Bài mẫu viết thư UPU lần 49: Viết cho người lớn về thế giới chúng ta đang sống

Thứ sáu, 06/03/2020, 09:47 AM

Xin giới thiệu một bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49, với chủ đề tạm hiểu là viết một bức thư cho người lớn, gửi thông điệp về thế giới chúng ta đang sống.

Bài mẫu viết thư UPU lần 49: Viết cho người lớn về thế giới chúng ta đang sống

Bài mẫu viết thư UPU lần 49: Viết cho người lớn về thế giới chúng ta đang sống

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 - năm 2020 đã sắp đến thời hạn cuối nhận bài. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo một bài mẫu viết thư UPU 49 gửi một người lớn thông điệp về thế giới chúng ta đang sống. 

Chủ đề của cuộc thi UPU lần thứ 49 là: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in).

Đầu tiên, để có thể viết một lá thư dự thi được đánh giá cao, bạn cần biết cách viết thư UPU đơn giản và chuẩn nhất:

1. Bài dự thi phải đúng thể thức, đúng yêu cầu. Độ dài của bài thi viết thư quốc tế UPU không quá 800 từ.

2. Các bức thư phải viết dưới dạng văn xuôi và theo đúng thể thức của một bức thư.

3. Thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư sẽ được để trong phần đầu của bài dự thi.

4. Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư. Không viết tên hay địa chỉ của mình trong phần nội dung thư. Điều này để đảm bảo bức thư được chấm công bằng trong phần chấm cuối cùng.

5. Phần cuối thư sẽ là điều người viết muốn gửi gắm, lời chào tạm biệt và chữ ký của người viết.

Bạn lưu ý: Mỗi năm, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU có 1 chủ đề riêng. Bởi vậy, nội dung bức thư phải đúng chủ đề cuộc thi đã đưa ra. Bức thư nên vừa mạch lạc, rõ ràng vừa giàu cảm xúc, chân thành và có lý lẽ thuyết phục về thông điệp mà mình muốn truyền tải.

*"Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam" đã lùi thời hạn nộp bài dự thi từ ngày 25/2 đến ngày 10/3 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dưới đây là Bài mẫu viết thư UPU lần 49: Viết cho người lớn về thế giới chúng ta đang sống

Kính gửi bác Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam

Thưa bác,

Những ngày này (từ sau Tết Nguyên đán Canh tý 2020), cháu và em cháu được nghỉ học ở nhà. Tuy rằng còn nhỏ tuổi, nhưng qua những cuộc trò chuyện của bố mẹ và các bản tin phát trên truyền hình, chúng cháu biết được rằng, Việt Nam và thế giới đang phải chống chọi với một đại dịch khủng khiếp - có tên Covid-19. 

Ở nhà cháu, mẹ mua rất nhiều cồn, cồn khô, tỏi, hành, xà bông diệt khuẩn và đặc biệt nhiều khẩu trang y tế. Mẹ bảo, giá mua giờ rất đắt, nhưng vẫn phải trữ trong nhà, để dành phòng cho sắp tới bọn cháu trở lại trường. 

Hôm qua, qua FB của mẹ, cháu được mẹ đọc cho nghe bài viết của một bác sĩ viện Tai Mũi Hong. Bác sĩ kể rằng ở bệnh viện bây giờ họ phải dùng khẩu trang vải thay khẩu trang y tế, và tình trạng thiếu thốn là đã rõ ràng. 

Cũng hôm qua, cháu đọc báo, được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo phải cung cấp đủ dụng cụ phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19. WHO cũng cho biết thêm, tình trạng thiếu PPE đang khiến các bác sĩ, y tá và các nhân viên tuyến đầu khác rơi vào tình trạng nguy hiểm khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. 

Thưa bác Bộ trưởng,

Trong 2 ngày đến trường trước khi nghỉ vì dịch, cháu được cô giáo cho biết, dịch bệnh này lây từ người sang người rất dễ qua tiếp xúc gần và giọt bắn. Những người có nguy cơ lây cao là người tiếp xúc và các bác sĩ.

Những hình ảnh mỗi ngày phát trên truyền hình đủ để một đứa trẻ nhỏ tuổi như cháu hiểu rằng, hiện nay tình hình dịch vẫn đang căng thẳng. Chính các bác sĩ là những chiến sĩ ở tuyến đầu. Họ bảo vệ an toàn cho mọi người, chữa bệnh cho những người đã nhiễm, là lực lượng tiên phong phòng chống dịch bệnh lây lan. 

Các bác sĩ, nhiều người sống luôn tại bệnh viện, nỗ lực chữa bệnh, dập dịch. 

Thế mà, WHO lại bảo rằng, họ đang trong tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, như khẩu trang y tế. 

Bác Nhạ kính mến,

Cả nước ta có tới mấy chục triệu học sinh. Bọn cháu luôn được chăm lo, bảo vệ tốt nhất từ bố mẹ, nhà trường, xã hội. 

Trong những ngày chúng cháu nghỉ học, bố mẹ và thầy cô vẫn đến trường mỗi tuần 1,2 lần để vệ sinh lớp học.

Nếu chúng cháu theo bố mẹ ra ngoài, chúng cháu luôn được nhường cho vị trí thoáng rộng, tốt nhất, be bịt kỹ nhất. 

Nếu sắp tới chúng cháu đi học, cháu cũng tin trường lớp đã sẵn sàng. Hơn nữa, môi trường học tập của chúng cháu là môi trường khép kín, rất ít nguy cơ có nhiều người ra vào để có cơ hội truyền nhiễm bệnh...

Vậy nên, cháu nghĩ, với cương vị một Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bác có thể ra lời kêu gọi các phụ huynh, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng khẩu trang hợp lý, tiết kiệm, hoặc không dùng khẩu trang y tế nếu không thật sự cần thiết. 

Cháu mong muốn có lời kêu gọi, đóng góp khẩu trang y tế cho các bác sĩ có thiết bị phòng hộ. Các gia đình hãy tăng cường dùng khẩu trang vải, khẩu trang sợi vải diệt khuẩn. Nếu còn tích trữ trong nhà, hãy sẵn lòng dành tặng khẩu trang y tế cho những người đang cần nhất. 

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, nên cháu nghĩ, chăm lo và tạo điều kiện tốt nhất cho người giữ gìn sức khỏe cho mình - các bác sĩ, là một việc làm chính đáng. 

Vì sao cháu viết thư cho bác, chứ không phải Bộ trưởng Bộ Y tế, vì cháu biết, tác động của bác tới lực lượng giáo viên, học sinh sẽ giúp truyền tải thông điệp tới mọi gia đình, nhanh nhất, bao phủ nhất và hiệu quả nhất. 

Về phần mình, nếu sắp tới được trở lại trường, cháu sẽ đeo khẩu trang vải. Cháu sẽ tiết kiệm tối đa việc dùng khẩu trang y tế để mẹ không phải tìm cách mua giá đắt, để các bác sĩ không bị thiếu đồ dùng do thị trường cháy hàng.

Cháu chào bác. Chúc bác thật nhiều sức khỏe!

Ký tên

Song Anh

Bài liên quan