Bão số 2 đổ bộ: Nghệ An, Thanh Hóa khẩn cấp cấm biển, di dân

Chủ nhật, 02/08/2020, 08:30 AM

Bão số 2 hiện đang tiến gần bờ biển dự kiến đổ bộ vào đất liền trong ít giờ tới, trước diễn biến này các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình đã có chỉ đạo cấm biển, di dời dân.

Các lực lượng chuẩn bị ứng phó bão số 2. (Ảnh: Dân Trí).

Các lực lượng chuẩn bị ứng phó bão số 2. (Ảnh: Dân Trí).

Tại Nghệ An: Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 sắp đổ bộ, từ tối 1/8, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa giông rất lớn.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã trực tiếp đi thị sát và chỉ đạo lực lượng chức năng phòng chống bão. Theo thống kê: Toàn tỉnh Nghệ An có 3.488 phương tiện/17.440 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển.

Tính đến 7h30 ngày 1/8, có 471 phương tiện/2.373 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 98 phương tiện/653 lao động neo đậu ở ngoại tỉnh; 30 phương tiện/270 lao động ở vùng đánh cá chung và 2.889 phương tiện/14.144 lao động đang neo đậu tại bến.

Trong công điện mới nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Nghệ An và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả tàu vận tải và tàu du lịch), hướng dẫn di chuyển và thoát ra không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh, trú an toàn.

Nhiều tàu thuyền ở Nghệ An đã kịp vào bờ trú bão số 2. (Ảnh: Dân Trí).

Nhiều tàu thuyền ở Nghệ An đã kịp vào bờ trú bão số 2. (Ảnh: Dân Trí).

Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Các sở ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão; chủ động chỉ đạo ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tại Thanh Hóa: Trong công diện chỉ đạo ứng phó với bão số 2, Chủ tịch tỉnh yêu cầu: Tổ chức cấm biển từ 19h tối 1/8 cho đến khi bão suy yếu và tan dần.

Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển.

Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; trong đó cần lưu ý công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực sơ tán. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh...

Tại Thái Bình: Là địa phương được dự báo bão số 2 sẽ đổ bộ, Thái Bình yêu cầu cấm biển từ chiều 1/8.

Thống kê chiều qua cũng cho thấy, hơn 420 tàu thuyền với hơn 1130 lao động đã cập cảng Cửa Lân và các cảng ngoài tỉnh. Lực lượng biên phòng và ngành chức năng địa phương cũng được yêu cầu kiểm tra, rà soát, kêu gọi chủ nuôi trồng thủy sản vào bờ bảo đảm an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đi kiểm tra các công trình thủy lợi trước bão số 2. (Ảnh: Báo Thái Bình).

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đi kiểm tra các công trình thủy lợi trước bão số 2. (Ảnh: Báo Thái Bình).

Bài liên quan