Bà nội đầu độc cháu 11 tháng bị bại não ở Thái Bình đối diện mức án nào?

Thứ tư, 05/08/2020, 11:48 AM

Vụ bà nội đầu độc cháu 11 tháng tuổi bị bại não ở Thái Bình, trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm...

Bà nội đầu độc cháu 11 tháng bị bại não ở Thái Bình đối diện mức án 20 năm tù. (Ngôi nhà của bà Lệ. Ảnh báo Tiền Phong)

Bà nội đầu độc cháu 11 tháng bị bại não ở Thái Bình đối diện mức án 20 năm tù. (Ngôi nhà của bà Lệ. Ảnh báo Tiền Phong)

Ngày 5/8, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Bà Chử Thị Mỹ Lệ - Phó trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được cho đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh là Lê Trần Dương M (11 tháng tuổi) uống hai lần, một lần ở nhà và 1 lần khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Hành vi của bà Lệ đã khiến cháu M. nguy kịch hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Sau khi sự việc xảy ra đã khiến dư luận xôn xao về hành vi tàn nhẫn của bà Lệ, nhiều người cho rằng với hành vi trên của bà Lệ sẽ phải chịu khung hình phạt thế nào?

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định qua những thông tin ban đầu thấy đây là bi kịch trong gia đình. Rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình về trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu sau này.

Để thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm đã mua thuốc thuốc diệt chuột, pha vào sữa cho cháu ăn để nhằm mục đích cho cháu tử vong. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên tính mạng cháu bé được đảm bảo. Cho đến thời điểm hiện tại, tính mạng cháu bé vẫn đang nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Dưới góc độ pháp luật, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Đáng lẽ ra, với lương tâm trách nhiệm của người Bác sỹ là cứu người và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại đang tâm sát hại cháu để cho rằng cứu giúp gia đình thoát khỏi gánh nặng phải chăm sóc trẻ không hoàn thiện về thể chất và tinh thần. 

Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan