5 lý do bạn không nên chia sẻ chuyện vợ chồng cho người ngoài dù là bạn thân

Thứ bảy, 28/03/2020, 11:13 AM

Dù có thân thiết đến mấy bạn cũng đừng bao giờ chia sẻ chuyện riêng tư vợ chồng với người khác.

Cả thế giới sẽ biết về chuyện gia đình bạn

Trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắc người mà mình tâm sự chuyện gia đình không phải người ba hoa, khoác lác, còn không sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi cả thế giới đột nhiên biết rõ các vấn đề xảy ra giữa hai vợ chồng bạn.

Bất cứ ai sau khi tiết lộ trục trặc gặp phải trong hôn nhân nghĩa là họ đã đánh mất quyền kiểm soát thông tin, quyền giữ bí mật cho mình. Và xa xôi hơn, chuyện này sẽ trở thành rắc rối hàng đầu, vượt qua cả chuyện cãi vã giữa hai vợ chồng mà bạn vừa chia sẻ. Bởi lẽ, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu đi đâu cũng thấy chuyện của gia đình mình bị đem ra bàn tán, dị nghị.

Vì thế, đừng nên phơi những bộ quần áo bẩn của mình ở nơi thoáng gió. Với hôn nhân cũng vậy, một trong những lời khuyên bổ ích là không nên phơi bày chuyện nhà mình cho người ngoài biết.

Họ có thể đưa ra những lời khuyên không đúng

Dù chuyện gì cũng có thể to nhỏ với nhau nhưng chưa chắc họ có thể đưa ra lời khuyên đúng cho bạn

Nếu bạn bè chỉ nghe câu chuyện từ một phía, họ có thể đưa ra những lời khuyên không chính xác, dẫn đến cuộc hôn nhân của bạn đã bế tắc nay lại càng rối rắm.

Họ có thể đưa ra lời khuyên dựa trên những lợi ích tức thời mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.

Ví dụ cùng là phụ nữ, chỉ một chuyện khúc mắc với chồng nhưng bạn đem ra kể cho người bạn thân nghe và cô ấy khuyên bạn nên ly hôn ngay lập tức. Liệu bạn có nghĩ đó là lời khuyên chín chắn hay không?

Bạn đời sẽ cảm thấy bị phản bội

Khi bạn cảm thấy buộc phải tâm sự chuyện riêng tư với một người thứ 3, đối tác của bạn sẽ nhanh chóng có cảm giác mình không được tin tưởng nữa, trầm trọng hơn họ sẽ nghĩ mình đã bị phản bội.

Mình từng đọc một cuốn sách tâm lý, trong đó có nói: Dù trong hoàn cảnh nào, hãy tìm đến người bạn đời của bạn trước tiên khi gặp bất cứ vấn đề gì. Trong đó có lý giải quan hệ vợ chồng chính là mối quan hệ thân thiết, gần gũi nhất với những người đã lập gia đình.

Khi bạn nói xấu người chung sống hàng ngày với mình nghĩa là bạn đang phản bội chính niềm tin của mình. Và khi đặt mình vào hoàn cảnh của nửa kia (ngồi trong phòng, nghe rõ những điều bạn đang nói xấu), người ấy sẽ nghĩ gì ngoài cảm giác mình đã không còn được tin tưởng, yêu thương như trước kia nữa?

Thái độ thông cảm của người ngoài không khách quan

Chẳng hạn khi cãi nhau với chồng, bạn tìm đến một cô bạn thân để chia sẻ. Tất nhiên cô ta sẽ an ủi bạn thế này thế kia. Nhưng bạn ấy không hiểu rằng thực chất mối quan tâm của cô ấy là bạn chứ không phải cuộc hôn nhân của bạn. Vì vậy, cô ta sẽ không có cái nhìn khách quan về chuyện gia đình bạn đang gặp phải để gỡ rối cho đúng cách.

Thông thường người bạn thân đó sẽ bênh vực bạn, đứng về phía bạn để nói lên quan điểm của mình. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi rất nhiều trường hợp nguyên nhân gây ra rắc rối là từ phía bạn chứ không phải từ chồng. Như vậy, cô ấy sẽ chẳng giúp bạn giải quyết được vấn đề gì cả.

Vấn đề có thể được giải quyết nhưng mất đi sự kết nối giữa hai vợ chồng

Khi nói chuyện với bạn bè về những vấn đề mình gặp phải với vợ hoặc chồng, bạn có thể sẽ nhận được lời khuyên tốt hoặc xấu. Giả sử chuyện hai người được giải quyết, bạn đã mất đi một cơ hội để nói chuyện kết nối với bạn đời của mình.

Cứ mỗi khi có khúc mắc, bạn đi kể với bạn bè và tìm lời khuyên thì lâu dần nó sẽ khiến cả hai vợ chồng khó nói chuyện với nhau, dẫn đến tình cảm cũng dần phai nhạt. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai người cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Bài liên quan