Ai được giao quản lý nợ công 3,1 triệu tỷ đồng?

Thứ bảy, 04/11/2017, 05:13 AM

Với cơ chế hiện nay, việc xác định trách nhiệm chính quản lý các khoản vay nước ngoài (ODA) rất phức tạp, khó kiểm soát chỉ số an toàn nợ công cũng như hạn mức vay.

cac-hoi-doan-the-tieu-ton-hon-45000-ty-dong-moi-nam
Nợ công ở mức cao

Báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV Chính phủ cho biết, đến hết năm 2017 nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng (51,8% GDP) và nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 498.000 tỷ đồng, nợ địa phương 39.600 tỷ.

Theo đó, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP và lên 63,9% GDP vào năm 2018.

Năm 2016, các chỉ tiêu về nợ công năm 2016 nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó: dư nợ công là 2,86 triệu tỷ đồng (bằng 63,6% GDP), nợ Chính phủ là 2,37 triệu tỷ đồng (bằng 52,6% GDP), nợ được Chính phủ bảo lãnh là 461.616 tỷ đồng (bằng 10,25% GDP), nợ chính quyền địa phương là 34.043 tỷ đồng (bằng 0,76% GDP).

Tại phiên thảo luận về Luật Quản lý nợ công ngày 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội cùng quan điểm thống nhất một đầu mối quản lý nợ công thay vì để cả 3 cơ quan cùng chịu trách nhiệm như hiện nay là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất giữ quy định cũ là giao 3 cơ quan cùng quản lý nợ công, còn cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng chỉ nên giao cho Bộ Tài chính thống nhất quản lý.

Ủng hộ phương án trên Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng như vậy là phù hợp với nguyên tắc "1 việc chỉ giao 1 cơ quan chịu trách nhiệm" và với thông lệ quốc tế, khắc phục được hạn chế của công tác quản lý nợ công hiện nay là phân tán, hiệu lực chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế.

Với cơ chế hiện nay, việc xác định trách nhiệm chính quản lý ODA rất phức tạp, khó kiểm soát chỉ số an toàn nợ công cũng như hạn mức vay. "Suốt thời gian năm 2011-2014, mức vay nợ của Chính phủ đối với một số khoản nợ tăng lên rất cao, quy định về kế hoạch chiến lược huy động vốn với tổ chức thực hiện khác nhau. Một số trường hợp Chính phủ đã phải trình Quốc hội phê chuẩn bội chi hằng năm cao hơn dự toán đã được phê duyệt. Rõ ràng thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách là phải điều chỉnh", Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phân tích.

"Bắt bệnh" nợ công, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP HCM) chỉ ra bội chi ngân sách kéo dài, cộng với không ai chịu trách nhiệm một thời gian dài dẫn tới tăng nợ công. Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là nợ công tăng rất nhanh, áp lực trả nợ rất cao nhưng lấy cái gì để bảo đảm nợ công thì trong luật chưa làm rõ.

"Đi vay về rồi thì phải giám sát cho vay, làm sao bảo đảm thu hồi nợ được thì chưa đề cập đến nên cần bổ sung quy định", ông Ngân nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đề xuất thêm trong quản lý nợ công cần đưa vào trách nhiệm của nợ doanh nghiệp nhà nước. Ông chỉ rõ: "Phải đưa vào báo cáo nợ công để theo dõi và giám sát, vì chúng ta không thể nào phủi tay đối với hơn 400 tỉ USD mà doanh nghiệp nhà nước đang nợ hiện nay".

Trong khi đó Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, nợ công của Việt Nam vừa qua tăng đột biến từ 1,1 triệu tỉ đồng năm 2011 lên 3,1 triệu tỉ đồng năm 2017. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ứng quỹ trả nợ thay cho các dự án, hiệp định không hiệu quả trên 400 triệu USD. Nếu các dự án này không hấp thụ được, ngân sách sẽ phải trả nợ thay lên đến nhiều tỉ USD.

Ví dụ, khoản vay của Vinashin (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đang được cơ cấu lại nhưng chắc chắn ngân sách Nhà nước phải trả nợ thay. Nguyên nhân không nhỏ là không tập trung vào một đầu mối quản lý nợ công.

Để khắc phục, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ về điều kiện vay, điều kiện bảo lãnh, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan phê duyệt sử dụng vốn vay để không còn tình trạng sử dụng vốn vay kém hiệu quả như vừa qua làm mất lòng tin của nhân dân cũng như tư duy nhiệm kỳ "vay được cứ vay, đời sau sẽ trả".

 

Nợ công 2017 ở ngưỡng 3,1 triệu tỷ đồng, mỗi người dân gánh khoản nợ gần 33 triệu đồng

Chính phủ cho biết, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP.

 

Nợ công Việt Nam hơn 2 triệu tỉ đồng, chiếm 61% GDP

Bộ Tài chính vừa chính thức công bố Bản tin nợ công số 5, theo đó, nợ công năm 2015 chiếm 61% GDP với con số tuyệt đối là hơn 2 triệu tỉ đồng.

 

Quản lý nợ công: Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết

Đầu mối quản lý nợ công đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và vẫn băn khoăn khi cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công, chiều ngày 17/8.