17 năm sau vụ 11/9, cuộc khám nghiệm pháp y lớn nhất lịch sử vẫn tiếp diễn

Thứ ba, 11/09/2018, 15:26 PM

Xương được làm sạch, cắt, nghiền thành bột, xử lý hóa học và ủ 5 lần trước khi tạo ra đủ DNA để cho kết quả nhận dạng. 17 năm sau vụ khủng bố 11/9 ở New York, Mỹ, hơn 1000 nạn nhân vẫn còn vô danh.

17-nam-sau-vu-119-cuoc-kham-nghiem-phap-y-lon-nhat-lich-su-van-tiep-dien
Văn phòng Giám định Y khoa New York đang giải thích bước đầu trong quá trình xử lý các mẫu của các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 để chiết xuất DNA.

Trong số 2.753 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 ở New York, vẫn còn tới 1.111 nạn nhân, khoảng 40%, vẫn chưa xác định được thi thể.

Gần 22.000 phần thi thể đã được thu thập từ các đống đổ nát, hố ga, mái nhà, đường phố ở gần Trung tâm Thương mại Thế giới và khu vực xung quanh trong khoảng từ năm 2001 đến 2010.

Hầu hết là những thi thể còn nguyên hoặc những mảnh thi thể nhỏ, bị hư hại nặng nề bởi các đám cháy, hay bị đất đá từ tòa nhà đè xuống hay do nước phun để dập tắt các đốm lửa, ông Jay Aronson, phó giáo sư khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Carnegie Mellon cho hay.

Aronson nói: “Nếu bạn muốn tiêu diệt ADN, cách tốt nhất là dùng nhiệt độ cao và độ ẩm”. Ý ông muốn nói, nhiều phần thi thể không thể xác định được ADN vì đã bị hư hỏng theo cách đó.

Tuy nhiên, những phần thi thể bị tàn phá đó đã không thể ngăn cản người đứng đầu Văn phòng Giám định Y khoa New York (OCME) khi đó là ông Charles Hirsch. Ông Charles vẫn hứa với thân nhân của các nạn nhân rằng đội ngũ của ông sẽ "làm bất cứ điều gì, dù mất bao lâu đi nữa, để xác định danh tính của mọi nạn nhân của bi kịch này".

Và đúng như lời hứa của ông, 17 năm sau vụ khủng bố 11/9, cuộc điều tra pháp y lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nước Mỹ vẫn tiếp tục.

Nhiều lần thất bại

Năm 2002, các nhà khoa học pháp y thuộc Tập đoàn Công nghệ Bode ở Virginia - nơi nhận được nhiều mẫu thi thể chưa được xác định từ vụ khủng bố 11/9, đã hai lần thất bại trong việc trích xuất DNA lỏng, rõ ràng để có thể xác định danh tính của các nạn nhân.

17-nam-sau-vu-119-cuoc-kham-nghiem-phap-y-lon-nhat-lich-su-van-tiep-dien
Nhờ tiến bộ công nghệ, các nhà khoa học đã không còn phải nghiền xương bằng cối và chày.

Do vậy, các mẫu xương, được rút hết nước và hút chân không, bọc trong một gói màu trắng gắn cờ Mỹ và mã vạch, đã được đưa trở lại OCME.

Cho đến khoảng 10 năm trước, khi OCME được trang bị công nghệ tiên tiến hơn, đơn vị tìm kiếm người mất tích (Missing Persons Unit - MPU) của văn phòng này đã nỗ lực thêm nhiều lần nữa để cố tìm cho ra danh tính của các nạn nhân.

Sau đó, vào tháng 7/2018, họ đã đạt được một bước đột phá với một mẫu mà trước đó gần như vô vọng về việc xác định DNA. Họ đã tìm được mẫu DNA hoàn chỉnh và hoàn toàn phù hợp với Scott Michael Johnson, một cư dân 26 tuổi ở Montclair, làm việc trên tầng 89 của tháp phía nam với tư cách là nhà phân tích chứng khoán tại Keefe, Bruyette & Woods khi vụ tấn công khủng bố 11/9 xảy ra.

"Kết quả đó thực sự đã khích lệ tinh thần của mọi người", nhà điều tra hình sự Carl Gajewski, một thành viên của đơn vị MPU cho biết. Johnson là nạn nhân đầu tiên được xác định kể từ tháng 8/2017. DNA chiết xuất của Johnson được so với một mẫu từ bàn chải đánh răng của anh và được xác nhận với mẫu DNA của cha mẹ anh.

Andrew Schweighardt, một chuyên gia thuộc MPU cho biết ông đã rất xúc động khi xác định được Johnson và khi đó ông nghĩ về người em họ của mình, Joseph Anchundia. Anchundia cũng làm việc cho một ngân hàng ở tòa tháp Nam. Khi vụ tấn công xảy ra, Anchundia mới 26 tuổi. Hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể của Anchundia. Nghĩ đến đó, Schweighardt cảm thấy tim mình như bị ai đó xiết chặt.

"Tôi luôn hy vọng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ tìm thấy thi thể của cậu ấy để chúng tôi có thể yên lòng”, ông nói.

17-nam-sau-vu-119-cuoc-kham-nghiem-phap-y-lon-nhat-lich-su-van-tiep-dien
Nhiều mẫu xương của các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 được làm sạch, cắt, nghiền thành bột, xử lý hóa học và ủ 5 lần trước khi tạo ra đủ DNA để cho kết quả nhận dạng.

Mark Desire, trợ lý giám đốc sinh học pháp y của Văn phòng Giám định Y khoa New York cho biết: “Cam kết của chúng tôi trong việc nhận dạng các nạn nhân trong năm 2018 vẫn còn y nguyên như năm 2001”.

Tính đến đầu tháng 9/2018, 14.549 phần thi thể, 66 %, đã được xác định, Văn phòng Giám định Y khoa cho hay.

7.356 phần thi thể còn lại hoặc đã bị hư hại quá nhiều, ko trích xuất DNA hoặc có DNA không khớp với kho dữ liệu gồm 17.000 mẫu tham chiếu từ các nạn nhân và thành viên gia đình. Khoảng 100 nạn nhân không có tài liệu tham khảo, ông Desire nói.

Những phần thi thể có hồ sơ DNA nhưng không phù hợp với mẫu tham chiếu hoặc chưa được ai nhận được lưu trữ trong một kho ngầm dưới Trung tâm Thương mại Thế giới. Kho ngầm này đóng cửa với công chúng. Gia đình các nạn nhân chỉ có thể xem qua một phòng phản chiếu liền kề tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9.

Trung tâm khoa học pháp y Charles S. Hirsch đang giữ khoảng 4.000 phần thi thể từ vụ khủng bố 11/9 chưa xác định được danh tính, phần lớn là xương, theo ông Timothy Kupferschmid, trưởng phòng thí nghiệm. Các mẫu này đã được thử nghiệm và kiểm tra lên đến 15 lần, ông Desire cho hay.

Xương là một trong những phần khó chiết xuất DNA nhất, ông nói. Khó khăn là do xương đã tiếp xúc với lửa, nước, nấm mốc, vi khuẩn, nhiên liệu của máy bay và thậm chí cả ánh sáng mặt trời.

Tiến bộ công nghệ

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm pháp y lớn nhất Bắc Mỹ này cam kết hông bỏ cuộc. Những tiến bộ trong kỹ thuật chiết xuất và nhận dạng các mẫu DNA đang giúp xóa bỏ dần những hạn chế trước đó, ông Desire nói.

Bên trong Văn phòng Giám định Y khoa New York - nơi đang tìm cách xác định danh tính của nhiều phần thi thể của các nạn nhân vụ khủng bố 11/9:

"Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể làm được, có thể là năm sau. Mỗi năm chúng tôi đều thành công khi xác định những mẫu mà trước đó không có hy vọng xác định được”.

Các mẫu nhận dạng được trong năm 2018 đều không thể làm được hồi năm 2001 khi mà các nhà khoa học vẫn phải tự nghiền các mẫu xương thành bột bằng cối và chày. Giờ đây MPU đã có thể dùng máy nghiền, giúp làm mềm các xương bằng nitơ lỏng và nghiền thành bột bằng một mảnh kim loại. Bột mịn hơn dễ hấp thụ hơn các hóa chất làm nứt các tế bào để giải phóng DNA và cho phép trích xuất được nhiều DNA hơn.

Khi những thi thể chờ người thân

Peter Killeen, một cố vấn cho Cơ quan Cảng vụ, người chuyên tiếp xúc với gia đình các nạn nhân sau vụ khủng bố 11/9, cho biết: “Mọi người đều đau buồn theo cách riêng của họ. Một số người chấp nhận thực tế rằng họ sẽ không bao giờ nhận lại được thứ gì đó của người thân yêu từ ngày đó và tiếp tục sống tốt nhất có thể. Trong khi các gia đình khác tiếp tục chờ đợi”.

Bà Diane Horning ở Scotch Plains nhận các phần thi thể của con trai 26 tuổi, Matthew Horning, tới hai lần. Bà gần như suy sụp khi được cung cấp nhận dạng của con trai lần đầu vào vài năm sau ngày 9/11/2001.

"Khi bạn nhận được thông báo đó, hiện thực trở nên hữu hình. Nếu bạn không có bất kỳ bằng chứng hữu hình nào, bạn sẽ cho phép mình chối bỏ điều đó, và một khi bạn nhận được cuộc gọi đó, bạn thực sự không thể phủ nhận được thực tế đau buồn nữa. Bạn biết đó là sự thật”, bà Horning nói và cho biết trước đó bà vẫn hy vọng con trai còn sống.

“Cứ như thể bạn đã mất đi người thân trong một cuộc chiến ở nước ngoài, bạn muốn họ trở về nhà. Văn phòng Giám định Y khoa đã rất tử tế và siêng năng trong việc cho chúng tôi lựa chọn đó. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi muốn như vậy”, bà nói.

Sau hai lần nhận thi thể con, cuối cùng gia đình đã có thể chôn cất Matthew Horning trong một nghĩa trang.

Trong khi đó, Rosemary Cain cho rằng mình may mắn khi có thể an táng một phần thi thể nhỏ của con trai bà - lính cứu hỏa George Cain. Tuy nhiên, bà tin rằng nhiều phần của anh còn nằm trong số những thi thể chưa xác định được danh tính. Bà cảm thấy đau đớn khi nghĩ chúng chưa được chôn cất.

“Những cơ thể đó thiêng liêng. Bất cứ thứ gì còn sót lại của cơ thể họ đều rất thiêng liêng đối với một người mẹ hoặc một người cha hoặc anh chị em của họ", bà Cain nói.

Sally Regenhard, người mất con trai là lính cứu hỏa Christian Regenhard, và Jim McCaffrey, người mất người anh là lính cứu hỏa Orio Palmer, vẫn chưa nhận được thi thể của người thân. Họ không còn hy vọng nhận lại các phần thi thể nữa.

Họ mong muốn những phần thi thể của các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 chưa được xác định danh tính sẽ được chôn cất giống như Mộ của Người lính Vô danh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

"Đối với cá nhân tôi, điều quan trọng là tất cả các phần thi thể chưa được xác định được chôn cất chu đáo trong một nghĩa trang”, Regenhard nói.

Theo Regenhard, các gia đình của người mất tích đang sống trong trạng thái rất khó khăn. Không có hài cốt, không có mai táng và không có chôn cất, không có bằng chứng vật lý về những gì đã xảy ra với người thân của họ.

Thứ khiến cho bất kỳ cha mẹ nào hay người thân nào cũng đau đớn đó là việc không có bằng chứng cho thấy người thân đã chết đem lại cảm giác giống như không có bằng chứng cho thấy họ đã từng sống, bà Regenhard nói.