18 tổng chưởng lý bang Mỹ hợp sức giúp ông Trump kiện kết quả bầu cử Tổng thống

Thứ sáu, 11/12/2020, 19:19 PM

17 tổng chưởng lý Mỹ ủng hộ Texas kiện lên Tòa án Tối cao giúp ông Trump lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống

18 tổng chưởng lý bang Mỹ hợp sức giúp ông Trump kiện kết quả bầu cử Tổng thống

18 tổng chưởng lý bang Mỹ hợp sức giúp ông Trump kiện kết quả bầu cử Tổng thống

Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton hôm 8/12 cho biết đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, cáo buộc 4 bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin thay đổi quy trình bầu cử để nhận thêm phiếu bầu qua thư một cách vi hiến, tạo điều kiện cho "gian lận nghiêm trọng", sau đó che giấu bằng chứng phe Dân chủ đã "đánh cắp bầu cử".

Đơn kiện của Texas yêu cầu Tòa án Tối cao ra phán quyết khẩn cấp, hoãn thời hạn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại 4 bang này vào 14/12.

Động thái này sau đó nhận được sự ủng hộ từ 17 bang khác, hầu hết đều có thống đốc là thành viên đảng Cộng hòa. Tổng thống Donald Trump hôm 9/12 cũng gửi đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu được tham gia vụ kiện của Texas. " Đây là vụ kiện lớn. Đất nước chúng ta cần một chiến thắng", Trump đăng Twitter trước đó.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật cho rằng đơn kiện của Texas, cùng sự ủng hộ từ 17 bang khác, gần như không có giá trị về mặt pháp lý, với những cáo buộc mà họ đánh giá "phi lý và nực cười", có khả năng đẩy cuộc chiến pháp lý của Trump vào một kết cục "thảm hại".

Bình luận viên Mark Joseph Stern của Slate thậm chí còn đưa ra nhận định rằng Tổng chưởng lý Paxton thúc đẩy vụ kiện này "quan tâm hơn đến việc nhận được ân xá từ Trump hơn là trình bày một lập luận pháp lý chặt chẽ", bởi bản thân ông này đang bị FBI điều tra với cáo buộc tham nhũng.

Điều vẫn chưa rõ ràng là tại sao tổng chưởng lý của 17 bang, tất cả đều là đảng viên Cộng hòa, lại quyết định tham gia "cuộc chiến" vì Trump của Paxton. Trong một tuyên bố riêng, do Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt dẫn đầu, họ nhắc lại những cáo buộc của Tổng chưởng lý Texas, kêu gọi Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện, đồng thời đề xuất biện pháp khắc phục là hủy bỏ tất cả phiếu phổ thông ở cả 4 bang bị kiện và để nghị viện các bang này tự chọn đại cử tri.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống, Trump dù thua Biden nhưng vẫn nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu, mức cao kỷ lục đối với một ứng viên đảng Cộng hòa. Nền tảng ủng hộ Trump được cho là có tác động rất quan trọng đối với bất cứ chính trị gia đảng Cộng hòa nào.

Trump gây sức ép lên Tòa án Tối cao để lật ngược kết quả bầu cử

Trong bối cảnh các lựa chọn pháp lý ngày càng thu hẹp và thời gian không còn nhiều trước cuộc bầu cử quan trọng của đại cử tri đoàn (dự kiến diễn ra ngày 14/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (10/12) đã gia tăng sức ép lên Tòa án Tối cao để lật ngược kết quả bầu cử Mỹ. Nỗ lực của ông nhận được sự ủng hộ của hơn 100 nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Trong dòng Tweet đăng sáng hôm qua, ông Trump kêu gọi Tòa án Tối cao “cứu đất nước khỏi sự lạm dụng bầu cử lớn nhất trong lịch sử”, đồng thời nhắc lại cáo buộc của ông về việc có tình trạng gian lận trên diện rộng. Ông Trump đã có một bữa ăn trưa tại Nhà Trắng cùng với tổng chưởng lý của 18 bang do đảng Cộng hòa điều hành từng đệ đơn yêu cầu tòa án bác bỏ kết quả bầu cử tại 4 bang chiến địa mà ông Biden chiến thắng.

Chiều cùng ngày, 106 thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện ký vào biên bản ủng hộ đơn kiện của bang Texas đối với 4 bang chiến địa nói trên, trong số này có nghị sỹ Cộng hòa Whip Steve Scalise –Phó  lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện và ông Tom Emmer, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

Kể từ cuộc bầu cử đến nay, nhóm pháp lý của đội ngũ ông Trump đã phải chịu hơn 30 thất bại tại các tòa án liên bang và tòa án cấp tiểu bang. Mới nhất ngày 8/12, tòa án tối cao đã ra phán quyết bác bỏ đề nghị ngăn cảng bang Pennsylvania xác nhận chiến thắng của ông Biden tại bang này. Ông Biden đã thắng ở Pennsylvania với cách biệt 80.000 phiếu bầu và nhận được tỉ lệ phiếu bầu qua thư cao hơn nhiều so với ông Donald Trump.