5 con số ấn tượng kinh tế Việt Nam 2018

Chủ nhật, 30/12/2018, 06:49 AM

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, thành công đó thể hiện qua những con số thống kê ở các lĩnh vực khác nhau.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018
Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, thành công đó thể hiện qua những con số thông kê ở các lĩnh vực khác nhau. Ảnh minh họa

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều kỷ lục mới được thiết lập, dưới đây là 5 con số ấn tượng kinh tế Việt Nam 2018.

1.Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới lại chạm ngưỡng 7%, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục vững chắc hơn.

Có được mức tăng trưởng ngoạn mục này là nhờ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết số 01, sát sao trong xây dựng và thực hiện các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, hoặc điều hành chung chung, không cụ thể…

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018
Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo. 

Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017...

2. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 482,23 tỷ USD, lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD

Đây là con số mà trước nay Việt Nam chưa bao giờ đạt được. Như vậy, Việt Nam đã có 3 năm liên tục xuất siêu với con số năm sau luôn cao hơn năm trước, là kết quả ấn tượng so với mục tiêu cân bằng cán cân thương mại đặt ra cho năm 2020. Xuất siêu lớn không chỉ góp phần quan trọng gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mà còn góp phần ổn định tỷ giá hối đoái.

Có được kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục này là nhờ thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo cơ hội để thúc đẩy dòng chảy thương mại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo toàn cầu của mình ở Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng xuất siêu cho Việt Nam.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018

Nhưng không chỉ là các mặt hàng chế biến, chế tạo (ngành tăng trưởng lớn nhất với mức 12,3%, đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp), năm 2018 cũng ghi nhận kỷ lục mới của xuất khẩu nông sản với giá trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính đạt trên 40 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông sản.

3. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 60 tỷ USD

Có rất nhiều nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2018 tăng mạnh, như vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, làn sóng cổ phần hóa diễn ra mạnh mẽ, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, kiều hối tăng mạnh…

Nguồn dự trữ ngoại tệ kỷ lục đã giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong can thiệp thị trường tỉ giá. Nhờ vậy, dù năm 2018, thị trường tài chính thế giới biến động rất mạnh, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra..., khiến nhiều nước trong khu vực phải điều chỉnh mạnh giá đồng nội tệ, song tỉ giá đồng Việt Nam chỉ tăng hơn 2%. Tỉ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng Việt Nam ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tiền đề cho kinh tế nước ta tiếp tục phát triển.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018

Một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối tăng vọt là kiều hối về nước cũng đạt kỷ lục. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối của Việt Nam năm 2018 đạt 15,9 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam tăng 10% (năm 2017, kiều hối của cả nước đạt 13,8 tỷ USD).

4. Giá xăng giảm thấp nhất gần 2 năm qua

Trong hơn 2 tháng cuối năm 2018, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm khiến giá xăng trong nước giảm mạnh. Ghi nhận  ngày 21/12, giờ Việt Nam, giá dầu WTI đi ngang ở mức 45,58 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 0,1% xuống 54,2 USD/thùng.

Giá dầu giảm mạnh mặc cho Arab Saudi lên kế hoạch giảm sản lượng khai thác mạnh hơn so với ngưỡng đã cam kết. Tờ Wall Street Journal cho biết OPEC đang nỗ lực minh bạch hóa về sản lượng kể từ khi tuyên bố sẽ giảm 1,2 triệu thùng vào năm 2019.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018
Mức giá hiện tại đang là thấp nhất kể từ thời điều chỉnh giá ngày 4/8//2017. Ảnh minh họa

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất 21/12, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều chỉnh giá xăng E5 tiếp tục giảm nhẹ 394 đồng/lít còn 16.787 đồng/lít; Giá xăng RON95 giảm 318 đồng/lít còn 18.141 đồng/lít; Các mặt hàng dầu như diesel 0.05S giảm 257 đồng/lít còn 16.001 đồng/lít; dầu hỏa giảm 249 đồng/lít còn 15.003 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S giảm 394 đồng/kg để có giá bán mới là 14.008 đồng/kg.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018

Kể từ tháng 10 giá xăng, dầu trong nước đã có 5 đợt giảm giá liên tiếp. Tổng cộng, mỗi lít xăng E5RON92 giảm gần 4.000 đồng và xăng RON95 gần 4.200 đồng. Giá xăng hiện đã thấp hơn gần 2.000 đồng/lít so với mức giá hồi đầu năm. 

Mức giá hiện tại đang là thấp nhất kể từ thời điều chỉnh giá ngày 4/8/2017.

5. Kỷ lục đón 15 triệu lượt khách quốc tế

Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt được con số này, đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch. Sau 3 năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi (tăng 3 triệu lượt so với năm 2017 và 5 triệu lượt so với năm 2016), duy trì mức tăng xấp xỉ 22% so với năm 2017.

5-con-so-an-tuong-kinh-te-viet-nam-2018

Năm 2018, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá xếp thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á trong lễ trao giải của World Travel Awards và là điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á trong lễ trao giải của Golf World Travel Awards.

Cùng với dấu mốc đón 15,5 triệu lượt khách, năm 2018, ngành du lịch cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (26 tỷ USD). Điều này góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Lì xì in hình đội tuyển Việt Nam: Có phạm luật?

Nhiều cơ sở kinh doanh đã chọn hình đội tuyển, các cầu thủ nổi tiếng để in trên bao lì xì cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, tuy nhiên việc in hình đội tuyển Việt Nam không xin phép là phạm luật.

 

Cập nhật: Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2019 của các ngân hàng trong hệ thống

Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2019,lịch giao dịch của các ngân hàng trong hệ thống đã được công bố. Dưới đây là cập nhật lịch nghỉ Tết Dương lịch 2019 của các ngân hàng.

 

Hoàng Anh Gia Lai: Lùm xùm nợ thuế, phong tỏa tài sản đến 'thay máu' nhân sự

Cùng với lùm xùm nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày dẫn đến bị cưỡng chế mới đây Hoàng Anh Gia Lai vừa quyết định miễn nhiệm 6 phó tổng giám đốc HAGL Agrico.