Antifa là gì? Vì sao nhóm này bị tố kích động bạo loạn ở Mỹ

Thứ tư, 03/06/2020, 10:04 AM

Khi các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd lan rộng khắp đất nước, chính quyền Tổng thống Trump cho rằng tình trạng bạo lực là do nhóm Antifa.

Antifa là gì? Ảnh: Một người biểu tình mang cờ Hành động chống phát xít tại một cuộc biểu tình phản đối vụ George Floyd bị cảnh sát ghì chết, tại Boston, Massachusetts.

Antifa là gì? Ảnh: Một người biểu tình mang cờ Hành động chống phát xít tại một cuộc biểu tình phản đối vụ George Floyd bị cảnh sát ghì chết, tại Boston, Massachusetts.

Antifa là gì?

Antifa là viết tắt của “chống phát xít”. Thuật ngữ này được sử dụng để định nghĩa một nhóm người rộng lớn có niềm tin chính trị nghiêng về phía tả, thường là cực tả - nhưng không phù hợp nền tảng của Đảng Dân chủ. Nhóm không có người lãnh đạo chính thức hoặc trụ sở chính. Dù vậy, các nhánh của nhóm này ở một số bang có các cuộc họp thường xuyên.

Lập trường của Antifa có thể khó xác định, nhưng nhiều thành viên ủng hộ những người bị áp bức và phản đối các tập đoàn và giới thượng lưu tích trữ của cải. Một số ủng hộ sử dụng các chiến thuật triệt để hoặc vũ lực để truyền tải thông điệp của họ.

Nguồn gốc của Antifa là gì?

Nguồn gốc chính xác của Antifa vẫn chưa rõ. Tuy nhiên Antifa có thể liên quan đến nhóm Hành động Chống Phát xít, một nhóm chiến binh được thành lập vào những năm 1980 tại Vương quốc Anh.

[Blackout Tuesday là gì? Vì sao mạng xã hội Mỹ ngập hình vuông màu đen?]

Các thành viên Antifa thời hiện đại hoạt động tích cực hơn trong các cuộc biểu tình và trong các phong trào tiến bộ, Brian Levin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sự Thù ghét và Chủ nghĩa Cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, cho hay.

"Những gì họ đang cố gắng làm bây giờ không chỉ trở nên nổi bật nhờ bạo lực tại các cuộc biểu tình mà còn tiếp cận thông qua các cuộc họp nhỏ và thông qua mạng xã hội", ông Levin nói.

Tại sao Antifa gây tranh cãi?

Nhóm này được cho là thủ phạm gây thiệt hại về tài sản trong các cuộc biểu tình. Scott Crow, người đã gắn bó với Antifa trong gần 30 năm, cho biết nhiều thành viên sử dụng bạo lực như một biện pháp tự vệ và họ tin rằng phá hủy tài sản không đồng nghĩa với bạo lực.

Ông Levin cho biết các nhà hoạt động của Antifa cảm thấy cần phải có bạo lực vì "họ tin rằng giới tinh hoa đang kiểm soát chính phủ và giới truyền thông. Vì vậy, họ cần đưa ra tuyên bố trực diện những người mà họ coi là phân biệt chủng tộc".

Kể từ năm 2016, FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác đã bày tỏ quan ngại về Antifa và tình trạng bạo lực đôi khi đi kèm với sự xuất hiện công khai của họ. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết trong phiên điều trần của quốc hội vào tháng 11/2017 rằng họ đang có các cuộc điều tra chống khủng bố đối với những người nhân danh Antifa.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tư Pháp William Barr cùng nhiều quan chức khác cũng lên tiếng về việc Antifa có liên quan đến bạo lực gần đây tại các thành phố của Mỹ. Trên Twitter, ông Trump cho rằng "Antifa và phe cấp tiến" đã kích động bạo lực dù không cung cấp bằng chứng nào. Cố vấn an ninh quốc gia của ông, Robert O'Brien, kêu gọi FBI giám sát và truy tố những thành phần bạo lực của Antifa.

AP dẫn lời các quan chức quốc phòng cho biết, một nhóm hoạt động của Antifa bị cáo buộc đã lan truyền tin nhắn trong kênh Telegram hôm 30/5 khuyến khích mọi người coi Vệ binh Quốc gia ở Minnesota là "mục tiêu dễ dàng". Thông điệp này khuyến khích ăn cắp vũ khí và áo giáp của họ.