10 hoạt động nổi bật của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020

Thứ bảy, 02/01/2021, 08:43 AM

Các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao trong phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng là 1 trong 10 hoạt động nổi bật của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020.

10 hoạt động nổi bật của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020. Ảnh minh họa

10 hoạt động nổi bật của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020. Ảnh minh họa

Dưới đây là 10 hoạt động nổi bật trong số rất nhiều hoạt động đã được triển khai của Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020.

1. Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với quyết tâm cao trong phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch

Cuộc chiến chống COVID-19 tại TPHCM bắt đầu từ ngày 23/01/2020 khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên (bệnh nhân số 01 và 02, nhập cảnh từ Trung Quốc). Sau 1 năm, tính đến ngày 30/12/2020, tổng số ca COVID-19 xác định là 147 ca. Trong đó, 112 ca xâm nhập từ bên ngoài (nhập cảnh), 10 ca xâm nhập trong nước, 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca lây nhiễm trong khu cách ly. Đặc biệt, ngành y tế thành phố đã kịp thời khoanh vùng dập 2 ổ dịch lớn, một là ổ dịch tại quán bar Buddha với 19 ca mắc (18 người tại TP.HCM và 1 người ở Đồng Nai), hai là ổ dịch tại khu cách ly của tiếp viên Vietnam Airline với 16 ca mắc, trong đó có 4 ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

Từ 147 ca mắc, tổng số đã có 12.084 người đã được truy vết và làm xét nghiệm (tương ứng 1/82) và 8.343 người được đưa cách ly tập trung (tương ứng 1/57). Dưới sự quyết tâm cao độ và nổ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố, bước đầu có thể nhận định tất cả các chuỗi lây nhiễm này đã được kiểm soát. Từ tháng 2/2020, thành phố đã tiến hành thành lập các khu cách ly tập trung và xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19. Tính đến ngày 30/12/2020, đã có 27.776 người được cách ly tại các khu cách ly thành phố và 3.651 người cách ly tại khu cách ly của quận, huyện (3.547 người đã hết thời gian cách ly). Toàn thành phố có 58 khu cách ly tập trung, trong đó: 3 khu cách ly quân đội; 22 khu cách ly khách sạn; 9 bệnh viện và 24 khu cách ly của quận, huyện. Ngoài ra, tổ chức theo dõi 42.780 người cách ly tại nhà và nơi lưu trú.

Ngoài ra, để kịp thời phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, ngành y tế thành phố đã chủ động giám sát lấy mẫu COVID-19 trong cộng đồng (bệnh viện, bến xe, chợ đầu mối, Trung tâm bảo trợ xã hội..) và các nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng và viêm phổi nặng nghi do vi rút. Tính đến 30/12/2020, tổng số mẫu xét nghiệm (các nhóm đối tượng) đã thực hiện là 239.157 mẫu, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã thực hiện 129.542 mẫu.

2. Huy động nguồn lực sẵn có của các bệnh viện hình thành nên các khu cách ly điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến phát huy hiệu quả trong công tác cách ly điều trị người được xác định hoặc nghi nhiễm COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại công văn số 404/UBND-VX ngày 06 tháng 02 năm 2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, Ngành Y tế thành phố đã chủ động bố trí các khu vực cách ly điều trị và sẵn sàng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Ngành y tế Thành phố đã chủ động xây dựng 2 bệnh viện dã chiến nhằm phục vụ công tác cách ly điều trị, bao gồm: BV dã chiến phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đặt tại huyện Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 đặt tại huyện Cần Giờ với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, bố trí phòng cách ly áp lực âm, quy mô lên đến 900 giường bệnh.

Sáng ngày 10/02/2020, sau 5 ngày khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện giữa Bộ Tư lệnh thành phố và Sở Y tế, Bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV của TP.HCM chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Bệnh diện dã chiến Củ Chi là một trong những bệnh đầu tiên chuyên trị cho bệnh nhân mắc Covid 19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện có hệ thống cận lâm sàng cơ bản như xét nghiệm sinh hoá, huyết học và chụp X quang phổi, Siêu âm, có hệ thống nước thải y tế đúng chuẩn, đồng thời được trang bị 10 phòng cách ly áp lực âm.

Ngày 16/3/2020, Bệnh viện Điều trị Covid 19 Cần Giờ được thành lập với quy mô 600 giường, bao gồm 2 cơ sở, mỗi cơ sở có 300 giường điều trị. Điều đáng ghi nhận chính là các buồng phẫu thuật, buồng cấp cứu, buồng chạy thận đều được đặt trong phòng áp lực âm và sẵn sàng sử dụng trong cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang cách ly điều trị tại bệnh viện này.

Tính đến ngày 31/12/2020, hai bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận cách ly 693 người cách ly, người bệnh có triệu chứng viêm hô hấp cấp và chăm sóc, điều trị khỏi 117 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây được xem là nỗ lực chống dịch của ngành y tế thành phố, mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; đồng thời góp phần vào thành công chung trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam.

Để ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới, ngành y tế thành phố đã huy động tổng cộng 3.500 giường bệnh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, trong đó giai đoạn đầu ưu tiên sử dụng giường bệnh từ các bệnh viện chuyên trác h: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (400 giường) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

3. Hướng dẫn, kiểm tra đánh giá sự tuân thủ bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành về bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp

Với mục tiêu hướng dẫn bệnh viện triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đáp ứng tốt với các yếu tố nguy cơ dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” và "Phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ bệnh viện đến phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế.

Sở Y tế đã triển khai bộ tiêu chí đến tất cả các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế trên địa bàn để tổ chức tự đánh giá theo quy định của Bộ Y tế và tổ chức giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện. Qua công tác tự đánh giá và đánh giá lại của Sở Y tế với những góp ý của đoàn kiểm tra, các cơ sở y tế đã xác định được những vấn đề ưu tiên để cải tiến hoạt động phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế.

Hiện nay, 100 bệnh viện xếp mức an toàn (91,7%) và 09 bệnh viện xếp mức an toàn thấp (8,3%). Sau 1 tuần chính thức triển khai, hiện đã có 5.726/5.979 phòng khám tư nhân đã được Bộ Y tế cấp tài khoản đăng nhập để báo cáo kết quả tự đánh giá theo Bộ tiêu chí phòng khám an toàn (đạt 95,76%); và đã có 1.749 phòng khám đã tự đánh giá lần 1 (đạt 30,5%) với 1.484 PK xếp mức an toàn, 255 PK xếp mức an toàn thấp và 10 PK xếp mức không an toàn.

4. Tiếp nhận và tổ chức lại tất cả bệnh viện và trung tâm y tế bệnh viện quận, huyện về Sở Y tế quản lý

Thực hiện Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án tổ chức lại Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận, huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện thành “Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận, huyện trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh”, tính đến ngày 01/01/2021, Sở Y tế đã hoàn tất công tác tổ chức lại các Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận, huyện về Sở Y tế quản lý.

Theo đó, số đơn vị trực thuộc Sở Y tế hiện nay tổng cộng là 81 đơn vị (tăng thêm 42 đơn vị so với năm 2019) và tổng số nhân lực y tế công lập hiện nay là 41.866 người (tăng 13.118 người), đồng thời Sở Y tế đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Quyết định bổ nhiệm Ban Giám đốc các đơn vị này để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều hành hoạt động. Sở Y tế đã thực hiện đảm bảo 100% tiến độ theo kế hoạch, trên cơ sở tiếp nhận nhân lực các đơn vị quận, huyện, Sở Y tế đã rà soát và điều động bổ sung viên chức quản lý đến các đơn vị y tế quận, huyện còn thiếu thành viên Ban Giám đốc nhằm từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của các đơn vị.

5. Nhiều công trình xây dựng mới của các bệnh viện thành phố đi vào hoạt động và tiếp tục được khởi công, tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 95%

Trong năm 2020, có 07 công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 1.285 tỷ đồng, bao gồm: Nâng cấp cải tạo Khu Khám chữa bệnh và Khu hành chính Viện Tim; Tòa nhà Bách Hợp Bệnh viện Hùng Vương; Cải tạo sửa chữa BV Đa khoa Sài Gòn; Xây dựng thay thế Khu B-C của Bệnh viện Từ Dũ;  Xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất theo định hướng phát triển chuyên môn của Bệnh viện Nhân Ái; Cải tạo nâng cấp khối nhà N6 (Khoa Cấp cứu, CĐHA, Khoa điều trị và Khu hành chánh) của Bệnh viện Y Học Cổ Truyền; Mở rộng và nâng cấp Bệnh viện quận 3.

Các dự án tiếp tục được thi công trong năm 2020 (chuyển tiếp của năm 2019) với tổng mức đầu tư 9.152 tỷ đồng, bao gồm: Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đã khánh thành khối Khám bệnh); Xây dựng mới Bệnh viện Truyền máu Huyết học; Xây dựng mới khu khám và điều trị ban ngày Viện Y Dược Học Dân Tộc; Xây dựng mới Trung tâm xét nghiệm Y khoa; Xây dựng mới khối ngoại Bệnh viện Nguyễn Trãi; Xây mới Khối 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1; Xây dựng mới Khối 4A Bệnh viện Nhi Đồng 1; Xây dựng mới Trung tâm chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Khối 5B); Khu chẩn đoán kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115;  Cải tạo, mở rộng Bệnh viện quận 8. Ngoài ra, còn có 03 dự án khởi công mới trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.378 tỷ đồng, bao gồm: Xây dựng thay thế Khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân Dân Gia Định; Xây dựng mới Trung tâm Pháp Y; Xây dựng Khối A1 Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp. Tỷ lệ giải ngân của các công trình xây dựng ước đạt trên 95%.

6. Triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại tất cả bệnh viện công lập và tư nhân

Hoạt động khảo sát "Trải nghiệm người bệnh nội trú" là hoạt động mới, thiết thực, là một công cụ quản lý giúp cho bệnh viện biết được cảm nhận thật của người bệnh về bệnh viện từ lúc nhập viện đến lúc xuất viện sau thời gian nằm điều trị tại bệnh viện. Kết quả khảo sát sẽ cung cấp các thông tin có giá trị thiết thực giúp bệnh viện phát huy những trải nghiệm tích cực và có giải pháp cải tiến chất lượng, kịp thời chấn chỉnh đối với những trải nghiệm theo chiều hướng tiêu cực của người bệnh, qua đó đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của người bệnh đối với bệnh viện, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, tạo dựng niềm tin của người bệnh về bệnh viện.

Hiện nay các bệnh viện vẫn duy trì hoạt động khảo sát định kỳ mỗi 6 tháng. Tính đến ngày 30/06/2020, tổng cộng có 81 bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện khảo sát 5.470 người bệnh, trong đó có 29/30 bệnh viện tuyến thành phố (trừ bệnh viện ĐK Sài Gòn), 22/23 bệnh viện quận huyện và 31/56 bệnh viện tư nhân. Nhìn chung đa số người bệnh có mức độ đánh giá đánh giá khá tích cực về trải nghiệm mà họ đã trải qua tại các bệnh viện tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các bệnh viện tư nhân so với bệnh viện công lập. Cụ thể điểm đánh giá tổng thể trung bình các bệnh viện tuyến thành phố là 8,60, bệnh viện quận huyện là 8,28 trong khi điểm đánh giá tổng thể các bệnh viện ngoài công lập cao hơn 8,83. Khi so sánh tiêu chí về người bệnh cam kết sẽ quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị thì bệnh viện tuyến tư nhân có tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là khối bệnh viện thành phố và sau đó là khối quận huyện

7. Triển khai chuyển đổi số công tác quản lý nguồn nhân lực và công tác thẩm định cấp phép danh mục kỹ thuật

Năm 2019, Sở Y tế đã chủ động xây dựng phần mềm Quản lý nhân lực Y tế với các chức năng cụ thể như: theo dõi sự biến động về số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế của cả ngành Y tế thành phố nói chung và của từng đơn vị nói riêng để kịp thời tuyển dụng, bố trí, sử dụng, để bạt công chức, viên chức quản lý và giải quyết các chế độ chính sách khác nhau như: giải quyết hồ sơ đi nước ngoài, nghỉ hưu, nghỉ việc, đào tạo bồi dưỡng, thi đua khen thưởng, tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp bằng phần mềm. Ngoài ra, phần mềm Quản lý nhân lực còn cung cấp một số chức năng thông minh giúp cảnh báo thời điểm bổ nhiệm lại, nghỉ hưu để Sở Y tế chủ động trong công tác quản lý nguồn nhân lực. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có hơn 40.000 dữ liệu về nhân viên y tế của ngành y tế thành phố đã được nhập liệu, mã hóa, đưa vào hệ thống quản lý và đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

Năm 2020 Sở Y tế tiến hành xây dựng phần mềm Quản lý Danh mục kỹ thuật, là công cụ tốt để Sở Y tế theo dõi, quản lý được tất cả danh mục kỹ thuật đã phê duyệt và đang áp dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quản lý. Đến nay các bệnh viện đã thực hiện số hóa toàn bộ Danh mục kỹ thuật đang triển khai tại cơ sở của mình và thực hiện đăng ký phê duyệt danh mục kỹ thuật trực tuyến với Sở Y tế. Ứng dụng này đã hỗ trợ Sở Y tế số hoá toàn bộ dữ liệu danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, là nền tảng quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, kiểm tra sự tuân thủ các danh mục kỹ thuật được phê duyệt, đồng thời sẽ công khai, minh bạch cho người dân biết và cùng giám sát và kịp thời phản ánh những cơ sở vi phạm chuyên môn (thực hiện các kỹ thuật chưa được phê duyệt). Tính đến ngày 31/12/2020, hệ thống đã ghi nhận 417.019 danh mục kỹ thuật của 114 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế.

8. Triển khai thử nghiệm trung tâm điều hành tại Sở Y tế

Tháng 2/2020, Sở Y tế chính thức vận hành thí điểm Trung tâm điều hành y tế tại Sở Y tế, tích hợp, kết nối tổng hợp số liệu tại các phòng ban, các đơn vị trực thuộc thu thập dữ liệu đưa ra các chỉ số báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, điều hành. Khi trung tâm điều hành được vận hành hoàn chỉnh trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn chắc chắn sẽ giúp Sở Y tế chủ động hơn trong công tác dự báo, điều hành một cách chính xác và kịp thời, công tác cải cách hành chính của ngành y tế sẽ hiệu quả hơn.

Theo đó 12 hợp phần giúp công tác quản lý điều hành Sở Y tế đã được triển khai tại Trung tâm như: 1. Hệ thống  báo cáo, đưa ra biểu đồ phân tích với tổng số 224 chỉ số ngành y, trong đó có 208 chỉ số kết nối qua API; 2. Hệ thống chỉ đạo điều hành, tương tác nội bộ tới các đơn vị trực thuộc; 3. Hệ thống văn bản đi- đến : tích hợp với hệ thống quản lý văn bản của Sở. Tích hợp hệ thống hành chính công; 4. Phần mềm tổ chức và quản lý họp thông minh; 5. Phần mềm quản lý lịch làm việc; 6. Hệ thống CCTV và GIS: đã xây dựng hệ thống bản đồ số (GIS), thí điểm tích hợp kết nối với 112 camera của 8 bệnh viện, 1 Bệnh viện Dã chiến Củ Chi kèm theo phân tích AI phục vụ cho công tác điều phối quá tải cấp cứu, phòng chống dịch; 7. Hệ thống tổng hợp phân tích báo chí và mạng xã hội; 8. Tích hợp Phần mềm khảo sát không hài lòng và trải nghiệm người bệnh nội trú; 9. Kết nối với Trung tâm cấp cứu 115; 10. Hệ thống và dashboard phục vụ điều hành giám sát phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19); 11. Hệ thống Telemedicine kết nối giữa các bệnh viện, trạm y tế ; 12. Ứng dụng trên thiết bị di động dành cho lãnh đạo.

9. Triển khai hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế cấp độ 3, 4

Từ tháng 1/2019 Sở Y tế đã chính thức ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến riêng của Ngành Y tế (liên thông với Cổng dịch vụ công của thành phố), trên cơ sở đó Sở Y tế đã xây dựng quy trình nội bộ, giải quyết hồ sơ dịch vụ hành chính công qua cổng dịch vụ công trực tuyến riêng của Ngành Y tế, đến nay 100% (115/115) thủ tục hành chính công của Sở Y tế được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

10. Phát huy hiệu quả của ứng dụng “Y tế trực tuyến”, là công cụ phản ánh thông tin của người dân trực tiếp đến Sở Y tế

Triển khai Ứng dụng “Y tế trực tuyến” người dân có công cụ để phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức. Thời gian tối đa xử lý thông tin và công khai kết quả giải quyết không quá 24 giờ kể từ khi nhận phản ánh đối với phản ánh cấp độ 1, không quá 48 giờ đối với cấp độ 2, không quá 72 giờ đối với cấp độ 3. Đến nay sau hơn 4 tháng triển khai đã tiếp nhận và xử lý trên 100 phản ánh người dân, cơ quan báo đài.