Băng đảng ‘đầu rắn’ bị gọi tên sau vụ 39 người chết trong container ở Anh

Thứ bảy, 26/10/2019, 16:40 PM

Băng đảng đầu rắn bị cho đứng sau vụ 39 người chết trong container ở Anh. Băng này đang trỗi dậy sau khi “nữ chúa” bị xét xử và chết trong tù năm 2014.

Vụ 39 người chết trong container ở Anh được cho là có liên quan đến băng đảng đầu rắn.
Vụ 39 người chết trong container ở Anh được cho là có liên quan đến băng đảng đầu rắn.

Băng đảng đầu rắn là gì? Có liên quan gì đến vụ 39 người chết trong container ở Anh?

Được thành lập ở tỉnh phía Đông Phúc Kiến, Trung Quốc, băng đảng đầu rắn đã buôn lậu hàng triệu người, biến những người nhập cư bất hợp pháp từ phương Đông sang phương Tây thành nô lệ hay gái mại dâm.

Các nhà điều tra cho biết nhiều gia đình Trung Quốc mơ ước về một cuộc sống mới ở phương Tây đã phải trả hàng chục ngàn bảng để người thân của họ đến được Vương quốc Anh trong mỗi chuyến đi kéo dài gần một tháng.

Các băng đảng hứa hẹn “hàng hóa con người” của họ sẽ có được những công việc lương cao ở Anh như tiếp viên hoặc nhân viên văn phòng.

Nhưng hàng ngàn phụ nữ rơi vào nanh vuốt của băng đảng đầu rắn, cuối cùng trở thành tù nhân trong nhà thổ - hoặc bị bắt làm nô lệ trong các quán làm móng và các nhà máy cần sa dưới lòng đất.

Trong vụ 39 người chết trong container ở Anh được phát hiện hôm 24/10, cảnh sát đang tập trung điều tra vào ba thành viên băng đảng Ireland bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động buôn người dẫn đến thảm kịch đó.

Cảnh sát cũng cố tìm ra tuyến đường của chiếc container đã chở thi thể 31 người đàn ông và 8 phụ nữ này. Cảnh sát đang điều tra xem liệu nó có liên quan đến các băng đảng khác nhau ở biên giới Trung Á và Châu Âu trước khi vào Anh hay không.

Tuy nhiên, băng đảng đầu rắn vẫn bị nghi ngờ có liên quan đến thảm kịch này.

Những phi vụ rùng rợn của băng đảng đầu rắn

bang-dang-dau-ran-bi-goi-ten-sau-vu-39-nguoi-chet-trong-container-o-anh
Bên trong xe tải chở 58 thi thể người Trung Quốc năm 2000.

Các hoạt động của băng đảng Đầu rắn rất tinh vi bao gồm việc sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp hoặc chỉnh sửa, thị thực giả và hối lộ để di chuyển con người từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Nhưng họ không quan tâm đến sự an toàn của những người mà họ đang vận chuyển.

Đã có rất nhiều bi kịch liên quan đến băng đảng Đầu rắn. Tháng 6/2000, 58 thi thể - 54 người đàn ông và 4 phụ nữ - đã được tìm thấy trong một chiếc xe container lạnh ở Dover.

Tất cả 58 người này đều là người Trung Quốc. Họ bị đưa vào xe từ Hà Lan sang Anh và sau đó bị chết ngạt.

Tài xế người Hà Lan Perry Wacker khi đó đã bị kết án 14 năm tù.

Năm 2004, băng đảng đầu rắn lại thành tâm điểm của một thảm kịch khác khi 23 người Trung Quốc chết tại vịnh Morecambe. Họ đã bị sóng biển cuốn trôi khi đang làm việc nhặt sò trên biển Lancashire.

Một thành viên băng đảng, Lin Liangren, đã bị tù 14 năm - nhưng sau đó có nguồn tin cho biết gia đình của những người chết ở Trung Quốc vẫn còn bị đòi phí đi lại.

Thậm chí, nhiều người bị ép phải rời bỏ nhà cửa của họ và ít nhất một người phụ nữ đã tự sát vì không có tiền trả cho băng đảng này.

Jing Ping Chen từng là
Jing Ping Chen từng là "nữ chúa" băng đảng đầu rắn, chết năm 2014 trong nhà tù Mỹ.

Quy mô của băng đảng Đầu rắn lần đầu tiên bị ảnh hưởng năm 2000 khi “nữ chúa” Ping có biệt danh “Mẹ của các đầu rắn” bị bắt ở Hong Kong.

Ping sau đó bị xét xử ở Mỹ và bị kết án 34 năm tù. Ping được cho là đã nhập lậu hơn 200.000 đàn ông và phụ nữ vào Liên minh Châu Âu và có liên quan đến cái chết của 58 người trong xe container ở Anh năm 2000. Ping chết trong nhà tù Mỹ năm 2014.

Vào thời điểm Ping bị bắt, Cơ quan Tình báo Hình sự Quốc gia Anh cho biết, tội phạm nhập cư có tổ chức là một trong những thứ phát triển nhanh nhất trong thế giới ngầm.

Nhưng số người bị buôn phát triển nhanh hơn trong những năm sau đó.

Sự trỗi dậy của băng đảng đầu rắn

Sau khi mất đi Ping, băng đảng đầu rắn đang phát triển trở lại. Hiện chưa rõ thủ lĩnh mới của tổ chức này là ai. Theo The Sun, lợi nhuận của băng đảng này tăng vọt trong những năm gần đây do sự tuyệt vọng của những người muốn mạo hiểm cuộc sống của họ để thoát khỏi sự nghèo đói.

Chúng sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội tương đương với Tinder, MoMo của Trung Quốc, cũng như ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat để tìm kiếm "con mồi", hứa hẹn "100% di chuyển an toàn".

Quảng cáo với các khẩu hiệu hấp dẫn như "vượt qua chốt kiểm tra biên giới nhanh chóng! Thanh toán khi đến nơi!" đang được lưu hành trên các ứng dụng.

Theo Daily Mail, những người mơ ước về một cuộc sống mới từ Trung Quốc trả trước một khoản 550 bảng Anh trước khi bị nhồi nhét vào thuyền hoặc container cho một hành trình dài, tối tăm và đầy rủi ro. 

Trong khi đó, gia đình của những người bị đưa bất hợp pháp sang Anh không bao giờ biết được tình hình của người thân. Họ tiếp tục phải trả chi phí đi lại và nhiều loại phí khác trong nhiều năm.