14 người tại Đức nhiễm biến chủng nCoV mới sau khi tiêm vaccine

Thứ hai, 08/02/2021, 09:54 AM

Những bệnh nhân mới đều là người cao tuổi tại một viện dưỡng lão ở thị trấn Belm, huyện Osnabrück, bang Niedersachsen, Đức.

Một người cao tuổi tại Đức nhận liều vaccine Covid-19. Ảnh: AP.

Một người cao tuổi tại Đức nhận liều vaccine Covid-19. Ảnh: AP.

Theo đài truyền hình NDR của Đức, 14 người này đều nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 mới B117 từ Anh. Họ đều được tiêm mũi vaccine Pfizer/BioNtech thứ 2 vào ngày 25/1.

Ổ dịch mới được phát hiện tại một viện dưỡng lão, hưu trí ở thị trấn Belm, bang Niedersachsen. Các nhân viên, người liên quan và khu vực này đã được cách ly ngay sau đó.

14 trường hợp trên hầu như không có dấu hiệu của bệnh hoặc triệu chứng nhẹ. Phát ngôn viên của thị trấn Belm cho rằng điều này có thể do tác dụng của vaccine mà họ đã tiêm.

Hiện tại, thời điểm chính xác họ nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng B117 chưa thể xác định. Các bệnh nhân được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt xét nghiệm nhanh vào ngày 2/2.

Chuyên gia khoa học lý giải vaccine do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất chứa một đoạn mã di truyền mRNA của virus, kích hoạt hệ thống tạo kháng thể, tấn công nếu virus nCoV xâm nhập.

Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian. Nghiên cứu về vaccine cho thấy phải sau 8-10 ngày tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch với virus mới tăng lên. Sau mũi tiêm một, hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%. Sau 28 ngày tiêm liều đầu tiên, con người mới có cơ chế kháng virus nCoV hiệu quả.

Vì vậy, người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước hoặc vài ngày sau khi tiêm vaccine đều có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng. Ngay cả khi hiệu quả của vaccine lên tới 95%, vẫn còn 5% nguy cơ nhiễm bệnh.