4 điều kiện để chuyển giới hợp pháp

Thứ hai, 08/01/2018, 02:11 AM

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được đưa ra lấy ý kiến được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc mà những người có số phận không may mắn trong xã hội đang gặp phải.

4-dieu-kien-de-chuyen-gioi-hop-phap
Jessica Nguyễn và mẹ. Ảnh: Zing News

Có giới tính mới nhưng không đổi được tên

Ba năm trước, tôi gặp Jessica (năm nay 31 tuổi, sống ở TP.HCM) tại một hội thảo dành cho người chuyển giới. Khi ấy, Jessica vừa tiến hành xong hàng loạt cuộc phẫu thuật chuyển giới, để từ một cậu thanh niên thành một cô gái. “Sau gần 10 ca phẫu thuật đầy đau đớn, tôi trở thành 1 người con gái như mình mong muốn. Nhưng khao khát có được một cái tên đúng với giới tính của mình thì khó hơn lên trời”, Jessica đã tâm sự với tôi như vậy.

Nói về ước mong lớn nhất của mình, Jessica chia sẻ: “Điều tôi mong muốn nhất hiện nay là có một lối thoát dành cho những người chuyển giới. Giả sử nếu không cho đổi giới tính thì cũng cho chúng tôi được đổi cái tên cho đúng với giới tính thật của mình. Bản thân tôi, tên thật là Toàn, nhưng sau khi chuyển giới, tôi cũng khao khát được đổi thành tên Nguyễn Quỳnh Tố An mà vẫn chưa được. Cho chúng tôi một cái tên, cũng coi như cho chúng tôi một thân phận trong xã hội này”.

Nhưng mơ ước ấy, sau vài năm, Jessica vẫn chưa thực hiện được, bởi hiện giờ cô vẫn chưa được đổi tên đúng với giới tính thực cô hiện có, vì thế, trong sinh hoạt cũng gặp không ít khó khăn, trục trặc liên quan đến giấy tờ. Cô tâm sự, bạn cô chuyển giới từ nam sang nữ, giờ chuẩn bị xây dựng gia đình và ra nước ngoài sống nhưng cũng không thể hoàn thiện thủ tục vì giấy tờ gốc vẫn là… nam giới.

Vừa qua, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã được ra lấy ý kiến, với kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập mà người chuyển giới thường gặp phải trong thực tế.

Độc thân mới được chuyển đổi giới tính?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng, soạn thảo dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Dự thảo luật gồm 7 chương, 29 điều quy định cụ thể về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với cá nhân, tổ chức thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học; công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính...

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới ở Việt Nam nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Và thực tế, những người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội…

Theo ông Quang, dự thảo Luật này nhằm mục tiêu cao nhất là tạo cơ sở pháp lý để những người không may mắn có bản dạng giới khác giới tính thực của họ, có mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.

“Đây là luật mới, nhạy cảm nên trước khi làm, chúng tôi đã có đánh giá về thực trạng của người chuyển giới Việt Nam và nhu cầu của họ. Cùng với đó, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành liên quan vấn đề này và khả năng của các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc chuyển đổi giới tính. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước, xin ý kiến của rất nhiều người chuyển giới, các chuyên gia về y tế, pháp luật, tâm lý, xã hội học...”, ông Quang thông tin.

Dự luật quy định người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: Có giới tính sinh học hoàn thiện; Được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Từ đủ 18 tuổi trở lên và là người độc thân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của những người chuyển giới cho rằng, luật không nên quy định cứng việc phải can thiệp về mặt y khoa (đặc biệt là phải chuyển đổi bộ phận sinh dục) thì mới được công nhận và được phép thay đổi về mặt pháp lý (hộ tịch, giấy tờ chứng nhận nhân thân…). Vì rất nhiều người đã phẫu thuật chuyển giới nhưng không phẫu thuật bộ phận sinh dục dưới do việc phẫu thuật rủi ro rất cao, chi phí đắt đỏ…

Trả lời vấn đề này, ông Quang cho rằng, pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chứ không phải là quyền của người chuyển giới. Nên nhất thiết phải có can thiệp y học, phẫu thuật thì mới được coi là chuyển đổi giới tính. “Kiến nghị thì vô cùng, nhưng quan điểm là bên cạnh việc tôn trọng quyền của người chuyển đổi giới tính thì vẫn phải tôn trọng các quy định khác của pháp luật, đảm bảo quản lý xã hội cho tốt. Vì thực tế có người lợi dụng việc chuyển giới để trốn tránh nghĩa vụ với pháp luật, nên dự thảo Luật quy định phải đảm bảo đủ 4 yếu tố là hợp lý”, ông Quang nói và cho biết việc này đã được cân nhắc ở rất nhiều góc độ, gồm cả đạo đức, nhân văn, giá trị truyền thống...

Ông cũng khẳng định dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan y tế, của Bộ Y tế trong việc quy định các quy trình chuyên môn liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.

Quy định rõ ràng thuận lợi cho người chuyển giới

Phân tích rõ hơn, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, mặc dù số người có nhu cầu chuyển đổi giới tính rất lớn và việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho công dân nhưng việc này không thể thực hiện một cách dễ dàng, mà phải có một số điều kiện nhất định.

Theo luật sư, giới tính là một trong những cơ sở quan trọng để xác định nhân thân, quyền và nghĩa vụ của mỗi người bởi giới tính nam hay nữ sẽ có một số đặc thù nhất định. Trong trường hợp xác định lại giới tính thì các mối quan hệ về nhân thân cũng như quyền và nghĩa vụ của người đó sẽ thay đổi theo, cho nên việc quy định có sự can thiệp của y khoa là một trong những điều kiện tiên quyết để chuyển đổi giới tính là hoàn toàn phù hợp. “Điều này mặc dù tạo ra một rào cản lớn đối với những người có nhu cầu chuyển đổi giới tính nhưng sẽ đảm bảo quyền lợi của mỗi người được bảo vệ một cách tối đa, đồng thời giúp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý dễ hơn”, luật sư Hậu nêu ý kiến.

Trước lo ngại sẽ có người lợi dụng Luật này để chuyển đổi giới tính nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự, luật sư Hậu nêu quan điểm, điều kiện để chuyển đổi giới tính theo quy định tại Dự thảo này đã rất cụ thể, phần nào kiểm soát được người có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa trường hợp chuyển đổi giới tính nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự thì cần quy định thêm điều kiện về nhân thân, lý lịch tư pháp của người có nhu cầu chuyển giới.

Bên cạnh đó, quy định người độc thân mới được chuyển đổi giới tính vô hình đã buộc họ phải từ bỏ gia đình của mình để được sống đúng với giới tính mong muốn, đây là một cái giá quá đắt và thiếu nhân văn. Nếu buộc một người phải từ bỏ con cái, gia đình thì mới được chuyển đổi giới tính là đi ngược lại quyền con người.

 

Hương Giang Idol đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018

Hình ảnh của Hương Giang Idol xuất hiện trên Fanpage chính thức của cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018.

 

Đường tình mỹ nhân chuyển giới: Người 4 đời chồng, kẻ hạnh phúc bên 'phi công trẻ'

Cùng là mỹ nhân chuyển giới, đường tình của Lâm Khánh Chi, Hương Giang Idol, Cindy Thái Tài đều gặp nhiều trắc trở, truân chuyên.