Bất động sản trong tuần: Nóng vụ Cocobay Đà Nẵng

Chủ nhật, 01/12/2019, 06:36 AM

Hàng loạt thông tin đáng chú ý thị trường bất động sản tuần qua, trong đó vụ Cocobay Đà nẵng; Không được cấp sổ đỏ, người mua có thể kiện chủ đầu tư... là thông tin đáng chú ý.

bat-dong-san-trong-tuan-nong-vu-cocobay-da-nang
Thị trường bất động sản tuần qua nóng với vụ Cocobay Đà nẵng.

Cái kết "đắng" cho Condotel Đà Nẵng?

Chủ đầu tư dự án Cocobay vừa thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết do gặp khó khăn về tài chính. Đấy là thông tin khá chấn động với khách hàng.

Theo tìm hiểu không chỉ Cocobay Đà Nẵng, mà ông thức chung cho những lời chào mời đầu tư condotel là: Công ty bất động sản mời bạn mua ngôi nhà 10 tỷ bạn chỉ cần trả 3 tỷ. Họ sẽ thu xếp với ngân hàng cho bạn vay 7 tỷ mà không cần quan tâm lãi phải trả cho ngân hàng vì bạn được hưởng ân hạn trong 1 năm đến 18 tháng. Công ty này cam kết sẽ thuê lại ngôi nhà đó để kinh doanh và trả tiền cho bạn đủ để bạn trả lãi ngân hàng đồng thời có thêm một khoản lợi nhuận bỏ túi. Một món đầu tư quá hời đã khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp “mờ mắt” đưa tiền cho chủ đầu tư xây dựng và khai thác dự án.

Về bản chất, khách hàng đã làm thay phần việc của chủ đầu tư là vay vốn ngân hàng. Lẽ ra công ty bất động sản phải đứng ra vay tiền và trả lãi ngân hàng nhưng việc này hoàn toàn do khách hàng gánh. Mật ngọt mà họ rót vào tai khách hàng là "được hưởng ân hạn không phải lãi trong vòng 1 năm hay 18 tháng đầu". Thế nhưng, bản chất ở đây là các công ty bất động sản chỉ trả lãi phần vốn mà họ sử dụng còn nợ ngân hàng thì do khách hàng đứng tên.

Khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động khai thác, nếu có sổ hồng thì ngân hàng cầm, còn nhà thì theo thỏa thuận là sẽ do công ty bất động sản sử dụng kinh doanh (theo quảng cáo là bạn không cần phải lo việc quản lý, sử dụng, chỉ việc thu lời và được đến đây nghỉ bất cứ khi nào bạn muốn).

Trường hợp công ty bất động sản kinh doanh thua lỗ, bạn tiếp tục là người phải gánh lãi vay ngân hàng, tài sản của bạn có thể bị ngân hàng siết nợ bất kỳ lúc nào. Thực tế thì đến lúc này, ngân hàng mới là chủ thực của ngôi nhà đó.

Với loại hình đầu tư condotel, về nguyên tắc, chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp phải cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh.Thế nhưng, thực tế hiện nay, vướng mắc pháp lý về quản lý, sử dụng, kinh doanh… condotel vẫn chưa được tháo gỡ nên việc đầu tư vào thị trường này thực sự rất mạo hiểm. 

Sau vụ Cocobay Đà nẵng, thị trường đang dấy lên mối lo ngại về phân khúc condotel vốn đang khá trầm lắng. Thị trường condotel nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung có bị ảnh hưởng tiêu cực? Liệu Cocobay Đà Nẵng có kích hoạt làn sóng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận từ Condotel? 

Không được cấp sổ đỏ, người mua có thể kiện chủ đầu tư

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thường gọi là sổ đỏ tại các dự án phát triển nhà ở” ngày 26/11.

Tại buổi giao lưu, trước thắc mắc của nhiều độc giả về việc mua căn hộ chung cư đã về ở nhiều năm và trả tiền cho chủ đầu tư từ 95-100% nhưng không được cấp sổ đỏ, ông Hà Quang Hưng, cho biết tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Việc thanh toán trong mua bán thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà cho khàng hàng, và tối đa không quá 95% giá trị hợp đồng cho đến khi chưa bàn giao sổ đỏ cho người mua.

bat-dong-san-trong-tuan-nong-vu-cocobay-da-nang

Tại Khoản 2 Điều 22 và Khoản 2 Điều 23 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng đã quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm giao sổ đỏ cho người mua theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Tại Khoản 4 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng đã quy định: bên mua nhà có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện các cam kết trong hợp đồng (trong đó có việc chậm bàn giao sổ đỏ).

Như vậy, pháp luật đã có quy định trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà (quy định khống chế số tiền tối đa được thu của chủ đầu tư) cũng như quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại (nếu có) trong việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng (trong đó có trách nhiệm làm thủ tục và bàn giao sổ đỏ cho người dân).

Ngân hàng cảnh báo thế chấp vay bằng sổ đỏ

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được phản ánh của một số tổ chức tín dụng về các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.

Trong đó, bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay vì có vi phạm quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lý do khác.

Việc hủy/thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại các tổ chức tín dụng đã ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Do vậy, để bảo đảm an toàn đang hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, hạn chế rủi ro khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy, thu hồi, trong văn bản 8698 gửi các tổ chức tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các quy định pháp luật về đất đai có liên quan để đánh giá đầy đủ rủi ro khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất để kịp thời bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng cho khách hàng.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước: Các tổ chức tín dụng cần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa rủi ro khi nhận thế chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, như bổ sung các thỏa thuận/cam kết của khách hàng về biện pháp bảo đảm thay thế trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy/ thu hồi, trách nhiệm/nghĩa vụ của khách hàng thông báo cho tổ chức tín dụng khi phát sinh tình huống này hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết khác.

Bất động sản thu hút 3,31 tỷ USD vốn FDI

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,…

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019 số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Giải ngân FDI 11 tháng qua ước đạt 17,69 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/bat-dong-san-trong-tuan-nong-vu-cocobay-da-nang-143465.html