Bà chủ Panorama Mã Pì Lèng: 'Sau cải tạo người dân ủng hộ'

Thứ bảy, 26/12/2020, 09:22 AM

Trong khi một số chuyên gia, kiến trúc sư nói rằng thất vọng về hình ảnh công trình Panorama Mã Pì Lèng "đồ sộ hơn" thì bà chủ công trình gây tranh cãi này khẳng định được nguời dân và du khách ủng hộ.

Bà chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng khẳng định, công trình đã được cải tạo, sửa chữa theo đúng quy trình thiết kế được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.

Bà chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng khẳng định, công trình đã được cải tạo, sửa chữa theo đúng quy trình thiết kế được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.

Bà chủ Panorama Mã Pì Lèng nói dư luận ủng hộ

Liên quan đến các tranh luận gần đây về việc công trình Panorama Mã Pì Lèng sau cải tạo còn đồ sộ hơn xưa.

Mới đây, trả lời trên tờ Doanh nghiệp và tiếp thị, bà Vũ Thị Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang), chủ đầu tư công trình Panorama Mã Pì Lèng đã có những trải lòng xung quanh tranh cãi công trình sau xử lý bị cho là đồ sộ hơn xưa.

Bà Ánh khẳng định: Toàn bộ việc cải tạo, sửa chữa công trình đã được bà thực hiện theo đúng quy trình thiết kế được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư trong buổi làm việc hồi tháng 3/2020.

"Công trình đã được làm theo đúng quy trình thiết kế. Tuy nhiên, phải nói rõ công trình của tôi là công trình cải tạo, sửa chữa chứ không phải xây mới, do đó một số điểm, kết cấu sẽ không thể giống 100% mà phải phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn.

Sau khi cải tạo xong, người dân, du khách vào đều chấp nhận, đồng tình và ủng hộ phương án này", bà Ánh nói.

Theo bà Ánh, bà đã tiến hành phá dỡ, thu gọn lại tầng 1, mở rộng phần kính để quan sát dễ dàng hơn. Riêng về chiều cao sau cải tạo có cao hơn so với công trình cũ vài chục cm do thay đổi kết cấu chuyển làm thêm mái lợp ngói.

Chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng cũng nhấn mạnh, nhiều thông tin trên mạng xã hội, báo chí phản ánh về công trình sau cải tạo, sửa chữa không chính xác. Trong đó, bà Ánh khẳng định, thông tin cho rằng, mái của công trình sau cải tạo được lợp mái tôn hoàn toàn không chính xác.

"Mái của công trình được tôi lợp bằng ngói của Việt Nam chứ không phải bằng tôn như một số ý kiến trên mạng xã hội hay báo chí đăng tải. Còn có thể do màu ngói giống với màu tôn nên người ta mới nhầm lẫn", bà Ánh chia sẻ.

Chuyên gia thất vọng

Việc bà chủ Panorama Mã Pì Lèng nói rằng công trình sau cải tạo được người dân và ủng hộ và làm theo đúng quy trình thiết kế hoàn toàn trái ngược với ý kiến của một số chuyên gia từng được tỉnh Hà Giang tham vấn xin ý kiến.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng TƯ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, người được tỉnh Hà Giang tham vấn ý kiến trong Hội nghị các chuyên gia hồi tháng 3/2020 nói: "Tôi có góp ý, mặt tiến cần làm nhỏ thôi và mang kiến trúc bản địa với mái lợp ngói âm dương. Đồng thời, không nên làm vách đặc mà làm rỗng để tạo sự thân thiện. Ngoài ra, cần sơn lại công trình, không để nổi bật mà hoà hợp với thiên nhiên, cảnh quan xung quanh và để đây đúng nghĩa là điểm dừng chân".

Tuy nhiên, qua những hình ảnh, video được đăng tải trên mạng xã hội, báo chí, vị kiến trúc sư này thấy khá thất vọng khi nhìn mặt đứng của công trình vẫn lớn so với một công trình trạm dừng chân ngắm cảnh cần có và vẫn lấn át cảnh quan xung quanh.

Hình ảnh Panorama Mã Pì Lèng sau cải tạo được du khách chụp lại.

Hình ảnh Panorama Mã Pì Lèng sau cải tạo được du khách chụp lại.

"So với góp ý của Hội đồng thì công trình này vẫn quá lớn và kiến trúc không có gì đặc sắc, chưa mang nét văn hoá bản địa Hà Giang. Có thể thấy năng lực của kiến trúc chưa tốt, vẽ không ổn, đặc biệt, có phần một tầng nhưng lại làm nhô lên như gác - xép đã tạo cho người nhìn cảm giác khó chịu.

Qua đây mới thấy, việc cải tạo trạm dừng chân này nếu là một người có chuyên môn giỏi, biết lắng nghe thì sẽ làm tốt hơn.

Nếu sửa được tiếp, tôi đề nghị hạ thấp tầng xuống và làm lại mái bằng gạch nung - gạch âm dương để cho nhẹ, cũng như thấy được kiến trúc của Hà Giang thay vì thấy giống công trình ở nông thôn Bắc Bộ đưa lên.

Chúng ta nên làm thông thoáng để mọi người còn nhìn vào chứ đừng bó như nhà nhà nghỉ, rất khó chịu", ông Tùng nhìn nhận.

Vị KTS này cho rằng, cung đường đèo này rất dài, do đó, việc có một hay một số trạm dừng chân để du khách nghỉ ngơi là rất cần thiết, nhưng để tránh mất nhiều công của dư luận, các chuyên gia như đối với công trình Panorama Mã Pì Lèng thì cần có quy hoạch tổng thể.

"Ở đây, tôi đánh giá cao chủ đầu tư công trình khi rất khôn ngoan, thông minh, nhanh nhạy nhưng cái thiếu ở đây là từ phía chính quyền khi chưa có quy hoạch cụ thể cho các điểm dừng chân, không chỉ ở Mã Pì Lèng mà nhiều điểm khác trên dọc cung đường này.

Chỉ khi nào có quy hoạch chung, kiến trúc cụ thể cho từng trạm dù khác nhau vẫn giữ được nét văn hoá văn hoá bản địa thì mới tạo điểm nhấn, giúp thu hút khách du lịch, nhà đầu tư tốt hơn", ông Tùng nêu ý kiến.

Trước đó, trên báo Tiền Phong dẫn lời KTS Trần Đức Hợp, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội - là một trong những chuyên gia được mời tham góp ý kiến chỉnh sửa Panorama Mã Pì Lèng. Ông cho biết, mới nhìn lướt qua công trình chỉnh sửa và “thấy tiếc”.

“Giá như tác giả KTS được chủ đầu tư mời cải tạo làm kỹ hơn, làm tới cùng bằng cách tham khảo hội đồng chuyên môn sâu hơn thì công trình sẽ khác”, ông nói.

Phác thảo phương án được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia hồi tháng 3.

Phác thảo phương án được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia hồi tháng 3.

Trong khi đó, ông Đặng Tiên Phong - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Việt Nam trước đó cũng đề xuất nên nghiên cứu lập dự án đầu tư thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Mã Pì Lèng. Kỳ vọng về điểm dừng chân ngắm cảnh có kiến trúc độc đáo hoặc hài hòa thiên nhiên dường như không thành.

Quy mô công trình sau cải tạo gồm 5 cấp, xây bám theo địa hình, cần tháo dỡ cấp 6 và cấp 7 có sàn thép phục vụ ngắm cảnh tại khu vực mỏm đá phía vực để đảm bảo an toàn.