500 năm chợ hoa Hà Nội

Thứ sáu, 24/01/2020, 19:00 PM

Ngày xuân, đi chợ hoa đã trở thành một thú riêng, một nét đẹp riêng của người Hà Nội. Và người ta nói rằng, đó là nét văn hóa lâu đời lắm rồi, dễ phải trên 500 năm.

500 năm chợ hoa Hà Nội

500 năm chợ hoa Hà Nội

Ai biết Hà Nội mà không từng nhớ sắc đào Nhật Tân, chợ hoa Hàng Lược? Khi đã trót phải lòng thì cứ mỗi độ Tết đến xuân về, hẳn bạn cũng sẽ như tôi, nao nao thèm được đi bộ trong buổi chiều đầy gió, ủ mình trong chiếc khăn len để rồi ấm lên bởi những sắc đỏ rực rỡ của đào, bởi sự tấp nập tươi vui của người bán - người mua.

Hà Nội đã bước qua tuổi một ngàn. Chẳng ai biết đích xác nhưng người ta bảo nhau ít nhất nghề trồng hoa, chơi hoa của Hà Nội cũng phải có vài trăm năm nay. Giáo sư Trần Quốc Vượng lúc sinh thời, khi tra cứu các tài liệu lịch sử đã chép rằng: Từ năm 1516, năm thứ nhất niên hiệu Quang Thiệu đời Lê Chiêu Tông, Hà Nội đã có Chợ Hoàng Hoa thuộc trại Ngọc Hà. Điều ấy có nghĩa rằng ít nhất làng hoa Ngọc Hà và chợ hoa ấy đã có cách nay 500 năm. Thậm chí Giáo sư Trần Quốc Vượng còn đưa thêm sử liệu tên phường An Hoa với cánh đồng Bông (Yên Phụ), giai đoạn này người Hà Nội gọi hoa là bông, có từ thời Lý, thuở Chiếu dời đô (1010-1226), và dẫn thêm một câu ca dao về chợ hoa An Quang gần đấy: Phiên Rằm chợ chính An Quang/Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua… Vậy thì ai dám bảo nghề trồng hoa, chơi hoa Hà Nội không có từ cách nay hàng ngàn năm?

 

 

Hà Nội có nhiều làng hoa: Quảng Bá, Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, rồi Tây Tựu, Mê Linh… Các làng hoa bao bọc quanh Hà Nội khiến nơi này không chỉ là mảnh đất trong sông mà còn là mảnh đất trong hoa. Các chợ hoa ngày thường, chợ hoa Tết như chợ hoa Hàng Lược, chợ hoa Quảng Bá…cũng vô cùng thân thuộc với người dân Thủ đô. Những hình ảnh các thiếu nữ mặc áo tứ thân gánh hoa đi bán, người phụ nữ đội nón đèo cả một vầng hoa trên xe đạp… đã thành đề tài của thơ ca, hội họa nhiều thời.

Người Hà Nội không cứ hoa phải là thứ trồng trên đất mình, nhưng phải là thứ hoa quen thuộc với mình như dơn, hồng, sen, đào và chơi hoa là phải tinh tế, có phong cách.

 

 

Ví như hoa đào, phải là thứ đào Nhật Tân, bông to, cánh dầy, màu thắm, thân xù xì khỏe mạnh, được uốn tỉa kỹ càng. Hoa đào được bán nhiều ở chợ Quảng Bá và chợ hoa Hàng Lược. Nếu như chợ hoa Quảng Bá được họp suốt quanh năm thì chợ hoa Hàng Lược – nằm xinh xinh giữa khu phố cổ, lại chỉ họp những ngày cuối năm, cận Tết. Người Hà Nội thích nhất là đi chợ hoa Hàng Lược, không chỉ để lựa mua những cây đào, quất đã được tuyển chọn kỹ càng nhất từ vườn ra chợ mà còn là nơi du xuân vô cùng thú vị. Những con phố cổ dài tươi lên bởi màu hoa đào, nhìn xa xa gây thương nhớ đến nỗi nhà văn Nguyễn Tuân đã hình dung nó như một “dòng sông hoa đào”.

Ngày nay, giao thương thuận lợi, xã hội phát triển, ngày xuân, đâu cũng có thể chợ thành chợ hoa cả, nhất là giữa chốn thị thành tấp nập như Hà Nội. Thế nhưng, người Hà Thành vẫn cứ thích đi chợ hoa đêm Mê Linh, dạo một vòng Quảng Bá, hay tha thẩn vừa ngắm vừa mua ở phố Hàng Lược. Những chợ hoa đã có từ lâu đời như chợ hoa Bưởi, chợ hoa Lạc Long Quân… không chỉ đáp ứng nhu cầu mua hoa, tậu cây cảnh mà còn gây thương gây nhớ cho những người Hà Nội dù đi xa hay vẫn đang ở rất gần.