Báo Trung Quốc: Tàu sân bay mới sẽ đối đầu với các quốc gia khác ở Biển Đông

Thứ tư, 18/12/2019, 15:58 PM

Sơn Đông, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo và là tàu sân bay thứ hai của nước này sẽ tập trung vào các nhiệm vụ ở Biển Đông và chạm trán trực tiếp với các tàu nước ngoài, truyền thông Trung Quốc cho biết hôm 18/12.

bao-trung-quoc-tau-san-bay-moi-se-doi-dau-voi-cac-quoc-gia-khac-o-bien-dong
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc sẽ đóng ở cực Nam Trung Quốc.

Theo tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, tàu sân bay Sơn Đông sẽ được sử dụng cho chiến đấu, chủ yếu để giành quyền kiểm soát các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thay vì chỉ tập trung vào các nhiệm vụ huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên.

“Trọng tâm chiến lược chính của Sơn Đông sẽ tập trung vào các vùng biển ở Biển Đông. Gần đây, các tàu quân sự và máy bay từ một số quốc gia đã thực hiện cái gọi là tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, khuấy động những rắc rối và thách thức chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”, People’s Daily khẳng định dù những tuyên bố chủ quyền cũng như nhiều hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi lý, trái với luật pháp quốc tế.

“Nhóm tàu tấn công do Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai đến Biển Đông. Rất có khả năng nó sẽ có những cuộc chạm trán trực diện với các tàu quân sự nước ngoài”, tờ này cho biết thêm.

Bài bình luận không nêu tên quốc gia nào, nhưng Mỹ đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông thách thức việc Trung Quốc hạn chế sự di chuyển ở vùng biển này. Washington cũng lên án việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Lễ biên chế tàu sân bay Sơn Đông:

Bắc Kinh chính thức biên chế tàu sân bay Sơn Đông tại Tam Á, một cảng ở Hải Nam, tỉnh cực Nam Trung Quốc hôm 17/12. Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp cùng nhiều quan chức từ Bộ Tư lệnh Phương Nam, nơi giám sát các hoạt động ở Biển Đông.

Đưa tin về lễ biên chế, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc mô tả đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của đất nước.

Tháng trước, Sơn Đông đã đi qua eo biển Đài Loan để thực hiện các thử nghiệm khoa học, đào tạo thường xuyên và hướng ra Biển Đông.

“Sơn Đông sẽ có mục đích đạt được sự thống trị cả trên không và trên biển”, People’s Daily nhấn mạnh và thêm rằng Sơn Đông có thể mang theo 36 máy bay chiến đấu J-15. Hiện có rất ít thông tin về Sơn Đông này và nó được xếp vào bí mật quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết thiết kế của tàu sân bay Sơn Đông dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh, được mua lại từ Ukraine vào năm 1998.

Theo People’s Daily, hai tàu sân bay sẽ bổ sung cho nhau dù tàu Liêu Ninh đóng ở Thanh Đảo, miền Đông Trung Quốc, và Sơn Đông ở cực Nam. Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của một nhóm tàu tấn công do hai tàu sân bay này đứng đầu.

“Một tàu sân bay sẽ cung cấp các hoạt động phòng thủ và phụ trợ cho máy bay, trong khi các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay khác sẽ được tự do thực hiện các nhiệm vụ tấn công”, bài bình luận cho hay.

Theo chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong, Biển Đông cũng là nơi tốt nhất để đào tạo và kiểm tra khả năng chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc.

“Tàu Sơn Đông có thể đã đạt được mức khả năng hoạt động ban đầu nhất định thông qua nhiều thử nghiệm trên biển trước đây, nhưng chỉ vùng biển có gió, sức nóng và mênh mông như Biển Đông mới có thể kiểm tra tiêu chuẩn chiến đấu thực sự của nó, và liệu nó có thể chiến đấu hiệu quả với các khu trục hạm và các tàu chiến khác hay không”, ông nhận định.

Ông Tập Cận Bình đang giám sát một kế hoạch sâu rộng để hiện đại hóa lực lượng vũ trang bằng cách phát triển mọi thứ, từ máy bay tàng hình đến tên lửa chống vệ tinh, khi Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn các chuyên gia nhận định Trung Quốc cần ít nhất 6 tàu sân bay.

Các chuyên gia cho rằng việc phát triển một lực lượng như vậy sẽ là một nhiệm vụ kéo dài hàng thập kỷ đối với Trung Quốc, nhưng tàu sân bay tự đóng tăng khả năng cho quân đội nước này trong khu vực.

Dù vậy, các tàu sân bay Trung Quốc được đánh giá là còn nhiều hạn chế so với các tàu sân bay Mỹ. Ví dụ, cả hai tàu sân bay của Trung Quốc đều có đà trượt (ski jump) do Liên Xô thiết kế, có nhiệm vụ cung cấp đủ lực nâng cánh cho máy bay chiến đấu. Họ thiếu công nghệ phóng máy bay mạnh mẽ như ở các tàu sân bay Mỹ.

 

Trung Quốc biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Trung Quốc đã đưa tàu sân bay nội địa đầu tiên vào hoạt động hôm 17/12 tại một căn cứ quan trọng trên bờ Biển Đông - một bước tiến lớn trong hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của nước này, Reuters đưa tin.

 

Chi 738 tỷ USD năm 2020, Mỹ tiếp tục dẫn đầu danh sách 'đốt tiền' cho quốc phòng

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 738 tỷ USD cho năm tài khóa 2020. Văn bản này sẽ được Tổng thống Mỹ ký thành luật.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/bao-trung-quoc-tau-san-bay-moi-se-doi-dau-voi-cac-quoc-gia-khac-o-bien-dong-146294.html