‘Ăn chia’ 40/60 ở Biển Đông với Philippines: Trung Quốc đi thuê hay đặt ‘bẫy’ gác tranh chấp?

Thứ tư, 30/10/2019, 09:45 AM

Trong những ngày qua, trong chính quyền Philippines đang nổi lên những tranh cãi mạnh mẽ khi Tổng thống Duterte thúc đẩy kế hoạch cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông, ăn chia 40/60 với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Bắc Kinh tháng 8/2019.
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Bắc Kinh tháng 8/2019.

Philippines sẽ thông qua thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, Cung điện Malacañang (nơi làm việc của Tổng thống Duterte) cho biết hôm 28/10, bất chấp việc Phó Tổng thống Ma. Leonor Leni Robredo kêu gọi Bắc Kinh trước tiên phải công nhận quyền chủ quyền của Manila ở Biển Đông trước khi tiến hành thỏa thuận.

Trung Quốc đang đặt bẫy “tạm gác tranh chấp”?

Trong một cuộc phỏng vấn trên ABS-CBN, Robredo cho biết nhu cầu cơ bản của Manila trước khi ký thỏa thuận chung với Bắc Kinh là Trung Quốc phải công nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của chúng tôi ở Biển Đông.

“Đối với tôi, tiền đề cơ bản là, ngay cả trước khi chúng ta tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc, Trung Quốc phải công nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của chúng tôi đối với khu vực sẽ là đối tượng khai thác chung”, bà Robredo nói.

Bà trích dẫn chiến thắng mang tính bước ngoặt của Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague năm 2016, trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

Đây không phải lần đầu tiên Phó Tổng thống Philippines phản đối kế hoạch khai thác chung, ăn chia 40/60 nghiêng về phía Philippines.

Hồi tháng 9/2019, bà Robredo tuyên bố việc Tổng thống Duterte định gạt phán quyết năm 2016 sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Trung Quốc là quyết định “thiếu trách nhiệm” và “đáng xấu hổ”.

Trước đó, bà cũng nhiều lần kêu gọi Tổng thống Duterte cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền Philippines ở Biển Đông. Thậm chí bà còn nói rằng tổng thống đang “bán mình” cho Trung Quốc. Theo bà, ông Duterte đã chấp nhận bất cứ điều gì Trung Quốc muốn.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng cho rằng phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài phải được đặt lên trên mọi thỏa thuận giữa Manila và Bắc Kinh.

Theo Sputnik, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là cuộc xâm chiếm thành công của Trung Quốc mà không cần nổ súng chiếm lấy lãnh thổ của Philippines?”

Những lo ngại trên được cho là không phải không có cơ sở. Hiện có hai cách hiểu khác nhau về khai thác chung.

bao-philippines-dat-cau-hoi-ve-viec-tong-thong-duterte-thuong-xuyen-mat-tam
Ông Duterte đang thúc đẩy kế hoạch cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông, ăn chia 40/60 với Trung Quốc.

Thứ nhất, các quốc gia cùng yêu sách chủ quyền hoặc quyền chủ quyền lên một vùng biển tạm gác tranh chấp, không phân định các quyền của họ tại vùng biển này mà tiến hành chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây. Việc khai thác này không làm ảnh hưởng đến các yêu sách của họ đối với vùng biển.

Thứ hai, các quốc gia ven biển cho phép các quốc gia khác vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của mình để khai thác tài nguyên thiên nhiên theo một thỏa thuận phân chia quyền lợi nhất định. Việc khai thác tuân theo luật pháp của quốc gia sở hữu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đó.

Việc Trung Quốc chấp nhận theo cách thứ hai được cho là khó xảy ra vì Trung Quốc luôn giữ lập trường bảo vệ các yêu sách phi lý ở Biển Đông. Trong khi đó, nếu làm theo cách thứ nhất, đồng nghĩa với việc Philippines phải chấp nhận đường chín đoạn của Trung Quốc, gián tiếp bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016.

Trung Quốc chỉ đi thuê?

Đáp lại những chỉ trích của Người phát ngôn của tổng thống Salvador Panelo cho biết những cáo buộc của bà Robredo “một lần nữa xa rời với thực tế”.

Hôm 28/10, ABS-CBN dẫn lời cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio cho rằng thỏa thuận khai thác dầu khí chung ở Biển Đông là một sự thừa nhận ngầm của Trung Quốc rằng khu vực này thuộc chủ quyền của Manila và “cứu vớt danh dự” cho Bắc Kinh.

Ông Carpio ví vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận khai thác chung này là “đi thuê”, không thể đòi quyền sở hữu.

“Trung Quốc biết đã thua (trong phán quyết The Hague). Vì vậy, nước này đang cố lấy ít nhất 40% khí đốt và dầu mỏ”, ông Carpio nói trong một diễn đàn ở Thành phố Makati và thêm rằng Trung Quốc đang điều chỉnh lại lập trường ở Biển Đông.

“Chúng ta không thể mong đợi Trung Quốc thừa nhận một cách rõ ràng bằng văn bản rằng Philippines có quyền (ở vùng biển đó), ông Carpio nói.

“Chúng ta phải cho Trung Quốc một ít không gian vì (Trung Quốc) đã dạy công dân của mình ... từ lớp 1 đến đại học ... rằng họ sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm trước và đột nhiên họ không thể từ bỏ nó. Nó phải dần dần và họ phải giải thích cho người dân của họ, “Ồ, dù sao chúng ta cũng đang lấy 40% dầu khí”.

Carpio mô tả quyết định The Hague là một “bức tường lửa” bắt buộc Trung Quốc phải điều chỉnh lập trường.

“Chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể rồi. Trung Quốc không thể vượt ra khỏi tường lửa đó ... Nếu bạn để ý, Trung Quốc không còn nói về đường chín đoạn như cách họ nói về nó trước đây nữa”, ông này nói.

Trong khi đó, ABS-CBN dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon nói rằng thỏa thuận khai thác chung tài nguyên ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc là công bằng, miễn là Manila có phần nhiều hơn.

Thỏa thuận chia sẻ 60-40, có lợi cho Philippines, mang lại Philippines ưu thế lớn hơn với Trung Quốc vì Trung Quốc sẽ chi tiêu cho việc thăm dò dầu chung, ông Esperon giải thích.

“Họ (Trung Quốc) chi tiêu cho nó (việc khai thác) và chúng ta đang nhận được nhiều hơn. Hơn cả công bằng phải không?”, ông Esperon nói với các phóng viên.

Giữa tháng 10/2019, một ủy ban chỉ đạo chung với đại diện của cả Manila và Bắc Kinh đã được thành lập và dự kiến họp vào tuần này để thảo luận về việc khai thác dầu chung.