Bão số 10 sắp đổ bộ miền Trung, ngăn dòng tìm kiếm nạn nhân Rào Trăng 3

Thứ ba, 03/11/2020, 06:39 AM

Bão số 10 có tên gọi Goni khi vào gần bờ mạnh cấp 9, giật cấp 11 dự kiến đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Vị trí, đường đi của bão số 10. Ảnh: nchmf.gov.vn.

Vị trí, đường đi của bão số 10. Ảnh: nchmf.gov.vn.

Bão số 10 sắp đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên

Tin mới nhất về cơn bão số 10 có tên gọi bão Goni, sáng 3/11, tâm bão số 10 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.

Dự báo đến 16 giờ chiều nay (3/11), vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Đến 16 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở cách Quảng Nam khoảng 210 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 170 km, cách Phú Yên khoảng 190 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 10 sẽ tác động vào khu vực đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Từ chiều 4 đến 6/11, mưa do hoàn lưu bão số 10 sẽ đi vào Bình Định, Phú Yên, bắc Tây Nguyên với lượng mưa 100-200 mm, Huế - Quảng Ngãi 300-400 mm. Đợt mưa thứ hai từ ngày 5 đến 7/11 sẽ diễn ra từ Nghệ An đến Quảng Trị sau khi bão vào sâu đất liền kết hợp với không khí lạnh tăng cường, lượng mưa 150-300 mm/đợt.

Cảnh báo lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Các sông chính từ Nghệ An đến Huế, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động 1-2, sông nhỏ lên mức báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.

Theo báo cáo của bộ đội biên phòng, cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 50.000 tàu cá hoạt động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh.

Báo cáo lập bản đồ cảnh báo sạt lở

Tại cuộc họp diễn ra chiều 2/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đơn vị báo cáo rõ việc lập bản đồ sạt lở đất đang thực hiện đến đâu, đã làm được những gì.

Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết trong đợt thiên tai vừa rồi sạt lở đất diễn ra rất phức tạp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 10. (Ảnh: PLO).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 10. (Ảnh: PLO).

Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Tuy nhiên, khi mưa lũ xảy ra, sạt lở ở chỗ nào thì điều này khó có thể nói trước. Việc cần làm tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết.

Dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Thành cho biết đây là một quốc gia có công nghệ cao về phòng, chống thiên tai nhưng năm 2017 cũng đã xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng, gây ra thiệt hại rất lớn. Ở Đài Loan, Hàn Quốc, hằng năm cũng xảy ra sạt lở đất.

Ông Thành cho biết thêm hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ nước ta đã làm bản đồ này. Năm 2019-2020, theo kế hoạch, sẽ tiếp tục làm ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bản đồ được làm đến tỉ lệ 1/50.000. Tuy nhiên, bản đồ này cảnh báo nguy cơ trên diện rộng dựa trên địa mạo, địa chất, còn lại tùy thuộc các điều kiện cụ thể tại hiện trường như kích hoạt các công trình, đường sá, các yếu tố dân sinh khác, cộng với lượng mưa rơi xuống nữa mới ra được các điểm sạt lở.

Theo ông Thành, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực cảm thấy rằng có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, tập trung cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ TN&MT đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn.

"Hiện nay chúng ta đã cảnh báo đến huyện rồi, bây giờ sẽ cố gắng cảnh báo đến xã” - ông Thành nhấn mạnh.

Ngăn dòng tìm nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3

Tại buổi họp chiều 2/11 về tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các lực lượng tranh thủ thời tiết thuận lợi, nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại, đảm bảo an toàn cho mọi lực lượng tham gia tìm kiếm; đồng thời có phương án tìm kiếm cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, ông Phan Thiên Định nghị Công ty Thủy điện Rào Trăng 3 phối hợp với lực lượng công an, quân đội tiến hành rà soát lại lòng suối từ Rào Trăng 3 đến Rào Trăng 4 để tìm kiếm dấu vết, làm cơ sở tính toán các phương án tìm kiếm trong giai đoạn tiếp theo.

Lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3.

Lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3.

Trước mắt, các lực lượng cần quyết tâm tranh thủ thời gian tạnh ráo để nỗ lực triển khai các phương án tìm kiếm, sớm tìm thấy các nạn nhân. Thống nhất tập trung thi công nắn dòng, để sau khi bão số 10 đi qua, đảm bảo an toàn thì thực hiện ngăn dòng, tiếp tục tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích ở Rào Trăng 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị các lực lượng cần theo dõi diễn biến mưa, lũ để chủ động công tác ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng cứu nạn, phương tiện, hậu cần tại hiện trường.

Bài liên quan