Bánh trôi tàu: Món ăn ấm áp trong tiết trời se lạnh

Thứ sáu, 19/10/2018, 06:46 AM

Bánh trôi tàu có vị béo dẻo của vỏ bánh, bùi bùi của lạc, ngọt ngào cùng với vị cay nồng của gừng. Món ăn bình dân cực kỳ thu hút người dân Hà Nội mỗi khi tiết trời chuyển sang se lạnh.

Ở Hà Nội, mỗi tiết trời đều có một thức quà đặc trưng riêng. Mùa hè có nhót, có mận, mùa thu có cốm, có sấu chín. Còn khi mỗi độ đông về, những chiều gió lạnh thổi heo hắt, người ta chỉ mong được cầm trên tay một bát bánh trôi tàu nóng hổi, ngọt đượm. 

Chẳng ai đếm được khắp Hà Nội này có bao nhiêu hàng bánh trôi tàu, cảm tưởng như bất cứ lúc nào, dừng lại giữa đường vì một cơn thèm ngọt, ta cũng có thể thấy những hàng bánh trôi nhỏ xinh nép bên vệ đường hay ngõ nhỏ nào đó. Tuy vậy, vẫn có những hàng bánh trôi tàu ở Hà Nội nức tiếng mà cứ mỗi độ đông về, người ta lại tìm đến.

Cùng điểm một số quán bánh trôi tàu ngon trứ danh ở Hà Nội:

Bánh trôi tàu – 101 Đội Cấn (18.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu Đội Cấn (Ảnh sưu tầm)

Quán bánh trôi tàu nằm ngay mặt đường Đội Cấn. Đặc biệt, một bát bánh có 3 viên với hai loại nhân là đậu xanh và mè đen. Nước đường ở đây thơm, có vị ngọt nhẹ, dù ăn hết bánh rồi uống hết chỗ nước cũng chẳng thấy ngán, nhiều lúc ăn một rồi lại muốn ăn thêm bát nữa. Độ ngọt vừa phải nên người dùng cảm thấy không bị ngán.

Đây là một trong những địa điểm bán bánh trôi tàu tiếng tăm xứ Hà Thành.

Bánh trôi tàu Điệp béo – 52 Hàng Điếu (12.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu quán Điệp Béo - Hàng Điếu (Ảnh sưu tầm)

Nằm ngay ngã tư Hàng Điếu cắt với Hàng Nón, quán Điệp Béo đã có khoảng chục năm nay và có vẻ bán bánh trôi tàu khá chuyên nghiệp. Vì thế, trên từng chiếc bát ăn đều có in nắn nót dòng chữ "Điệp Béo Bánh trôi nóng". 

Bánh trôi tàu tại đây vỏ mỏng, dẻo thơm, nhưng nhân bánh và cả phần nước đều được nấu ngọt vừa phải, thanh thanh chứ không hè ngọt sắc. Nếu là một người có gu ăn nhạt, chắc chắn bạn sẽ "vote" cho quán này.

Cùng thuộc dãy khu "phố Hàng", nhưng giá bánh trôi tàu tại đây khiêm tốn hơn một chút: 12.000 đồng/bát.

Bánh trôi tàu - số 4 Hàng Cân (15.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu Hàng Cân (Ảnh sưu tầm)

Thông thường mọi người hay thích ăn bánh trôi tàu nhân vừng đen hơn bởi nó có vị thơm bùi, dễ hợp khẩu vị. Nhưng nếu là người thích ăn loại bánh trôi tàu nhân đậu xanh thì bạn không nên bỏ qua tiệm bánh trôi ở Hàng Cân.

Quán này bình thường chuyên bán các loại chè cổ truyền như hạt sen, đỗ đen, đỗ xanh,... được người dân Hà Nội rất yêu thích. Chỉ đến mùa đông, chủ hàng mới nấu thêm bánh trôi tàu, tuy là món phụ song cũng được quan tâm không kém. 

Có lẽ vì món đặc sắc và nổi tiếng nhất ở đây là chè đậu xanh cực thơm, cực chất, nên khi làm bánh trôi tàu nhân đậu xanh, nó cũng dễ dàng chinh phục được mọi người. Chỉ ăn một lần là bạn sẽ cảm nhận được vị thơm thơm, bùi bùi, ngầy ngậy trong từng viên bánh trôi - hương vị rất đặc trưng của đỗ xanh đậm đặc mà hiếm nơi có được.

Bánh trôi tàu bác Phạm Bằng – 30 Hàng Giấy (20.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu Phạm Bằng (Ảnh sưu tầm)

Những thực khách sành ăn ở Hà thành không lạ gì quán bánh trôi tàu của nghệ sĩ Phạm Bằng ở phố Hàng Giầy. Quán nổi tiếng không chỉ bởi vị ngon, ngọt sắc với nhân bánh có rất nhiều dừa xào, vừa thơm vừa ngọt mà người dân vẫn yêu quý con người nghệ sĩ nổi tiếng, rất vui tính và hài hước trước đây.

Hàng bánh trôi ấy giờ không còn bóng dáng bác Bằng nữa, nhưng người con trai bác đã gây dựng lại niềm tự hào của bác Bằng nên giờ người ta có thể ghé qua con phố Hàng Giầy để được nhâm nhi những viên bánh trôi vào mỗi độ đông về.

Có lẽ vì vậy mà quán "bánh trôi tàu ông Bằng Hói" đã trở thành thương hiệu nên cứ khi trời trở lạnh, giới trẻ lại kéo nhau đến quán ngồi thưởng thức những viên bánh trôi nóng hổi. Chỉ ăn một lần, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm thơm, bùi bùi, ngầy ngậy trong từng viên bánh trôi với hương vị rất đặc trưng của đỗ xanh, của vừng đen...

Bánh trôi tàu – Quán Thánh (15.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu Quán Thánh (Ảnh sưu tầm)

Không tiếng tăm lừng lẫy, cũng chẳng có "thương hiệu" cụ thể, chỉ nằm khiêm tốn ở một ngõ nhỏ, vậy mà quán bánh trôi tàu Quán Thánh cũng có thâm niên 18 năm, và những ai đã tìm được ra địa chỉ này thì đều công nhận "bánh trôi ở đây ngon tuyệt!".

Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, ngâm nước rồi đem xay thành bột, qua nhào nặn thành những cục bột mịn màng và mềm dẻo với nhân đậm vị đậu xanh, thơm thơm mùi gừng. Mỗi bát bánh trôi ở đây có giá khoảng 15.000 đồng và quán chỉ bán chủ yếu ban ngày.

Bánh trôi tàu – 250 Bạch Mai (15.000 đồng/bát)

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Bánh trôi tàu Bạch Mai (Ảnh sưu tầm)

Quán cũng là một địa điểm mà bạn nhất định phải thử khi lang thang Hà Nội. Dù không nằm trên các con phố cổ nổi tiếng nhưng đây cũng là địa chỉ bán lâu năm, chủ yếu phục vụ các khách ruột và độ ngon thì không hề thua kém các quán bánh trôi tàu nổi tiếng khác.

Hàng bánh trôi tàu nức tiếng bao năm bởi những viên bánh trôi nhỏ xinh, thơm dẻo. Bánh ở đây nhỏ hơn các hàng khác, nhưng nhân bánh vô cùng hài hòa trọn vẹn. Nước dùng ngọt dịu, cay cay đầy lưu luyến. Dù chẳng ở phố cổ, nhưng bánh trôi tàu Bạch Mai vẫn thành công và luôn giữ cho mình lượng khách trung thành trước đến nay.

Ở Hà Nội, thật không thiếu những quán bánh trôi tàu ngon, nó được bán ở bất cứ đâu, đặc biệt khi thời tiết Hà Nội đã chớm lạnh. Từ những quán ven đường, len lỏi sâu vào tận trong ngõ ngách, ở trong những con phố cổ Hà Nội hay ở trong những nhà hàng sang trọng, món ăn này vẫn giữ nguyên được hương vị ngọt ngào, ấm áp vốn có. Nhưng đối với người Hà Nội sành ăn, muốn ăn bánh trôi tàu họ thích tìm tới những quán lâu đời, dù phải mất công mò tận sâu vào ngõ ngách phố cổ, để người ta thưởng thức được trọn vẹn cái hương vị tinh tế của món ăn. 

Nói tới nguyên liệu làm ra món bánh tinh tế này, thì kì thực lại đơn giản và dễ chuẩn bị vô cùng, chỉ gồm có: gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường. Một bát bánh trôi tàu thường có 2 - 3 viên, viên bánh tròn là nhân đậu xanh, viên bánh dài là nhân vừng đen; một tròn xoe, một bầu dục, chan lên là nước đường thơm nức mùi gừng, cay cay nồng ấm.

Dưới đây là cách chế biến món bánh trôi tàu đúng vị:

Nguyên liệu:

Lạc và vừng đen đã rang chín cho vào cối giã nhuyễn để làm nhân. Đậu xanh đãi sạch rồi ngâm qua đêm cho nở. Hôm sau cho vào nồi luộc chín rồi giã đến khi mịn nhuyễn. Gạo tẻ và gạo nếp bạn mang ra hàng nhờ người ta xay ướt cho nhé, sau đó ủ qua đêm cho ráo nước (nếu như bạn mua bột làm bánh trôi bán sẵn thì bỏ qua bước này nhé). Gừng rửa sạch, đập dập hoặc thái mỏng.

banh-troi-tau-mon-an-am-ap-trong-mua-se-lanh
Cách chế biến bánh trôi tàu (Ảnh minh hoạ)

Cách làm:

Phần nhân bánh

Cho lạc vào chảo rồi rang trên lửa nhỏ tới khi lạc chín, đổ ra để cho nguội rồi xát sạch vỏ. Vừng đen cũng rang cho chín.

Cho vừng đen vào máy xay thật mịn, đổ ra chảo rồi tiếp tục xay lạc cho nhỏ mịn. Cho lạc, vừng, đường vào chảo xào trên lửa nhỏ cho đường tan hết mới cho dầu ăn vào đảo đều, lúc này hỗn hợp sẽ hơi ướt để ta có thể viên lại thành viên tròn là được.

Để cho nhân nguội bớt sau đó đem chia thành từng viên tròn nhỏ đều nhau, chúng ta được phần nhân bánh.

Phần vỏ bánh

Cho bột nếp, bột gạo, muối vào 1 cái tô rồi trộn đều sau đó thêm từng ít nước ấm để trộn bột, vừa trộn vừa cho nước tới khi thấy bột mềm mà không quá ướt hoặc quá khô thì dừng lại, nhồi cho thành 1 khối bột mịn dẻo là được. Bọc kín tô bột để bột nghỉ 20 phút.

Bột sau khi đã nghỉ xong thì ngắt thành từng viên đều nhau, vo tròn rồi ấn dẹt miếng bột sau đó đặt viên nhân bánh vào giữa, gói lại cho kín và để riêng ra đĩa, tiếp tục làm cho hết nguyên liệu.

Bánh sau khi đã gói xong bạn nhúng tay vào nước sau đó chấm vào bát vừng đen rồi ấn ngón tay có vừng vào giữa cái bánh, sao cho bánh được bám 1 chút vừng đen là được.

Đổ nước vào nồi đun sôi sau đó thả bánh cho vào luộc tới khi bánh chín sẽ nổi lên.

Trong khi đó bạn cho nước vào nồi để nấu nước đường, thêm đường vàng, đường nâu và khuấy đều cho tan đường, bật bếp nấu cho nước đường sôi lên. Trong khi đó bạn thái gừng thành sợi nhỏ rồi cho vào nồi nước đường, vớt bánh trôi cho sang nồi nước đường, nấu thêm 5 phút cho bánh ngấm nước đường là tắt bếp.

Múc chè trôi nước ra bát và rắc thêm 1 chút dừa bào sợi lên trên thưởng thức ngay khi còn nóng.

 

Ngắm mùa thu xứ Huế về trên cây lá Rú Chá

Những ngày này, màu vàng rực rỡ của lá cây Chá trong khu rừng mang tên Rú Chá (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm biết bao người mê mẫn với cảnh sắc mùa thu đã về…

 

Tránh xa bụi đời khi lạc vào ngôi chùa nằm trên núi cao

Với vẻ đẹp như “tiên cảnh” huyền ảo, nếu lạc vào ngôi chùa trên đất Thần kinh, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn và quên đi những bụi đời của cuộc sống nhộn nhịp ở ngoài kia…

 

Cận cảnh hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới của Triều Tiên

Dù nền kinh tế Triều Tiên còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống tàu điện ngầm hiện đại của nước này vẫn khiến người ta phải bất ngờ.