5 sự kiện tiêu biểu Chứng khoán Việt Nam năm qua

Thứ bảy, 25/01/2020, 08:00 AM

Bước sang Năm mới 2020 cùng nhìn lại 5 sự kiện tiêu biểu có tác động lớn đến diễn biến thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư trong năm 2019.

Bước sang Năm mới 2020 cùng nhìn lại 5 sự kiện tiêu biểu có tác động lớn đến diễn biến thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư trong năm 2019. Ảnh minh họa

Bước sang Năm mới 2020 cùng nhìn lại 5 sự kiện tiêu biểu có tác động lớn đến diễn biến thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư trong năm 2019. Ảnh minh họa

Nhiều thương vụ M&A lớn trong năm 2019

Đầu năm 2019, CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) đã công bố việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Portsville Pte. Ltd. (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong Công ty TNHH Thành phố Waterfont Dong Nai. Thương vụ này có giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Thông qua thương vụ này, Nam Long sẽ nắm quyền phát triển 170 ha đất của dự án Dong Nai Waterfront City.

Đáng chú ý, thương vụ mua cổ phần với mức vốn ngoại có giá trị nhất trong năm 2019 tại Việt Nam với 1 tỷ USD là do Tập đoàn năng lượng SK của Hàn Quốc đầu tư vào VinGroup. Theo thỏa thuận hợp tác hồi tháng 5/2019, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tổng sở hữu của SK Group sau thương vụ này là 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương hơn 6% vốn điều lệ tập đoàn. Với giá trung bình 113.000 đồng một cổ phần, tổng giá trị giao dịch (GTGD) khoảng 23.300 tỷ đồng.

Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc (KEB Hana Bank) mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc (KEB Hana Bank) mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Trong năm 2019, dòng vốn ngoại còn gây ấn tượng với thương vụ Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc (KEB Hana Bank) mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng GTGD gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ của BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam và là giao dịch kép. KEB Hana Bank đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của BIDV với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank.

Cũng trong năm 2019, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng, do Công ty TNHH An Quý Hưng đã trúng đấu giá khi chi cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC. Ngay sau đấu giá, vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 cũng vượt 20.000 tỷ đồng, đây cũng là thương vụ thu hút nhiều sự chú ý của công chúng đầu tư trong thời gian qua.

Trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc ấn tượng

Tiếp nối thành công của năm 2018, năm 2019, thị trường TPDN tiếp tục ghi nhận sự sôi động, khi khối lượng phát hành tăng khá ấn tượng. Với sự góp mặt của 2 mã niêm yết trên SGDCK Hà Nội trong năm 2019 nâng tổng số mã niêm yết trên 02 Sở lên 23 mã với tổng GTGD đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Hoạt động phát hành TPDN của công ty đại chúng trong năm 2019 diễn ra sôi động hơn, tăng 33% so với năm 2018. Một trong những nguyên nhân chính là do Nghị định số 163/2018/NĐ-CP Quy định về phát hành TPDN được ban hành ngày 4/12/2018, đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.

 

 

Bên cạnh đó, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay bất động sản… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu. Ngoài ra, việc thông tin phát hành trái phiếu minh bạch hơn và sự tham gia tích cực của các trung gian phân phối là các ngân hàng, công ty chứng khoán đã khiến TPDN trở lên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Sự gia tăng từ cả phía cung và phía cầu đã khiến thị trường TPDN Việt Nam trở lên sôi động hơn bao giờ hết.

Trái phiếu Chính phủ không ngừng tăng

Năm 2019 là cột mốc quan trọng đối với thị trường TPCP chuyên biệt, đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của thị trường. Trải qua 10 năm hoạt động, thị trường TPCP đã có bước phát triển ấn tượng cả về quy mô lẫn độ sâu của thị trường, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước (NSNN), đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 10 năm, hơn 1,8 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho NSNN để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2018, 31% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2018.

 

 

Qua 10 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Bên cạnh đó, kỳ hạn của các trái phiếu ngày càng tăng. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công các TPCP với kỳ hạn lên tới 30 năm. Nếu như năm 2009, TPCP phát hành chỉ có 4 kỳ hạn là 2, 3, 5 năm và dài nhất là 10 năm, trong đó kỳ hạn từ 5 năm trở lên chỉ chiếm 15% tổng khối lượng phát hành thì đến năm 2019 đã có thêm các kỳ hạn dài 15 năm, 20 năm và 30 năm, trong đó kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên đã chiếm đến 92,6% tổng khối lượng phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2019 đạt mức kỷ lục 13,34 năm, tăng 0,65 năm so với cuối năm 2018 (12,69 năm) và tăng 8,5 năm so với năm 2014.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thanh khoản thị trường trái phiếu năm 2019 đạt mức hơn 9 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp gần 24,5 lần so với năm 2009. GTGD Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng GTGD năm 2009 lên mức 51% tổng GTGD toàn thị trường năm 2019. Thị trường TPCP đang hướng tới trở thành thị trường chuẩn trong hệ thống tài chính.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Ngay trong những ngày đầu năm 2019 (ngày 07/1/2019), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam. Theo Đề án, SGDCK Việt Nam được thành lập theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội (HNX) và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), với mục tiêu hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy trên cơ sở thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức và hoạt động của SGDCK, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động thị trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sắp xếp lại hiệu quả việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam trên cơ sở phân định rõ ba khu vực thị trường chính, gồm: thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu và TTCK phái sinh.

Việc ban hành quyết định này đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc hoàn thiện mô hình và thể chế của TTCK Việt Nam sau hơn 18 năm hoạt động, nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, cũng như tăng cường công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia thị trường, góp phần nâng hạng TTCK Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (sau đây gọi tắt là Luật Chứng khoán). Luật gồm 10 chương, 135 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Luật Chứng khoán được ban hành bảo đảm tạo lập khung khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

 

 

5 sự kiện tiêu biểu Chứng khoán Việt Nam năm qua. Ảnh minh họa

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện, cơ bản, Luật tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của TTCK, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả; đồng thời, tạo cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.