Một việc chia 3 ca thì phải 3 người: Đây là nguyên nhân tăng biên chế nhiều

Thứ sáu, 15/03/2019, 06:37 AM

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với tư nhân một người vừa làm lái xe, vừa kiêm thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Còn Nhà nước nếu cứ 1 vị trí 1 ngày làm 3 ca thì phải 3 người, đây nguyên nhân tăng biên chế.

1-viec-chia-3-ca-thi-phai-3-nguoi-nguyen-nhan-de-bien-che-nhieu
Một việc chia 3 ca thì phải 3 người nguyên nhân ‘đẻ’ biên chế nhiều. Ảnh minh họa

Trong khu vực công, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp công.

Không cải cách được cơ bản chính sách tiền lương vì vướng chuyện biên chế và vấn đề nguồn kinh phí. Đó là câu chuyện mà qua bao lần nâng lên, đặt xuống, tiền lương vẫn chưa thể cải cách.

Năm 2018, vấn đề tiền lương lại được đặt ra, và lần này, quyết tâm cải cách đã rõ ràng, với nền tảng là hai Nghị quyết 18, 19 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công gắn với tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được Trung ương ban hành trước đó nửa năm.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương ngày 14/3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến 2 vấn đề cốt lõi để cải cách tiền lương là xây dựng vị trí lãnh đạo và chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Trong vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tỏ ra băn khoăn, tại sao sau khi xây dựng vị trí việc làm, các bộ ngành đều tăng thêm biên chế?

“Như vậy là không giảm được biên chế, là cái gốc đang có vấn đề. Phải rà soát nguyên lý để làm”, Phó Thủ tướng lưu ý và nói thêm, Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương yêu cầu, xây dựng vị trí việc làm phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công viên chức và đáp ứng tinh giản biên chế; là căn cứ để tuyển dụng, để trả lương.

“Ai đang ở trên mà xuống làm việc ở dưới thì hưởng lương dưới; ngược lại ai đang ở dưới mà lên được bậc trên thì hưởng lương trên, chứ không có kiểu sống lâu lên lão làng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhắc lại việc xây đựng vị trí việc làm tuyệt đối không được  “đẻ” biên chế và mỗi năm phải giảm 2,5% biên chế.

“Tư nhân một người vừa làm lái xe, vừa kiêm thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Còn nếu cứ 1 vị trí 1 ngày làm 3 ca thì phải 3 người, thế thì đẻ thêm biên chế nhiều quá”, Phó Thủ tướng so sánh.

1-viec-chia-3-ca-thi-phai-3-nguoi-nguyen-nhan-de-bien-che-nhieu
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với tư nhân một người vừa làm lái xe, vừa kiêm thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Còn Nhà nước nếu cứ 1 vị trí 1 ngày làm 3 ca thì phải 3 người, đây nguyên nhân tăng biên chế. Ảnh TTXVN

Ông cũng yêu cầu, việc phân công, phân cấp trong xây dựng vị trí việc làm phải gắn với quản lý chứ không phải “thả gà ra đuổi”.

“Nếu không kiểm soát chặt chẽ, đẻ số ra, rồi dùng dằng duyệt hay không, không thực hiện được cải cách tiền lương”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm và nhấn mạnh, không thể áp dụng máy móc mô hình vị trí việc làm của phương Tây mà phải vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của chúng ta.

Về chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ động chứ không “ngồi chờ”. Bởi vị trí việc làm và bảng chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị là cốt tử.

Theo Phó Thủ tướng, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những biện pháp quan trọng để cải cách tiền lương.

Để thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2019 phải tạo nguồn. Tại Thông tư số 119/2018-TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Bộ Tài chính ban hành các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định để dành nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở lên mức 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2019.

Các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2019 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

Ngoài ra, nguồn cải cách tiền lương năm 2019 còn đến từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền giao.

Bên cạnh đó, nguồn cải cách tiền lương bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán chi năm 2018 tăng thêm so với dự toán chi năm 2017; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán chi năm 2019 tăng thêm so với dự toán chi năm 2018...

 

Tài xế xăm trổ nhảy múa bên vô lăng sau tai nạn liên hoàn ở Đà Lạt

Sau khi đâm liên tiếp vào hàng loạt xe máy và đâm vào cột điện, nam tài xế xăm trổ nhảy múa bên vô lăng theo tiếng nhạc.

 

Thừa Thiên Huế công bố bổ nhiệm lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị

Lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị vừa được tỉnh Thừa Thiên Huế công bố bổ nhiệm.

 

Cô giáo không giảng bài ở Sài Gòn lại bị đình chỉ vì ném vở học sinh

Cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM, vừa bị đình chỉ giảng dạy. Trước đó, cô Châu bị kỷ luật cảnh cáo vì suốt 3 tháng không giảng bài.