7 bước hồi sức tim phổi mọi người nên biết

Thứ hai, 13/01/2020, 18:55 PM

Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức có thể nhân đôi hoặc thậm chí nhân ba cơ hội sống sót sau khi bị ngừng tim. Bạn có thể làm CPR nếu ai đó gặp phải trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức có thể nhân đôi hoặc thậm chí nhân ba cơ hội sống sót sau khi bị ngừng tim.

Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức có thể nhân đôi hoặc thậm chí nhân ba cơ hội sống sót sau khi bị ngừng tim.

Khi một người bị ngừng tim, tim sẽ rung lên với những cơn co thắt không điều hòa và không thể bơm máu; người đó sẽ mất ý thức và nhịp tim của họ sẽ dừng lại. Các bước hồi sức tim phổi CPR (ép ngực và hô hấp nhân tạo) sẽ giúp lưu thông và đưa oxy vào cơ thể cho đến khi các bác sĩ cấp cứu để khiến tim đập bình thường trở lại.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị dùng CPR bằng tay cho những người bị ngừng tim ngoài bệnh viện. Theo AHA, chỉ có khoảng 39% những người bị ngừng tim ngoài bệnh viện nhận được sự giúp đỡ ngay lập tức trước khi có sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

Trước khi làm CPR cho ai đó, phải đảm bảo việc tiếp cận người đó là an toàn. Nếu không thấy có gì nguy hiểm, hãy chạm vào vai người đó và hỏi xem người đó có ổn không. Nếu họ không đáp ứng, hãy kiểm tra xem họ có thở không (không hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân thở bình thường). Nếu họ không thở, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó ở gần gọi cấp cứu. Trong khi đang chờ trợ giúp, hãy làm theo các bước CPR sau:

1. Đặt gót tay giữa ngực

Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên một bề mặt vững chắc. Quỳ bên cạnh bệnh nhân và đặt gót bàn tay phải (tay thuận) của bạn vào giữa ngực bệnh nhân.

2. Đan các ngón tay vào nhau

Giữ hai cánh tay thẳng, lấy bàn tay trái (tay không thuận) đặt lên bàn tay phải, đan các ngón tay của cả hai bàn tay vào nhau. Các ngón tay giơ lên ​​để chúng không chạm vào lồng ngực hoặc xương sườn của bệnh nhân.

3. Ép ngực

Nghiêng người về phía trước sao cho vai của bạn ở phía trên ngực bệnh nhân và ấn ngực bệnh nhân xuống khoảng 5 cm. Sau đó, ngừng ấn, tay vẫn giữ nguyên trên ngực bệnh nhân, để ngực bệnh nhân tự nhô trở lại.

Lặp lại động tác ép này 30 lần (với tốc độ 100 lần ép mỗi phút, tức khoảng gần một giây thì ấn một lần).

4. Mở đường thở

Dùng tay ấn trán, nâng cằm của bệnh nhân để miệng bệnh nhân hé mở.

5. Hà hơi, thổi ngạt

Dùng một tay vừa ấn trán vừa bóp mũi bệnh nhân. Tay kia nâng cằm bệnh nhân. Hít một hơi bình thường, áp miệng mình vào miệng bệnh nhân và thổi cho đến khi có thể thấy ngực bệnh nhân phồng lên.

6. Nhìn ngực bệnh nhân xẹp xuống

Bỏ miệng ra khỏi miệng bệnh nhân và nhìn dọc theo ngực, nhìn ngực bệnh nhân xẹp xuống. Lặp lại bước hà hơi thổi ngạt như vậy một lần nữa.

7. Lặp lại ép ngực và hà hơi thổi ngạt

Đặt tay lên ngực bệnh nhân và lặp lại chu kỳ 30 lần ép ngực, sau đó là hai lần hà hơi, thổi ngạt. Tiếp tục quy trình này cho tới khi xe cấp cứu tới hoặc khi bệnh nhân tự thở được.

Nhớ tần suất: 30 lần ép ngực và hai lần hà hơi, thổi ngạt.