Báo nước ngoài cảnh báo hệ quả của khủng hoảng ô nhiễm ở Hà Nội

Thứ tư, 23/10/2019, 14:47 PM

Hôm 23/10, hãng tin AFP đã có bài viết cho rằng cuộc khủng hoảng ô nhiễm ở Hà Nội đã cho thấy những rủi ro của sự phát triển và có thể gây ra hệ quả xấu.

Người dân Hà Nội hứng nước sau khi nước máy bị nhiễm bẩn.
Người dân Hà Nội hứng nước do nước máy bị nhiễm bẩn.

Dưới đây là lược dịch bài viết của AFP:

Một vụ rò rỉ thủy ngân lớn, ô nhiễm nguồn nước máy và mức khói bụi "đáng báo động" là một số cuộc khủng hoảng ô nhiễm ở Hà Nội gần đây.

Từ lâu đã trở thành thiên đường của các nhà đầu tư nhờ chính sách khuyến khích kinh doanh và lao động giá rẻ, Việt Nam công nghiệp hóa nhanh chóng đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Nhờ xuất khẩu nhiều hàng hóa giá rẻ, từ giày Nike đến điện thoại Samsung và áo phông H & M, tăng trưởng của Việt Nam ở mức hơn 5% trong suốt hơn một thập kỷ.

Nhưng điều đó dường như đã phải trả giá, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thủ đô náo nhiệt của hơn 8 triệu người và 13 khu công nghiệp. Thành phố này đã bị xáo trộn bởi một loạt các khủng hoảng môi trường.

Đầu tiên là vụ cháy nhà máy bóng đèn vào tháng 8/2019 bị cho là đã làm rò rỉ thủy ngân và gây ra lo ngại về thực phẩm bị nhiễm thủy ngân.

Sau đó, Hà Nội đối mặt với nhiều ngày ô nhiễm không khí ở mức tồi tệ, khiến Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất theo thang đo của công ty AirVisual có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Vài ngày trước, ước tính một triệu người quay cuồng vì cuộc khủng hoảng nước máy bị ô nhiễm sau khi dầu thải bị đổ vào một con sông cung cấp nước cho một số khu vực Hà Nội.

Sản lượng công nghiệp tăng đều đặn trong thập kỷ qua cùng với sự phát riển của các nhà máy điện chạy bằng than. Trong khi đó, lượng khí thải carbon cũng tăng lên.

Tình trạng đó cùng với khí thải xe cộ, đốt cháy nông nghiệp và bụi xây dựng đã làm tồi tệ thêm chất lượng không khí. Không khí Hà Nội thường xuyên bị rơi vào mức "không lành mạnh" theo dữ liệu của AirVisual.

Một số người lo ngại Việt Nam có thể đi theo con đường bị công nghiệp hóa như các thành phố lớn khác của Trung Quốc và Ấn Độ, nơi bầu trời luôn bị bao phủ bởi khói bụi và người dân không thể rời khẩu trang khi ra đường.

Capture
Một góc Hà Nội hôm 2/10/2019.

“Hà Nội không muốn trở thành một Bắc Kinh khác. Chúng tôi không muốn trở thành thiên đường cho mọi người xả chất thải", AFP dẫn lời một người dân sống ở Hà Nội cho hay.

Nhưng Việt Nam có thể đang đi trên con đường đó. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016, Việt Nam có khoảng 60.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Hà Nội ở vị trí thứ 107 trong bảng xếp hạng khả năng sinh sống trong số 140 thành phố theo đánh giá của Cơ quan Tình báo Kinh tế của Anh, đứng sau Bangkok, Manila và Kuala Lumpur.

Ông Pamela Qiu, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Kinh tế của Economist Corporate Network cho rằng, hình ảnh của Hà Nội đang bị ảnh hưởng vì thiếu hành động đối với các vấn đề môi trường.

Kinh doanh cũng có thể bị tác động. Trong một báo cáo được đưa ra tháng này, công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates cảnh báo mức ô nhiễm không khí "đáng báo động" có thể khiến các nhà đầu tư và nhà tuyển dụng tiềm năng e ngại về Hà Nội.

Rủi ro về danh tiếng có thể là một vấn đề đối với chính quyền Hà Nội khi Hà Nội đang mong muốn xây dựng thương hiệu là thủ đô mở cửa cho các nhà lãnh đạo toàn cầu và khách du lịch thế giới.

Nhiều người lo lắng rằng sẽ không thể nhận ra Hà Nội với bầu trời mù mờ, những dòng sông đầy rác và nước máy bị ô nhiễm.