Bất chấp dịch nCoV, cư dân 8B Lê Trực đội mưa căng băng rôn đòi nhà

Chủ nhật, 09/02/2020, 07:20 AM

Dù thời tiết mưa lạnh nhưng nhiều khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực vẫn tập trung tại dự án, căng băng rôn đòi quyền lợi.

8B Le Truc_jpg 2

Chiều ngày 8/2 nhiều khách hàng mua căn hộ tại công trình 8B Lê Trực, (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) vẫn tập trung căng băng rôn với các dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân - Mua nhà đã 5 năm nhưng chúng tôi chưa được về ở”; “Kính đề nghị Chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho chúng tôi 8B Lê Trực” ngay cổng vào công trình.

Một số người mua nhà tại 8B Lê Trực cho biết, đây không phải lần đầu tiên khách hàng căng băng rôn đòi nhà. Lần tập trung này xuất phát từ thông tin cơ quan chức năng đưa cẩu tháp vào công trình để thực hiện cưỡng chế giai đoạn 2, phá dỡ tầng 17, 18 của công trình nhưng chưa có phương án cưỡng chế phá dỡ được phê duyệt.

Nhiều người lo ngại, việc phá dỡ khi chưa có phương án rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu cũng như không đảm bảo cho công trình sau cưỡng chế đưa vào sử dụng. Để đảm bảo quyền lợi, nhiều chủ căn hộ ở đây mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng.

Hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn tại cổng dự án này

Hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn tại cổng dự án này

Trao đổi với trên Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết: “Chiều nay thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Thành phố và Quận, UBND phường đã chuẩn bị công tác xử lý giai đoạn 2 của dự án 8B Lê Trực chúng tôi chưa cưỡng chế gì cả mà chỉ chuẩn bị cho công tác cưỡng chế. Nếu cưỡng chế thì phải chờ kế hoạch cưỡng chế của cấp có thẩm quyền”.

Được biết ngày 24/10/2019, Công ty CP May Lê Trực nhận được thông báo của UBND quận Ba Đình áp dụng biện pháp cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 đối với công trình 8B Lê Trực. Theo đó, việc cưỡng chế phá dỡ sẽ thực hiện từ ngày 23/12/2019 đến khi hoàn thành. Ngày 5/2/2020 UBND Quận Ba Đình đã ban hành văn bản 144/UBND-VP tạm ngừng cấp điện công trình 8B Lê Trực.

Trước đó ngày 12/10/2015, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định số 2673/QĐ-UBND, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng công trình và yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công công trình, xây dựng phê duyệt phương án tự phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.

Ngày 9/1/2016, UBBD quận Ba Đình ra Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 9/02/2016 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trật tự xây dựng công trình tại số 8B phố Lê Trực; giao UBND phường Điện Biên tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm.

Ngày 4/3/2016, UBND phường Điện Biên ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát về việc phá dỡ tầng 19 kể từ ngày 4/3/2016 đến 29/4/2016.

Sau khi có quyết định cưỡng chế, UBND quận Ba Đình và UBND phường Điên Biên đưa bảo vệ đến túc trực tại Công trình 8B Lê trực, người dân và doanh nghiệp đều không được ra vào công trình.

Như vậy, việc phá dỡ công trình vi phạm được hiện bởi Quận Ba Đình và phường Điện Biên Phủ. Chủ đầu tư thực hiện thanh toán chi phí phá dỡ theo phê duyệt của Sở Xây dựng.

Văn bản số 1728/SXD-GĐCL ngày 10/3/2017 của Sở Xây dựng cho biết, Công ty Cổ phần tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng VICET (đơn vị tư vấn thẩm tra dự toán) đã kết luận: “Giá trị dự toán chi phí phá dỡ phần đủ cơ sở là 1.847.269.000 đồng”.

Trên cơ sở này, ngày 31/10/2018, công ty cổ phần May Lê Trực đã chuyển số tiền trên cho UBND quận Ba Đình.

Tiếp đó, ngày 19/4/2019, Công ty CP May Lê Trực tiếp tục nộp số tiền 5,2 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng BIDV, Sở Giao dịch I, thời hạn phong toả 90 ngày kể từ ngày 19/4/2019 đến ngày 18/7/2019 để phục vụ việc thanh toán chi phí phá dỡ.

Tuy nhiên, theo đại diện công ty CP May Lê Trực, đến nay các đơn vị chức năng vẫn chưa có hồ sơ thanh toán. Cụ thể, do chưa có hồ sơ thiết kế phá dỡ và dự toán chi phí phá dỡ theo quy định tại Luật Xây dựng nên chưa có cơ sở để thanh toán.

Cũng liên quan đến việc chậm trễ phá dỡ dự này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay phương án phá dỡ tầng 17-18 đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định và kết luận không an toàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của TP trưng cầu giám định phương án này, từ đó mới có các bước xử lý dứt điểm.

Hiện UBND Thành phố có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hướng dẫn lập phương án.

Như vậy, có thể thấy, việc phá dỡ dự án 8B Lê Trực đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, không có tiến triển do chưa tìm được phương án phá dỡ an toàn.

Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình - cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội khoảng 300m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch chừng 500m, tính theo đường chim bay. Khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý sai phạm tại thông báo Kết luận số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19. Tuy nhiên, sau đó các sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, khiến lần lượt Thủ tướng phải có chỉ đạo tại các văn bản ngày 31/3/2016; ngày 28/6/2016; 13/7/2016 và ngày 15/10/2018. Đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lần thứ 6 về việc xử lý sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực.

Bài liên quan