Phí bảo trì chung cư, đề nghị thu trong 60 tháng

Thứ ba, 19/03/2019, 15:03 PM

Cho dù có thu đủ kinh phí bảo trì 2% cũng không đủ để thực hiện bảo trì trong suốt vòng đời của nhà chung cư, quỹ bảo trì chung cư hết sẽ lấy tiền đâu để chi sửa chữa, bảo trì chung cư?

2-co-du-de-bao-tri-suot-vong-doi-cua-nha-chung-cu
Tranh chấp phí bảo trì chung cư vẫn nóng ở nhiều dự án ? Ảnh minh họa

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và lãnh đạo TP HCM kiến nghị đổi mới phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo ông Châu, Luật Nhà ở 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế GTGT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà.

Quỹ bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn. Phổ biến đối với nhà chung cư trên 20 tầng, quỹ bảo trì khoảng 20 tỉ đồng trở lên, cá biệt, như quỹ bảo trì chung cư Keangnam (Hà Nội) lên đến khoảng 160 tỉ đồng, gấp nhiều lần vốn điều lệ của doanh nghiệp trung bình.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng quy định, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm bảo hành nhà chung cư cao tầng trong ít nhất 5 năm kể từ ngày đưa vào sử dụng, nên trong những năm đầu, nhu cầu sử dụng quỹ bảo trì chung cư không lớn.

Ông Châu cho rằng, thực tế, dù có thu đủ kinh phí bảo trì 2% cũng không đủ để thực hiện bảo trì trong suốt vòng đời của nhà chung cư. Chắc chắn sau hơn mười năm, quỹ bảo trì chung cư hết và các chủ sở hữu chung cư sẽ phải thu thêm kinh phí bảo trì.

Do đó, HoREA kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà.

Thay vào đó, theo HoREA nên quy định chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì 2% này, trong thời hạn 60 tháng. Đề nghị mức đóng hằng tháng được chia đều trong 60 tháng, làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư và hợp lý hơn.

Đồng thời, quỹ bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm: Hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.

Đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng, thang máy, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện (bao gồm máy phát điện), cấp nước, cấp gas, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa, chiếu sáng công cộng... kiến nghị sử dụng kinh phí quản lý vận hành chung cư hằng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì.

Đối với tường ngăn chia căn hộ thuộc sở hữu chung của các chủ căn hộ liên quan thì các bên tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác bảo trì (nếu có).

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Ban quản trị nhà chung cư chịu trách nhiệm thu kinh phí bảo trì chung cư và kiến nghị xây dựng cơ chế để Ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này.

Trước đó, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì để tránh tranh chấp sau những xung đột xảy ra tại nhiều chung cư trên địa bàn trong thời gian qua từ nguồn tiền này gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng: Tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu luật pháp vẫn buộc thu khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp không biết đến bao giờ mới kết thúc. Do đó, nên bỏ khoản phí này khi người dân mua nhà.

Khi chung cư đi vào sử dụng, nếu phát sinh hư hại thì người sử dụng có trách nhiệm đóng góp để sửa chữa, nếu không nộp sẽ có chế tài theo quy định đưa ra. “Một chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm. Trong 5 năm đầu chung cư vẫn còn bảo hành theo chính sách của nhà thầu. Thời gian đầu chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều. Nhưng càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt.

Luật quy định là muốn bảo vệ quyền lợi người dân, nhưng lại vô tình gây ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản tiền này. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm; hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Khảo sát ở nhiều nơi, nước ngoài cũng có nơi chia nhỏ khoản này ra thu hằng tháng, hằng quý cùng với phí quản lý. Khi kinh phí vận hành sử dụng hết, số dư ra sẽ lập quỹ để bảo trì”, ông Hải nói.

 

Đề xuất tăng thuế xe ô tô tải nhập khẩu: Doanh nghiệp trong nước hưởng lợi?

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên mức thuế suất 25% đối với một số loại ô tô tải nhập khẩu.

 

Chồng, con bà Tư Hường không còn nắm cổ phần tại Tập đoàn Hoàn Cầu

Cổ đông tại Hoàn Cầu chỉ còn hai cá nhân, song không có chồng và con trai bà Tư Hường.

 

Nhà Trung Nguyên ầm ĩ ly hôn: Chồng diễn siêu xe người đẹp, vợ vui vẻ từ thiện

Trong khi cuộc ly hôn ngàn tỷ giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên ầm ĩ và chưa đi đến đoạn kết thì ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tổ chức trình diễn siêu xe cùng người đẹp, còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo vui vẻ từ thiện.