9 dấu ấn đáng nhớ của Y tế Việt Nam trong năm 2018

Thứ ba, 18/12/2018, 09:25 AM

Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não, bác sĩ Việt Nam mổ nội soi tuyến giáp một lỗ, đưa vào sử dụng tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam, xét xử vụ việc sự cố chạy thận khiến 9 người chết tại BV Đa khoa Hoà Bình... là những đấu ấn nổi bật nhất của ngành Y tế Việt Nam trong năm 2018.

8-dau-an-dang-nho-cua-y-hoc-viet-nam-trong-nam-2018
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não.

Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não

Ngày 16/3/2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, một nam giới 54 tuổi ở Nam Định đã được nhận 2 lá phổi từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép phổi từ người cho chết não.

Người nhận là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964, quê Nam Định. Người hiến phổi là bệnh nhân nam 45 tuổi bị chết não. Trước khi được ghép tạng, bệnh nhân Hanh trong tình trạng suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. 

Ca ghép được thực hiện trong suốt 10 tiếng (từ 10 đến 18 giờ) ngày 26-2 vừa qua. Ngoài 3 chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp và Bỉ, ca phẫu thuật ghép phổi có sự tham gia của hơn 60 thành viên là các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tổng chỉ huy điều hành tổ chức ca ghép. 

Đến thời điểm gần 20 ngày sau khi được ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc Hanh đã tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt, phim chụp X-quang cho thấy 2 phổi sáng, hoà nhập với cơ thể người nhận. Bệnh nhân tự đi lại trong phòng bệnh cách ly.

Sử dụng vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng

Ngày 26/4/2018, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngày 10/05/2017, tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem, Berna Biotech) đã có thư thông báo ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu từ năm 2018. Số vắc xin Quinvaxem còn lại tại Việt Nam chỉ đủ để tiêm cho trẻ đến hết tháng 5/2018 và một số tỉnh đến tháng 6/2018.

Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin DPT-VGB-Hib tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin này. Vắc xin DPT-VGB-Hib được lựa chọn để thay thế vắc xin vắc xin Quinvaxem trong TCMR là vắc xin có tên thương mại là vắc xin Combe Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 400 triệu liều. Vắc xin CombE Five đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2017.

Vắc xin này sẽ được triển khai trên quy mô tại 4 tỉnh/thành phố thuộc 4 khu vực là Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Kon Tum trong tháng 6-7/2018 để rút kinh nghiệm về cách thức triển khai trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn quốc.

Xét xử vụ việc sự cố chạy thận khiến 9 người chết tại BV Đa khoa Hoà Bình

huyen-xu-ly-8-dau-an-dang-nho-cua-y-te-viet-nam-trong-nam-2018
Vụ việc sự cố chạy thận  làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Sáng 7/5, TAND TP Hòa Bình (Hòa Bình) chính thức mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Những người được triệu tập tới tòa phải qua lực lượng công an kiểm tra an ninh cẩn thận. Bị cáo Hoàng Công Lương được tại ngoại, cũng đã có mặt tại phiên tòa từ khá sớm.

3 bị cáo bị truy tố trước tòa gồm: Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn; Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Trâm Anh và bác sĩ Hoàng Công Lương, công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. Bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau thời gian dài tiến hành xét xử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục trả lại hồ sơ điều tra bổ sung vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017, trong đó có liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương.

Sáng 24/8, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương (Nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bước tiến mới trong sản xuất vắc xin “made in Việt Nam”

9/2018, Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vắc xin và đã sản xuất được nhiều loại vắc xin như vắc xin lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn… Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vắc xin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc, vắc xin sởi-rubella (MRVAC) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Bộ Y tế sản xuất. Cả nước hiện có 19 tỉnh/TP đã triển khai gồm: Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắc Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương và Bình Phước.

Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Việc sử dụng vắc xin sởi-rubella sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn cung ứng vắc xin, đảm bảo không thiếu vắc xin sởi-rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng và tiêm chủng chống dịch.

Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và tự sản xuất thêm các loại vắc xin nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh hiểm nghèo. Trong năm nay, sẽ có thêm 3 loại vắc xin khác là vắc xin cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và vắc xin bại liệt bất hoạt đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.

Chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam

10/2018, Bệnh viện Việt Đức đã chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam, giải quyết nhu cầu ngày càng cấp thiết hiện nay. Là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước với hàng chục nghìn ca đại phẫu được thực hiện hàng năm, trong đó ghép tạng, ghép van tim, mạch máu, ghép xương, gân trong chấn thương chỉnh hình,...là những mũi nhọn đi đầu của bệnh viện.

Tại Việt Nam, cho đến nay đã có gần 14.000 mô xương sọ được bảo quản tại Lab. Công nghệ mô ghép - Đại học Y Hà Nội và hơn 40.000 ca tại Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Số lượng ca phẫu thuật ghép xương và gân đồng loại trong cả nước gần một nghìn ca mỗi năm.

8-dau-an-dang-nho-cua-y-hoc-viet-nam-trong-nam-2018
Bệnh viện Việt Đức đã chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam.

Có thể thấy, nhu cầu bảo quản van tim, mạch máu, vật liệu gân, xương đồng loại, bảo quản mô xương sọ,…là rất lớn. Với nguồn cung không phải là ít từ những trường hợp người cho chết não, những phần chi thể cắt cụt của người hiến tặng, nếu được thu nhận và qua quá trình xử lý, bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân có nhu cầu.

Chính vì vậy, ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu tại bệnh viện Việt Đức nói riêng và cả nước nói chung.

Bác sĩ Việt Nam mổ nội soi tuyến giáp một lỗ

Tháng 11/2018, các bác sĩ khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa thực hiện thành công phương pháp mổ nội soi tuyến giáp 1 lỗ với tiến bộ vượt trội so với phương pháp cũ.

Thành công này đã làm nên thương hiệu “made in Việt Nam” của phương pháp này, góp phần giúp người mắc bệnh u tuyến giáp không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Phương pháp mới nhất thế giới- phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ đã được bác sĩ Phan Hoàng Hiệp, Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nghiên cứu và thực hiện thành công.

Bệnh viện tuyến tỉnh có thể ghép tạng thành công

Ngày 15/11, tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020 diễn ra sáng 15/11, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng và đánh giá cao kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh. Bộ trưởng cũng cho hay nhờ có các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng thành công…

Điển hình như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, ngày 16/1, Vệnh viện đa khoa tỉnh này được Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chuyển giao, đào tạo kỹ thuật ghép thận. Tháng 4/2018, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thẩm định và kết luận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận.

Ngày 29/6/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện. Người cho thận là bà Đàm Thị T. (54 tuổi), người nhận là N.T.H (31 tuổi), con gái bà T. Sau 17 ngày ghép thận, đến ngày 16-7, bệnh nhân H. đã bình phục và xuất viện.

Lần đầu tiên tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam lên đến 75%

Ngày 20/11/2018, Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 vinh danh ở lĩnh vực Y dược. Đề tài của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương và các cộng sự mở ra một cánh cửa tươi mới cho bệnh nhân ung thư vú.

Với nhiều ứng dụng kĩ thuật mới mang lại hiệu quả điều trị rất cao. Như với kỹ thuật FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang, tỷ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, và tỷ lệ khuyếch đại gen chiếm 39%, là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đó cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính, cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.

Nếu bình thường không có biện pháp điều trị đích, không có phương pháp chẩn đoán gen, tỉ lệ sống thêm của người bệnh có gen dương tính dưới 50%. Nhưng nay, nhờ các kĩ thuật mới này đã "lội ngược dòng" một cách ngoạn mục, với tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại BV K là 75%, tương đương như tại Singapore.

Đưa vào sử dụng tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam

Ngày 17/12, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam. Công trình góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của một bệnh viện hạng đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh cho các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Cụm tòa nhà Trung tâm gồm ba tòa nhà (hai tòa 22 tầng cao 108m, một tòa cao 10 tầng) với tổng diện tích sàn 150.000m2 quy mô 2.000 giường bệnh (trong tình huống khẩn cấp có thể tăng lên thành 4.000 giường).

8-dau-an-dang-nho-cua-y-hoc-viet-nam-trong-nam-2018
Tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam.

Các phòng bệnh được bố trí như khách sạn, có cửa sổ hướng nhìn ra sông Hồng hoặc nhìn ra thành phố, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh. Với định hướng lấy người bệnh làm trung tâm, bệnh viện đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, được nhập khẩu từ các nước như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhằm mang đến sự hài lòng cho người bệnh khi khám, chữa bệnh tại đây.

Đến thời điểm này, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 là bệnh viện duy nhất ở Việt Nam có 50 phòng mổ áp lực dương, trong đó 45 phòng mổ tiêu chuẩn, 5 phòng mổ ghép tạng và phòng mổ Hybrid. Ở phòng hybrid, bệnh viện trang bị robot chụp mạch can thiệp.

Tại tòa nhà mới phục vụ khám chữa bệnh này, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã đưa vào sử dụng hệ thống xét nghiệm tự động. Hệ thống xét nghiệm tự động thực hiện 3.600 test một giờ. Máy xét nghiệm miễn dịch tự động có thể xử lý 600 mẫu xét nghiệm một giờ. Hệ thống xét nghiệm tự động này giúp nâng cao chất lượng xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu về số lượng xét nghiệm ngày càng tăng, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả của người bệnh. 

 

Chàng trai u não bán sen đá kiếm tiền chữa bệnh: 'Nhìn sen đá kiên cường, tôi thấy mình nên sống nghị lực hơn'

Căn bệnh u não quái ác đeo bám từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, thế nhưng vượt qua mọi cơn đau thể xác hành hạ, anh Nguyễn Tấn Trung (32 tuổi) vẫn miệt mài ngày ngày làm lao công, đêm đến bán sen đá tự kiếm tiền chữa bệnh và phụ giúp gia đình.

 

Vụ quảng cáo Bồng Cốt Đan như thuốc chữa bệnh: Nhà thuốc Ông Bồng là địa chỉ ma?

Tìm đến địa điểm được quảng cáo trên mạng, PV ghi nhận rất nhiều phản ánh về hoạt động mập mờ của Nhà thuốc Ông Bồng, cũng là địa chỉ quảng cáo có bán liệu trình thuốc chữa xương khớp Ông Bồng đang được nhiều người bệnh săn lùng.

 

5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2018 trong đó quy định 5 trưởng hợp hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, quy định tiền lương ngày nghỉ lễ, công chức tập sự không được đi công tác nước ngoài...