu tổ:

Thứ nhất là tính công bằng, tức luật hóa khiến các loại thuế/phí BVMT được quay lại ưu tiên chi trực tiếp cho vấn đề môi trường đó.

Thứ hai là tính minh bạch, tức công khai các khoản chi để người dân hiểu rõ và tham gia vào quá trình giám sát, quản lý môi trường. Đó là điều đã được các đại biểu Quốc hội đòi hỏi từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc tiếp cận thông tin vẫn không được rộng rãi và thuận tiện với số đông.

Mở rộng ra, các công cụ kinh tế cũng cần cải cách phương pháp tiếp cận để tạo hiệu quả tốt hơn. Thực tế, trong nhiều chính sách thuế hiện hành, bảo vệ môi trường vẫn chỉ là mục tiêu lồng ghép mà chưa được đặt thành mục tiêu chính, do đó tác dụng của chúng còn khá hạn chế.

Các ưu đãi về thuế nhìn chung chưa đủ mạnh và linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thay đổi công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng và tài nguyên sạch hơn.

Bài liên quan