Bà Bùi Thị An: Bộ, ngành không trả trụ sở cũ đề nghị xử lý bộ trưởng, trưởng ngành

Thứ ba, 30/07/2019, 06:00 AM

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Chính phủ phải ấn định một thời gian cụ thể yêu cầu bộ, ngành trả lại trụ sở cũ, đơn vị nào không chấp hành đề nghị xử lý bộ trưởng, trưởng ngành.

ba-bui-thi-an-bo-nganh-khong-tra-tru-so-cu-de-nghi-xu-ly-bo-truong-truong-nganh
Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những đơn vị chưa chịu trả trụ sở cũ dù đã xây trụ sở mới. Ảnh: Trần Kháng.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã nêu lên thực trạng các bộ, ngành có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các bộ: Công an, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… Như vậy là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

Trước thực trạng này, nữ đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Liệu chủ trương trên có thực hiện được không, xin nêu rõ lý do.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng xây dựng cho biết thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16 năm 2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, đến nay đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Còn Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ này để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc.

Bộ Trưởng thông tin hiện vẫn còn một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ…

ba-bui-thi-an-bo-nganh-khong-tra-tru-so-cu-de-nghi-xu-ly-bo-truong-truong-nganh
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Chính phủ phải ấn định một thời gian cụ thể yêu cầu bộ, ngành trả lại trụ sở cũ, đơn vị nào không chấp hành đề nghị xử lý bộ trưởng, trưởng ngành.

Trước thực trạng nhiều bộ, ngành có trụ sở mới nhưng không trả trụ sở cũ, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa 13, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, đây là vấn đề “kỷ cương, phép nước”, khi có trụ sở mới, các bộ, ngành bắt buộc phải trả trụ sở cũ.

“Chính phủ có trách nhiệm trước nhân dân trong việc yêu cầu các bộ, ngành trả lại trụ sở cũ. Tôi đề nghị phải ấn định thời gian bàn giao trụ sở cũ, không để lan man kéo dài. Với bộ, ngành nào không không chịu trả trụ sở cũ, Chính phủ phải có hình thức xử lý, kỷ luật người đứng đầu là bộ trưởng, trưởng ngành”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Ngoài ra, theo bà Bùi Thị An khi Hà Nội tiếp nhận trụ sở cũ các bộ, ngành phải quản lý, sử dụng phù hợp chứ không phải xây chung cư, trung tâm thương mại… Nhiều trụ sở cũ các bộ, ngành có vị trí đẹp, công trình gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử của thủ đô.

Lâu nay, các bộ, ngành vẫn kêu khổ vì cơ sở hiện tại của mình chật chội, cũ nát... không theo kịp với sự phát triển của đất nước. Nhưng khi Trung ương sẽ xem xét và giao thành phố Hà Nội bố trí địa điểm mới, phù hợp rồi Chính phủ rót tiền xây dựng. Trụ sở mới đã có, đáp ứng điều kiện làm việc tốt hơn, hiện đại hơn nhưng các bộ, ngành không trả lại trụ sở cũ, chỉ vì vị trí “đất vàng”.

Nhiều lo ngại việc bộ, ngành giữ lại "đất vàng" trong thành phố, dùng nguồn tiền có được nhờ đấu giá sử dụng đất tiếp tục xây dựng trung tâm thương mại để cho thuê, hay làm chung cư cho cán bộ công nhân viên của bộ mình.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130 (ngày 23/1/2015), về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị.

Quyết định 130 cũng quy định trách nhiệm các cơ quan thực hiện như, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Hà Nội và các bộ, ngành liên quan lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương) cần di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội; Giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch, phối hợp với Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời… UBND TP Hà Nội giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt; Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

 

Có trụ sở mới vẫn không chịu trả trụ sở cũ: Biểu hiện của 'tham nhũng'?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc các bộ ngành có trụ sở mới nhưng không chịu trả lại trụ sở cũ là biểu hiện của tham nhũng của công, lạm quyền.

 

Bí ẩn tên đường Ngô Minh Dương kết nối khu đô thị 'vàng' ở Hà Nội

Mặc dù biển tên đường Ngô Minh Dương (nối từ Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng ở khu Ngoại giao đoàn) đã tháo dỡ nhưng nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu tên đường này bắt nguồn từ đâu, ai là người đã cắm biển, đặt tên cho con đường?

 

Cận cảnh những công trình vi phạm phá vỡ quy hoạch khu biệt thự Tây Nam Linh Đàm

Nhiều công trình tại khu biệt thự kiểu mẫu Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt - Hoàng Mai - Hà Nội) đang có những vi phạm xây dựng khiến nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc dư luận.