300.000 tỉ đồng sẽ rót vào hạ tầng ở thành phố Thủ Đức?

Thứ sáu, 29/01/2021, 11:10 AM

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong 10 năm tới khu Đông gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức cần khoảng 300.000 tỉ đồng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông.

Khu Đông TP.HCM trong những năm gần đây đang là khu vực được đầu tư mạnh mẽ hơn cả về cơ sở hạ tầng giao thông

Khu Đông TP.HCM trong những năm gần đây đang là khu vực được đầu tư mạnh mẽ hơn cả về cơ sở hạ tầng giao thông

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển giao thông nhằm xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao tại khu Đông với 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức – nơi sẽ là Thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Theo đó, 5 nhóm dự án sẽ được tập trung phát triển ở khu Đông gồm: Chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro; buýt nhanh (BRT); đường thủy; bến bãi và vận tải công cộng.

Tổng nhu cầu vốn cho các dự án này vào khoảng 300.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 83.000 tỉ đồng, còn lại là các nguồn khác như trung ương, xã hội hóa, ODA…

Trong nhóm hạ tầng đường bộ tại khu Đông sẽ ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng như: khép kín đường Vành đai 2, 3; hoàn chỉnh đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng; xây cầu Thủ Thiêm 3, 4; cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thuỷ, Thủ Đức...; phát triển Metro Số 1, giai đoạn hai Metro Số 2, Metro Số 3b; các tuyến đường sắt nhẹ Trảng Bom - Hòa Hưng, Thủ Thiêm - sân bay Long Thành...

Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như: Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thuỷ; cầu Tăng Long, Nam Lý...

Từ 2021 – 2030 sẽ tập trung các dự án như khép kín hai đoạn Vành đai 2 là từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; xây hai cầu trên đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; làm nút giao An Phú. Đồng thời, các dự án xây mới bằng hình thức đối tác công tư (PPP) như Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), cầu Cát Lái, mở rộng quốc lộ 13...

Khu Đông TP.HCM trong những năm gần đây đang là khu vực được đầu tư mạnh mẽ hơn cả về cơ sở hạ tầng giao thông. Một loạt dự án đã và đang dần thành hình tại khu vực này như Hầm Thủ Thiêm, xa lộ Hà Nội mở rộng, tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến xe miền Đông mới hiện đại nhất cả nước….

Trong 10 năm tới, nếu kế hoạch 300.000 tỉ đồng đầu tư vào hạ tầng khu Đông được thực hiện sẽ tạo nên bước nhảy vọt cho khu vực này. Sở Giao thông Vận tải cho biết, kế hoạch đầu tư 300.000 tỉ đồng vào giao thông là phù hợp theo hướng phát triển khu Đông thành đô thị thông minh trong thời gian tới.

Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức bước đầu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương

Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức bước đầu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương

Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức bước đầu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương. Theo đó, Thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sự sáp nhập của 3 quận phía đông TP.HCM gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000ha và có khoảng 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM.

Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ... mà gần 2 thập niên qua TP.HCM vẫn chưa thực hiện được.

Dù đề án thành lập Thành phố Thủ Đức vẫn đang ở bước khởi đầu tuy nhiên những thông tin về đề án này đã và đang tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực tại 3 quận tại khu Đông. Đặc biệt, với lĩnh vực bất động sản “Thành phố Thủ Đức” đang là một trong những nội dung được nói đến nhiều nhất trong các chương trình mở bán, giới thiệu dự án tại đây. Những dự án mới ra mắt cũng đang có giá bán cao chưa từng có.