'Án tử' cho các công ty công nghệ Mỹ nếu không tẩy chay Huawei

Thứ hai, 03/06/2019, 10:05 AM

Nếu không chịu tẩy chay Huawei theo đề nghị của chính phủ Mỹ, các hãng công nghệ sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt, thậm chí là án hình sự.

huawei-bi-tay-chay-samsung-ngu-ong-dac-loi

Ngày 16/5, chính quyền Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp và Bộ Thương mại Mỹ ngay sau đó cho Huawei vào danh sách hạn chế thương mại. Điều đó đồng nghĩa bất kỳ doanh nghiệp nào của nước này muốn bán hàng cho Huawei đều phải xin giấy phép đặc biệt. Theo các chuyên gia, việc xin được giấy phép như vậy là điều bất khả thi.

Đối với các công ty, xuất hiện trong danh sách hạn chế thương mại của Mỹ không khác gì “án tử”.

Về phía Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống bị Mỹ tấn công. Công ty cho biết mua đủ số chip và linh kiện cần thiết để dùng trong 1 năm. Ngoài ra, hãng cũng gấp rút phát triển hệ điều hành riêng có tên HongMeng OS. Động thái của Huawei không thừa. C

hỉ trong 2 tuần kể từ lệnh cấm, hàng loạt đối tác lớn đã quay lưng với công ty. Google, Corning, Qualcomm, Broadcom là những tên tuổi nổi bật nhất. Không chỉ công ty Mỹ, hãng thiết kế chip ARM của Anh cũng cắt đứt quan hệ với Huawei. Nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới bị đẩy vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Dù vậy, vẫn còn một số “ông lớn” chưa lên tiếng, đáng chú ý nhất là Microsoft. Dù Microsoft đã lặng lẽ gỡ các sản phẩm laptop Huawei ra khỏi website, họ vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào. Do đó, giới quan sát hoàn toàn mù mờ về kế hoạch đối phó với lệnh cấm của Mỹ. Microsoft là một trong các đối tác phần mềm lớn nhất của Huawei, nền tảng Windows chạy trên hầu hết laptop Huawei.

Có thể Microsoft im lặng vì mức độ nhạy cảm của vấn đề song cũng đặt ra câu hỏi: Nếu Microsoft (hay bất kỳ công ty nào khác) chống lại lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ và tiếp tục kinh doanh với Huawei, họ sẽ chịu hình phạt nào?

Gần như mọi người trong ngành đều giả định Microsoft sẽ hành xử như Google và người khác vì đơn giản họ không thể kháng cự. Các hãng chống lại lệnh cấm xuất khẩu đều phải đối mặt với hình phạt, từ phạt dân sự đến bị hạn chế xuất khẩu.

Tất cả đều được các điều tra viên của Bộ An ninh và công nghiệp (BIS) quyết định. Nếu vi phạm quá rõ ràng, họ thậm chí còn bị phạt hình sự. Chẳng hạn, hồi tháng 5/2019, một người đàn ông tại New Jersey đã bị kết tội sau khi xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.

Song, dựa vào phụ thuộc của Microsoft vào hợp đồng chính phủ và quốc tế, công ty sẽ thiệt hại nhiều hơn trước cả khi có nguy cơ dính án tù.

Theo The Verge, không chỉ công ty Mỹ cần quan tâm đến hình phạt này. Các hãng luật chỉ ra bất kỳ ai xin cấp phép công nghệ từ Mỹ đều phải tuân thủ lệnh cấm, về cơ bản là dừng hợp tác với Huawei.

Lấy ví dụ, một công ty bàn chải đánh răng dùng công nghệ gốc của Mỹ, dù không phải sản xuất tại Mỹ, vẫn không được cung ứng cho Huawei nếu chưa có giấy phép từ BIS. Điều đó giải thích vì sao ARM lại phải “đoạn tuyệt” với Huawei. Hoặc, cũng có thể Microsoft chỉ đang chờ đợi. Bản thân Tổng thống Trump úp mở về việc dỡ bỏ lệnh cấm như một phần của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Nếu đạt được thỏa thuận, việc im lặng và chờ qua cơn bão dường như là quyết định thông minh của nhà phát triển Windows.

 

Mỹ không chia sẻ thông tin tình báo nếu Đức dùng Huawei

Mỹ tiếp tục gây áp lực lên đồng minh châu Âu khi nói rằng các nước sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ không được chia sẻ dữ liệu tình báo quan trọng.

 

'Tẩy chay' Huawei, Mỹ tăng cường nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ Việt Nam

5 tháng đầu năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%...