Ám sát tướng Iran để 'ngăn chặn một cuộc chiến', ông Trump đang thổi bùng một cuộc chiến khác

Thứ ba, 07/01/2020, 06:51 AM

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông ra lệnh giết Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh hàng đầu của quân đội Iran để "ngăn chặn một cuộc chiến". Song, giới phân tích quả quyết điều này không đúng.

Vụ không kích giết tướng Iran khiến tư tưởng chống Mỹ 'tụ hội'

am-sat-tuong-iran-de-ngan-chan-mot-cuoc-chien-ong-trump-dang-thoi-bung-mot-cuoc-chien-khac
Đám đông tham gia tang lễ tướng Soleimani trên đường phố Tehran. Ảnh: Getty

Hàng triệu người Iran tụ họp trên đường phố thủ đô Tehran hôm 6/1 để dự đám tang của tư lệnh quân đội Qassem Soleimani, người bị Mỹ ám sát cuối tuần trước. Con gái tướng Soleimani nói cái chết của cha bà sẽ mang tới một “ngày đen tối” cho nước Mỹ.

“Trump điên rồ, đừng nghĩ mọi thứ đã qua sau sự hy sinh của cha tôi”, bà Zeinab Soleimani phát biểu trên truyền hình. Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích giết chết vị tướng hàng đầu của Iran, người được xem là kiến trúc sư xây dựng tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông. Tehran thề sẽ báo thù sau cái chết của tướng Soleimani.

Tờ Reuters nhận định, đám đông ở Tehran gợi nhớ đám đông năm 1989 tham gia đám tang người sáng lập Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran - Ayatollah Ruhollah Khomeini. Đối với nhiều người Iran, ngay cả những người không ủng hộ việc thành lập một nhà nước do giới tăng lữ lãnh đạo, ông Soleimani là anh hùng dân tộc.

Quan tài của tướng Soleimani và phó tư lệnh lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, người cùng bị giết trong vụ không kích của Mỹ, được chuyền tay nhau qua đầu đám đông đang than khóc. Họ hô vang “chết chóc sẽ đến với nước Mỹ”.

Một trong các mục tiêu chính của Iran, buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi nước láng giềng Iraq, có bước tiến mới hôm Chủ nhật khi quốc hội Iraq ủng hộ đề xuất của thủ tướng nước này về việc “mời” toàn bộ binh sỹ nước ngoài rời khỏi Iraq. “Mặc dù có những khó khăn cả nội tại cả khách quan, việc đó (yêu cầu quân đội nước ngoài rút đi) vẫn tốt cho Iraq xét về thực tiễn cũng như về nguyên tắc”, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi nói.

Ngay cả các thủ lĩnh của người Hồi giáo Shi’ite ở Iraq, bao gồm những người phản đối sự ảnh hưởng của Iran, cũng trở nên đoàn kết, kể từ cuộc tấn công hôm thứ Sáu, trong việc kêu gọi trục xuất quân Mỹ. Hiện ở Iraq có khoảng 5.000 quân nhân Mỹ, hầu hết hoạt động với tư cách cố vấn.

am-sat-tuong-iran-de-ngan-chan-mot-cuoc-chien-ong-trump-dang-thoi-bung-mot-cuoc-chien-khac
Người dân tiếc thương vị tướng của mình.

Tướng Esmail Qaani, lãnh đạo mới của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran phụ trách các hoạt động đối ngoại (trước đó tướng Soleimani lãnh đạo), nói Iran sẽ tiếp tục theo con đường của ông Soleimani.

Vị tướng này đã xây dựng một mạng lưới “lực lượng quân sự ủy quyền” của Iran, tạo ra một vùng ảnh hưởng trải dài từ Li-băng tới Syria, Iraq và Iran. Đồng minh của Iran còn bao gồm các nhóm vũ trang ở Palestine và Yemen.

Lý do trừ khử tướng Iran là sai lầm nghiêm trọng của ông Trump

Đối với nhiều chuyên gia phân tích, việc quân đội Mỹ tiến hành vụ không kích sát hại Thiếu tướng Soleimani hôm 3/1 là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng của chính quyền Trump.

Chưa có vị tổng thống Mỹ nào trước ông Trump từng có hành động "khiêu khích, đánh trực diện táo tợn" đến như vậy trong cuộc đối đầu dai dẳng với Iran. Động thái của ông Trump không chỉ làm leo thang căng thẳng giữa Teheran với Washington, khiến "lò lửa" Trung Đông sôi sục mà còn gây tranh cãi và chia rẽ ngay trong nội bộ chính giới Mỹ.

Theo CNN, cách xử lý vấn đề Iran hiện nay của lãnh đạo Nhà Trắng sẽ không thể giúp "ngăn chặn một cuộc chiến" như ông tuyên bố vì nhiều lí do.

Trước hết, cuộc chiến giữa Mỹ và Iran đã xảy ra và kéo dài suốt hơn 40 năm qua. Đây không phải là điều bí mật và vấn đề nằm ở chỗ hầu hết người Mỹ đều không mấy bận tâm đến việc đất nước đang ở tình trạng chiến tranh với Iran. Cái chết của Thiếu tướng Soleimani tuần trước giống như một vụ va chạm trên con đường dài quanh co, tệ hại của cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của nhiều người suốt nhiều thế hệ.

Các chuyên gia nhận định, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Trump, một lí do nữa khiến cái chết của Soleimani không thể "ngăn chặn một cuộc chiến" là ông ta không phải kẻ khủng bố.

Thiếu tướng Soleimani có thể huấn luyện, trang bị vũ khí, lên kế hoạch và chỉ đạo xúc tiến các vụ tập kích giết hại nhiều công dân Mỹ, nhưng trong mắt người dân Iran và các lực lượng ủng hộ khắp Trung Đông, ông ta là một vị chỉ huy quân đội kiên nhẫn, tài ba, là kiến trúc sư trưởng cho bộ máy an ninh trong khu vực cũng như đóng góp nhiều công sức cho việc đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bản thân ông Soleimani đã nhiều lần đích thân chỉ đạo các nhóm dân quân người Shiite ở Iraq bày binh bố trận đối phó IS.

am-sat-tuong-iran-de-ngan-chan-mot-cuoc-chien-ong-trump-dang-thoi-bung-mot-cuoc-chien-khac
Quốc hội Iraq thông qua quyết định chấm dứt hợp tác với liên minh quốc tế chống IS do Mỹ hậu thuẫn. Ảnh: Getty.

Hãng thông tấn Al Jazeera dẫn lời nhà phân tích chính trị Mohammad Marandi nhấn mạnh, ông Soleimani là người được yêu mến ở Iran, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh "nhân vật bóng đêm" mà phương Tây khắc họa về ông. Washington hiểu rõ vị thế của ông Soleimani tại Iran và Trung Đông cũng như sự thù ghét của ông ta đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Israel nên từ lâu đã coi vị chỉ huy quân sự này như "cái gai" trong mắt. Vì vậy, việc ông Trump ra lệnh trừ khử ông Soleimani là dễ hiểu nhưng cũng có thể là canh bạc đầy mạo hiểm, đẩy nước Mỹ vào rủi ro an ninh lớn hơn và khiến lò lửa Trung Đông rừng rực cháy.

Sau cái chết của tư lệnh Soleimani, nhà lãnh đạo Khamenei đã tuyên bố tổ chức quốc tang 3 ngày dành cho vị tướng ông mô tả là "bộ mặt quốc tế của cuộc kháng chiến Iran". Nhiều quan chức hàng đầu Iran cũng cảnh báo Mỹ sẽ phải nhận "đòn trả thù tàn khốc" vì sát hại tư lệnh lực lượng Quds.

Việc sát hại tướng Soleimani do đó dường như không giúp chính quyền ông Trump thay đổi được các tham vọng chiến lược của Iran, dù có thể làm chậm lại bước tiến của chúng, mà chỉ càng thổi bùng sự hận thù đối với Mỹ. Một bộ phân không nhỏ người Mỹ đang phập phồng lo sợ cho sự an toàn tính mạng và tài sản của họ. Trong khi, căng thẳng leo thang khiến trong dư luận thậm chí xuất hiện nhiều ý kiến e ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ ba.

 

‘Biển người’ Iran đón thi hài tướng Soleimani và đòi trả thù nước Mỹ

Một triệu người Iran đã xuống đường đón thi hài tướng Soleimani, người vừa bị Mỹ tiêu diệt ở thủ đô Bagdad của Iraq hôm 3/1, và đòi trả thù cho ông.

 

Nghị sĩ Iran dọa tấn công Nhà Trắng

Nghị sĩ Iran Abolfazl Abutorabi được cho là đã đe dọa tấn công Nhà Trắng để đáp lại việc Tổng thống Trump cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu quốc gia Hồi giáo leo thang hành động thù địch với Mỹ.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/am-sat-tuong-iran-de-ngan-chan-mot-cuoc-chien-ong-trump-dang-thoi-bung-mot-cuoc-chien-khac-148488.html