Kịch bản nào sẽ xảy ra với Brexit?

Thứ tư, 16/01/2019, 10:52 AM

Sau khi quốc hội Anh từ chối thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) của Thủ tướng Theresa May ngày 15/1, dẫn tới cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, nhiều người đặt câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra với Brexit?”.

Anh rời EU Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May vừa chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Anh. Kế hoạch Brexit của bà bị tới 432 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/1, trong khi phiếu thuận chỉ có 202 phiếu.

Theo nhiều chuyên gia, dưới đây là ba kịch bản chính mà Anh phải đối mặt khi thời hạn bắt đầu tiến trình đưa Anh rời EU hay Brexit đang cận kề.

Thử lại                                       

Chính phủ Anh và các lãnh đạo EU nói rằng thỏa thuận của họ là sự thỏa hiệp tốt nhất hiện có, và mặc dù vừa phải đối mặt với thất bại lịch sử, Thủ tướng Anh May vẫn khẳng định nó là lựa chọn duy nhất.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ, thậm chí cả các thành viên đảng Bảo thủ của bà May. Những người này nói rằng thỏa thuận giữ Anh quá gần EU, trong khi các đảng đối lập nói nó không bảo vệ các mối quan hệ kinh tế với EU.

Cả hai cũng ghét một kế hoạch tiếp tục mở biên giới Bắc Ireland hay được gọi là “backstop”. “Backstop” là giải pháp “lưới an ninh” của EU nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan với EU. Nhiều người cho rằng điều này sẽ buộc Anh phải tuân thủ các quy tắc thương mại của châu Âu vô thời hạn.

Bà May đã tìm kiếm sự nhượng bộ của các lãnh đạo EU về “backstop” nhưng họ đã từ chối thay đổi và các nhà phê bình của bà May cảm thấy không thỏa đáng.

Sau kết quả bỏ phiếu ngày 15/1, bà May cảnh báo không có "thỏa thuận thay thế" nào khác có thể được EU thông qua. Tuy nhiên, bà nói sẵn sàng thảo luận với các nghị sĩ về các ý tưởng có thể thương lượng và đàm phán với Liên minh châu Âu.

Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox trước đó nói với các nghị sĩ rằng thỏa thuận Brexit sẽ không thể khác với thỏa thuận mà quốc hội bỏ phiếu ngày 15/1.

kich-ban-nao-se-xay-ra-voi-brexit
Những người biểu tình phản đối Anh rời EU bên ngoài tòa nhà quốc hội ở London, Anh trước cuộc bỏ phiếu ngày 15/1.

Không gì ngăn cản chính phủ đưa lại thỏa thuận tương tự hết lần này đến lần khác tới quốc hội cho tới khi các nghị sĩ chấp nhận nó hoặc tìm cách “hất cẳng” bà May, người đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tối 16/1.

Anh rời EU không có thỏa thuận

Kịch bản này được coi là “ngày tận thế” bởi nó có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế ở Anh và làm chậm đáng kể sự tăng trưởng kinh tế của cả Liên minh châu Âu.

Bởi quốc hội Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit của bà May nên khả năng này chắc chắn sẽ xảy ra khi không có giải pháp nào khác trước ngày 29/3.

Thỏa thuận của bà May giữ các quy tắc thương mại giữa Anh, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, và EU, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó, gần như không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020.

Thế nhưng, khi không có thỏa thuận, sự thay đổi đột ngột sang nhiều tiêu chuẩn khác nhau sẽ tác động đến hầu hết thành phần kinh tế, tạo ra sự gián đoạn tại các trung tâm hậu cần như cảng.

Chính phủ cảnh báo những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra khi Anh rời EU mà không có thỏa thuận trong vài tuần qua.

Ngày càng có nhiều đồn đoán ở London và Brussels rằng bà May có thể tìm cách trì hoãn Brexit để tránh kịch bản không có thỏa thuận.

Trưng cầu dân ý lần hai

Những người ủng hộ EU đang kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý khác về việc Anh rời EU nhằm đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý năm 2016. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, 52% đồng ý rời EU và 48% muốn ở lại.

Khả năng tiến hành trưng cầu dân ý lần hai gia tăng trong những tháng gần đây.

Không có luật nào ngăn cản nước Anh trưng cầu dân ý lại nhưng nhiều người đặt câu hỏi về việc làm như vậy có phù hợp với dân chủ không.

Nó cũng đe dọa gây chia rẽ thêm trong nội bộ nước Anh. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân Anh vẫn rất đang chia rẽ về vấn đề này.

Bà May cũng cảnh báo rằng một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục đối với tính toàn vẹn về chính trị.

Hiện tại, bước đầu tiên sẽ là kéo dài ngày khởi động tiến trình đưa Anh rời EU mặc dù các nhà ngoại giao EU cảnh báo sẽ chỉ trì hoãn được vài tháng.

 

Anh sẽ trưng cầu dân ý về Brexit lần hai?

Ngay khi quốc hội Anh bác kế hoạch rời EU (Brexit) của Thủ tướng Theresa May, nhiều lãnh đạo EU gợi ý nước Anh có thể tổ chức trưng cầu dân ý lần hai.

 

Kế hoạch Brexit bị quốc hội bác bỏ, Thủ tướng Anh đối mặt nguy cơ bị bãi nhiệm

Quốc hội Anh ngày 15/1 đã phủ quyết kế hoạch Brexit (Anh rời EU) của Thủ tướng Theresa May. Kết quả có thể làm lung lay nội các của bà May và toàn bộ quá trình Brexit, Reuters đưa tin.

 

Hậu Brexit, người Anh hướng về Biển Đông?

Đúng ra, chính sách “Hướng Đông” của người Anh đang được cân nhắc nghiêm túc, dẫu còn gây tranh cãi thậm chí trong nội bộ nước này.