An-225 và chiến lược 'ngoại giao khẩu trang' của Trung Quốc

Thứ hai, 13/04/2020, 06:48 AM

Với việc sử dụng An-225 để vận chuyển vật tư y tế cho Đức, Trung Quốc đã đạt được nhiều lợi ích cả về chính trị, kinh tế, và kĩ thuật.

Dùng siêu máy bay vận tải để chở thiết bị y tế

Tối Chủ nhật 12/04/2020, siêu máy bay vận tải lớn nhất thế giới Antonov-225 đã hạ cánh xuống sân bay Thiên Tân (Trung Quốc), trong một sứ mệnh chuyên chở vật tư y tế từ Trung Quốc đến Đức để chống dịch Covid-19.

Được biết, chiếc An-225 đã rời Kiev (Ukraine) trước đó một ngày. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của An-225, kể từ sau khi nó trải qua một cuộc nâng cấp lớn trong thời gian gần đây.

An-225 hạ cánh xuống Thiên Tân, Trung Quốc tối 12/04/2020

An-225 hạ cánh xuống Thiên Tân, Trung Quốc tối 12/04/2020

An-225 Mriya (Giấc mơ) - mang tên mã NATO là Cossack - là loại máy bay vận tải lớn nhất trên thế giới còn hoạt động. Được thiết kế bởi Văn phòng thiết kế Antonov (Liên Xô cũ), An-225 là phiên bản phóng đại của chiếc An-124 Ruslan, nhằm mục đích vận chuyển tàu vũ trụ Buran của Liên Xô. Hiện nay, chỉ có duy nhất một chiếc An-225 đang hoạt động (mang số hiệu đuôi UR-82060), và một khung thân máy bay chưa hoàn tất. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, những cơ sở của Văn phòng thiết kế Antonov - bao gồm chiếc An-225 độc nhất vô nhị - được chia về cho Ukraine.

Cất cánh lần đầu ngày 21/12/1988, An-225 Mriya có những thông số ấn tượng: Chiều dài 84m, sải cách 88,4m, diện tích cánh 905m2, với 32 hàng bánh tiếp đất để phân phối trọng lượng máy bay. Với 06 động cơ phản lực ZMKB Progress D-18 (mỗi chiếc cung cấp 229kN lực đẩy), An-225 Mriya có thể cất cánh với trọng tải tối đa 640 tấn, đạt vận tốc cực đại 850km/h, với tầm bay tối đa lên đến 14.000km, trần bay lên đến 10.000m. Tải trọng hàng hóa bên trong khoang là 250 tấn, và tải trọng vật mang bên ngoài (trên thân máy bay) là 200 tấn. Kích thước vật mang bên ngoài thân có thể dài đến 70m. Để vận hành máy bay cần đến phi hành đoàn 6 người được huấn luyện đặc biệt, cùng những cơ sở vật chất - kĩ thuật hàng không đặc thù khác.

Mặc dù Liên Xô đã tan rã gần 30 năm, nhưng An-225 vẫn là thành tựu hàng không vĩ đại mà thế giới phương Tây chưa thể vượt qua được.

An-225 trong chiến lược “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc

Hiện nay, chiếc An-225 Mriya đang nằm trong biên chế đội bay của Antonov Airlines - một công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng bằng đường hàng không, được Liên Xô thành lập từ năm 1989, và hiện nay thuộc sở hữu nhà nước Ukraine. Do khả năng vận chuyển của mình, chiếc An-225 độc nhất vô nhị trở thành con át chủ bài của Antonov Airlines trong các dịch vụ vận chuyển hàng hóa cỡ lớn, như các đầu máy và toa xe lửa, hay các tổ máy phát điện nặng đến 150 tấn của các nhà máy.

Kích thước khổng lồ của An-225 vói 06 động cơ phản lực D-18T

Kích thước khổng lồ của An-225 vói 06 động cơ phản lực D-18T

Với việc huy động gần như toàn bộ đội bay lớn nhất của Antonov Airlines (gồm 01 chiếc An-225 duy nhất trên thế giới, và 05 chiếc An-124-100) để vận chuyển các trang thiết bị y tế cho các nước châu Âu, không khó để thấy rằng: Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược “ngoại giao khẩu trang” với các nước phương Tây. Chiến lược này là một mũi tên trúng nhiều đích, giúp Trung Quốc thu được những lợi ích không nhỏ trên nhiều phương diện.

Trước hết, không khó để thấy rằng: An-225 là loại máy bay chuyên dụng cho việc vận chuyển những hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Hàng hóa quen thuộc của nó là tên lửa đẩy Energia và tàu vũ trụ Buran, chứ không phải là khẩu trang y tế. Nói cách khác, việc vận chuyển vật tư y tế cho Đức bằng An-225 là “giết gà bằng dao mổ trâu”, vì điều này sẽ không khai thác hết tải trọng hữu ích của máy bay, cũng như lãng phí một lượng nhiên liệu rất lớn. Chưa kể đến việc, để An-225 có thể cất và hạ cánh, sẽ cần đến đường băng sân bay dài đến 3.500m, cùng nhiều trang thiết bị hàng không đặc thù khác.

Tuy nhiên, ở vị thế của Trung Quốc, thì điều này lại là một nỗ lực phô trương thanh thế của nước này. Giá trị của những lô hàng vật tư y tế gửi đến châu Âu sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, nhờ vào hình ảnh những chiếc máy bay khổng lồ như An-225 Mriya hay An-124 Ruslan.

An-225 Mriya hạ cánh xuống Thiên Tân, Trung Quốc

An-225 Mriya hạ cánh xuống Thiên Tân, Trung Quốc

Cần nhớ rằng, trong quá khứ, khách hàng chủ yếu của An-225 là Mỹ và các nước NATO. Đơn hàng thương mại đầu tiên của An-225 vào ngày 03/01/2002, chính là vận chuyển 216.000 suất ăn liền chuẩn bị sẵn (nặng 187,5 tấn) từ Stuttgart, Đức đến Thumrait, Oman để cung cấp cho binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở đây. Trong chiến tranh vùng Vịnh, tháng 6/2003, chiếc An-25 và phi đội An-124 của Antonov Airlines cũng tham gia vận chuyển 800 tấn hàng hóa cho chiến dịch viện trợ nhân đạo ở Iraq. An-225 cũng thường xuyên được Chính phủ Mỹ thuê vận chuyển các khí tài quân sự tới Trung Đông cho các lực lượng Liên quân.

Bằng việc trở thành khách hàng lớn nhất của An-225, Trung Quốc tham vọng tranh giành những ảnh hưởng chính trị với Mỹ đối với các quốc gia khác trên thế giới. Điều này được tiến hành trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đề cao phương châm “Nước Mỹ trên hết”. Mặt khác, Trung Quốc không sử dụng An-225 để phô trương bằng cách vận chuyển các thiết bị cho những chiến dịch quân sự như Mỹ, mà bằng cách vận chuyển vật tư y tế cho những chiến dịch nhân đạo để phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh những lí do chính trị, thì về kinh tế, những đơn hàng vận chuyển vật tư y tế cũng giúp Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Antonov Airlines, khiến cho sự phụ thuộc của hãng này vào Trung Quốc ngày càng gia tăng (nhất là khi An-225 là loại máy bay “khó tính” và “kén khách”). Việc tiếp nhận các máy bay siêu lớn như An-225 và An-124 cũng là cuộc “tập dượt” để gia tăng kinh nghiệm cho các cơ sở hậu cần mặt đất của hàng không Trung Quốc, để chuẩn bị cho việc vận hành các loại máy bay tương tự trong tương lai.

Về mặt kĩ thuật, đã từ lâu Trung Quốc thể hiện tham vọng được làm chủ những loại máy bay vận tải siêu lớn, để phục vụ cả các mục đích vận tải hạng nặng tầm xa dân sự, cũng như vận tải chiến lược quân sự. Trong hoàn cảnh biến động chính trị ở Ukraine, Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực thu thập những thành tựu công nghệ hàng không Xô viết còn sót lại ở quốc gia này. Nhà máy sản xuất động cơ Motor Sich - nơi tham gia chế tạo các động cơ D-18T cho An-124 và An-225 - cũng đã bị Trung Quốc thâu tóm hồi cuối năm 2019. Sẽ không bất ngờ nếu trong tương lai Trung Quốc có thể sở hữu những mẫu máy bay vận tải chiến lược siêu lớn, dựa trên công nghệ Xô viết từ Ukraine.

Chiếc khung thân An-225 thứ hai của Ukraine

Chiếc khung thân An-225 thứ hai của Ukraine

Cũng cần nhớ rằng: Vẫn còn một khung thân An-225 khác gần như nguyên vẹn (chỉ chờ lắp động cơ) ở Ukraine. Khi chứng kiến nhu cầu vận tải bằng An-225 của ngành hàng không thế giới, Ukraine đã từng lên kế hoạch hoàn thiện chiếc An-225 thứ hai vào năm 2006. Tuy nhiên, đến tháng 08/2009, chương trình này đã bị đình chỉ vì thiếu kinh phí. Thế nhưng, kinh phí lại là thứ mà người Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu rất mạnh tay. Và rất có thể người Trung Quốc sẽ làm điều đó, để có thể sở hữu một chiếc An-225 - hay một chiếc máy bay tương tự - cho riêng mình.

Bài liên quan