Thứ hai, 26/08/2019, 08:44 AM
  • Click để copy

Bao giờ các trường Quốc tế chấm dứt tình trạng gắn mác dởm?

Theo các chuyên gia giáo dục, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý cũng như có quy định chặt chẽ về việc đặt tên để tránh tình trạng các trường gắn mác Quốc tế nâng học phí là đánh lừa học sinh.

Trường Quốc tế Global tự phong lọt top 10 Trường Quốc tế tốt nhất Hà Nội để thu hút học sinh. (Ảnh: Nhất Nam).
Trường Quốc tế Global tự phong lọt top 10 Trường Quốc tế tốt nhất Hà Nội để thu hút học sinh. (Ảnh: Nhất Nam).

Câu chuyện hàng loạt Trường học gắn mác, đặt tên có chữ Quốc tế để thu hút học sinh đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Khảo sát thực tế trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, dù không nằm trong danh sách 11 Trường Quốc tế "xịn" mà Sở GD&ĐT công bố nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều trường có tên Quốc tế tồn tại.

Đây là điều khiến dư luận bức xúc bởi có thể hiểu rằng chữ Quốc tế ở đây không dùng để chỉ chất lượng đào tạo mà chỉ là danh từ riêng cùng với tên Trường. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính vì chữ Quốc tế này mà không ít phụ huynh và học sinh lầm tưởng đây là những ngôi trường có chất lượng dạy và học đạt chuẩn Quốc tế, hoặc được các trường Quốc tế đầu tư.

Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy hàng loạt các ngôi trường gắn mác và có tên Quốc tế nhưng chất lượng đào tạo thế nào thì chưa thể chứng minh.

Minh chứng là phát biểu của ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tại buổi họp báo hôm 7/8, cho biết: "Trên địa bàn không có trường Quốc tế nào mà chỉ có các trường học có yếu tố nước ngoài".

Mặc dù vậy, sau khi danh sách các Trường Quốc tế "xịn" được Sở GD&ĐT công bố thì đến nay nhiều trường trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn ngang nhiên sử dụng "mác Quốc tế" để tiếp tục quảng cáo, tuyển sinh.

Trường Quốc tế Alaska gỡ mác
Trường Quốc tế Alaska gỡ mác "Quốc tế" trên website nhưng Fanpage vẫn để nguyên. (Ảnh: Chụp màn hình).

Cụ thể như trường hợp Trường Quốc tế Alaska (ở phố Thọ Tháp, Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù trên website trường này đã sửa lại là Trường tiểu học Alaska nhưng trên các Fanpgae vẫn giữ nguyên dòng chữ Trường tiểu học Quốc tế Alaska.

Mặc dù vậy, tìm hiểu của PV được biết, Trường này được Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký cho phép thành lập với tên  Trường Quốc tế Alaska là thật. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của Trường này có đạt chuẩn Quốc tế như cái tên của Trường không thì chưa được rõ, song được biết, trường này mới chỉ hoạt động được 1 năm và mới chỉ có 8 lớp học (theo trả lời của đại diện nhà trường).

Hay như trường hợp của Trường Quốc tế Global (khu đô thị mới Yên Hòa). Mặc dù không nằm tronh danh sách 11 Trường Quốc tế "xịn" được công bố nhưng ngang nhiên nhận là 1 trong top 10 Trường Quốc tế lớn nhất Hà Nội.

Từ những chi tiết trên cho thấy, các trường này vẫn tỏ ra hết sức bàn quan trước sự dậy sóng của dư luận. Nói cách khác là các Trường này có dấu hiệu coi thường pháp luật, lừa dối để tuyển sinh. Câu hỏi được dư luận đặt ra là đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Trao đổi về việc các trường không phải Quốc tế lấy danh là Trường Quốc tế, TS. Nguyễn Tùng Lâm (chuyên gia giáo dục) cho rằng: Cơ quan quản lý phải siết chặt các quy định, không thể để các trường tùy tiện đặt tên, gắn mác như hiện nay.

"Anh không thể xây ngôi nhà sau đó sơn lên, cho người vào dạy học là anh gọi là Trường Quốc tế, thích gọi thế nào thì gọi...", TS Lâm bày tỏ.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việc gắn thêm chữ "International" (Quốc tế) đang bị các trường lợi dụng nhằm thu hút, thu lợi từ các bậc phụ huynh "háo danh", muốn con đi học "cái này cái kia"; còn thực chất tính "quốc tế" như thế nào thì không biết.

Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng: Tại Việt Nam xuất hiện tình trạng nhiều người đầu tư vào giáo dục để tính chuyện thu lời, "gần như cái gì cũng có thể trở thành món hàng để trao đổi".

Quyết định cho phép thành lập Trường Quốc tế Alaska do Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký tên.
Quyết định cho phép thành lập Trường Quốc tế Alaska do Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký tên. (Tài liệu do Trường Alaska cung cấp).

"Họ cảm thấy thích thú khi đầu tư về giáo dục, bởi chỉ cần một lần thu hút được khách là có thể hưởng lợi trong thời gian rất dài. Bởi ở trường tiểu học, các cháu sẽ học 4-5 năm, nghĩa là chỉ cần một lần thu hút, trường có thể thu tiền đến 50 tháng hoặc hơn. Ở cấp THPT, thấp nhất cũng là 3 năm.

Bên cạnh đó, việc "cho tiền" được xem là khá dễ dàng trong giáo dục. Bởi khi trường yêu cầu đóng tiền học cho con, rất ít phụ huynh phản đối, kêu ca. Do vậy, họ sẽ dễ thu tiền hơn so với những sản phẩm khác, lĩnh vực khác.

Theo bà Hương, việc kiểm duyệt tên gọi của các trường theo đúng với giấy phép kinh doanh là điều rất quan trọng. Có thể trên trang web, trên Facebook họ đặt các tên khác nhau, nhưng biển ở cổng trường chắc chắn phải đúng tên gọi.

"Tuy nhiên, sau một thời gian rất dài chúng ta không để ý đến việc này và không có những định danh rõ ràng các trường quốc tế, dân lập, công lập; không có những trang web công khai tuyên bố cụ thể trường thuộc loại nào (quốc tế, công lập hay dân lập) nên phụ huynh hiểu nhầm giữa trường nọ và trường kia.

Đây cũng chính là cách "lật lọng" trong kinh doanh giáo dục", Tiến sĩ Hương nhấn mạnh. Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định không có trường Quốc tế tồn tại ở Việt Nam. Ở nước ta chỉ tồn tại trường dân lập, trường công lập và trường tư thục. Trong đó, trường tư thục có thể nhận đầu tư từ nước ngoài.

Chia sẻ với báo chí, TS Lê Thống Nhất (chuyên gia giáo dục) cho rằng: Hiện nay, có nhiều trường tư thục có yếu tố nước ngoài như giáo viên nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải trường Quốc tế.

Song tâm lý của nhiều phụ huynh cứ thấy có chữ Quốc tế trong tên trường, thì tưởng rằng đây là trường Quốc tế.

truong-global-van-ngang-nhien-treo-mac-quoc-te-to-dung-du-nam-ngoai-danh-sach
Trường Global vẫn ngang nhiên treo biển gắn mác Quốc tế hoành tráng mà không bị xử lý. (Ảnh: Nhất Nam).

"Chúng ta cần xác định rõ “quốc tế” ở chỗ nào, đạt chuẩn Quốc tế về chương trình, giáo viên hay cơ sở vật chất. Có các chuẩn của Singapore, của Mỹ hay của Úc? Trong mỗi nhà trường, cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng bản chất của nhà trường vẫn là chương trình học thế nào. Cho dù đào tạo theo chương trình Quốc tế nào, thì vẫn là phải qua thẩm định của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Các nội dung cần thẩm định như chương trình có phù hợp không, giáo viên có đạt chuẩn không”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

 

Ngân hàng Techcombank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Ngân hàng Techcombank vừa ra cảnh báo tới khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đường link quảng cáo trúng thưởng.

 

Giá heo hơi hôm nay 26/8: Giá heo hơi tăng miền Nam

Giá heo hơi hôm nay 26/8, giá heo hơi trên cả nước duy trì đà tăng, trong đó giá heo hơi tăng nhanh nhất là khu vực miền Nam, tăng cao nhất là khu vực là miền Bắc.

 

Giá cả thị trường nông sản hôm nay 26/8: Giá cà phê, giá tiêu tăng tuần này?

Giá cả thị trường nông sản hôm nay 26/8, diễn biến giá cà phê, giá tiêu trong thời gian gần đây khiến nông dân lo lắng khi giá trồi sụt, xu hướng giảm kéo dài.