Báo chí Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của Mỹ

Thứ sáu, 21/09/2018, 06:20 AM

Rất nhiều khả năng Tân Hoa xã hay CGTN sẽ bị đưa vào danh sách “đại diện nước ngoài” đang hoạt động tại Mỹ.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là trung tâm của mọi sự chú ý. Nhưng nó cũng chỉ phản ánh một khía cạnh – dù rất lớn, trong tư thế đương đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Điều đó cũng không quá khó hiểu khi Mỹ đưa Trung Quốc và Nga vào danh sách những mối đe dọa trong chiến lược quốc phòng 2018.

bao-chi-trung-quoc-tro-thanh-noi-am-anh-cua-my

Mối lo can thiệp bằng truyền thông

Trong tuần này, hai nguồn tin nổi tiếng Wall Street Journal và Bloomberg khẳng định Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu các cơ quan báo chí Trung Quốc như Tân Hoa xã và CGTN phải đăng ký hoạt động dưới tư cách cơ quan công vụ nước ngoài (foreign agent).

Trong khi Tân Hoa xã là hãng thông tấn trung ương Trung Quốc, CGTN chính là bản tiếng Anh của đài truyền hình CCTV. Cả hai đều có văn phòng hoạt động ở Mỹ, nơi số lượng người Trung Quốc, người gốc Trung Quốc và du học sinh đông đảo.

Chính vì vậy, đây là một kiểu động tác có thể ngầm hiểu là liệt các tổ chức này vào danh sách tình báo, nhằm ngăn “tác động tới dư luận Mỹ”. Nói rộng ra, Washington đang tiến thêm một bước nữa trong việc nhận dạng những tổ chức mà họ xem là đang hoạt động “vì lợi ích của thế lực nước ngoài”, trong đó tìm cách gây ảnh hưởng lên dư luận Mỹ, can thiệp vào lợi ích của nước Mỹ.

Trước Trung Quốc, Mỹ cũng đã liệt đài RT (Nga) vào danh sách tương tự, khi tình báo Mỹ cho rằng RT tham gia vào các nỗ lực của chính phủ Nga nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tại Mỹ có Đạo luật Đăng ký đại diện nước ngoài (FARA). Khi FARA chính thức giám sát Tân Hoa xã hay CGTN, đồng nghĩa các cơ quan báo chí này phải minh bạch về ngân sách và chi phí hoạt động, cơ cấu tổ chức của chủ sở hữu kèm một số thông tin khác.

Hôm 19/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay đã tiếp cận được thông tin của Wall Street Journal và Bloomberg, đồng thời đang tiến hành liên hệ với Mỹ để xử lý. Người phát ngôn Cảnh Sảng trong khi đó phản bác việc Mỹ đang cố “chính trị hóa” vai trò của báo chí. “Truyền thông phục vụ như một cầu nối và lối đi quan trọng giúp người dân các nước hiểu rõ và giao tiếp tốt hơn với nhau. Chúng ta nên tạo điều kiện cho công việc bình thường của truyền thông thay vì tạo ra rào cản và chính trị hóa vai trò của họ”, ông Cảnh Sảng nói.

Nỗi ám ảnh thông tin

Không riêng gì Mỹ, Úc cũng là nơi cảm nhận “sức nóng” từ truyền thông Trung Quốc, hoặc phải đối phó với những thông tin thất thiệt tồn tại nơi cộng đồng người gốc Trung và du học sinh Trung Quốc.

Từ lâu nay, Úc thường xuyên cảnh giác với “tác động từ nước ngoài”. Bên cạnh việc ra luật cấm chính trị gia Úc nhận tiền tài trợ từ nước ngoài (mà thực chất là doanh nhân Trung Quốc), yếu tố truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Đây là cái mà đài ABC của Úc vào năm 2014 đã gọi là “quyền lực mềm” mà Trung Quốc đang muốn thúc đẩy trên toàn cầu. Theo đó, nhìn thấy sự áp đảo của báo chí phương Tây, chính phủ Trung Quốc tích cực đầu tư vào báo chí Trung Quốc để cạnh tranh sức ảnh hưởng và bảo vệ hình ảnh.

Họ làm được việc đó thông qua các mối quan hệ cộng sinh, hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài. Chính vì vậy, những gì đưa tin về Trung Quốc sẽ lấy nguồn từ chính báo chí Trung Quốc.

Lấy ví dụ trong vụ biểu tình nổi tiếng của thủ lĩnh sinh viên Hong Kong Hoàng Chi Phong năm 2014, đa phần tin tức có đưa (bằng tiếng Trung) ở New Zealand cũng là hình ảnh biểu tình ở Hong Kong, nhưng rất ít cập nhật về cái gọi là “phong trào thúc đẩy dân chủ”.

Câu chuyện về truyền thông lại vào giữa năm 2018, khi đài ABC có phóng sự nói về tình trạng tin giả tràn lan trên các mạng xã hội Trung Quốc.

Có hơn 100 tài khoản tiếng Trung đang đăng tải tin tức cho người đọc tại Úc, tuy nhiên rất nhiều trong số đó đưa tin... vịt. Đó là các tin tức sai trái một cách tai hại, từ bí mật hạt nhân cho tới những ly cà phê làm chết người, và thậm chí nói các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố tấn công nước Úc.

Điểm đặc biệt là cũng như đa phần người dân toàn cầu, người Trung Quốc hiện nay xem tin tức thông qua mạng xã hội thay vì các cơ quan báo chí truyền thống.

Việc này “được” trợ giúp một phần qua thực tế rằng, nói như ABC, truyền thông Úc chưa có sự quan tâm đủ đối với cộng đồng người gốc Trung Quốc và lượng du học sinh đông đảo nơi đây. Cụ thể là thiếu bản tin tiếng Trung, trong khi ngay cả du học sinh quốc tế người Trung Quốc cũng thích đọc tiếng Trung hơn nguồn tiếng Anh.

Lẽ dĩ nhiên, việc xuất bản tin bằng tiếng Trung càng nhiều cũng lại là con dao hai lưỡi, vì bản thân người Úc không muốn bị “Trung Quốc hóa”. Nhưng để thông tin độc hại bằng tiếng Trung tràn lan như vậy cũng càng đào sâu những mâu thuẫn trong quan hệ Úc – Trung Quốc, vốn dĩ đã nhạy cảm.