Thứ sáu, 24/08/2018, 22:11 PM
  • Click để copy

Bị cáo hành hung bác sĩ sản nhi Yên Bái được giảm tội vì từng điều trị tại hai Bệnh viện Tâm thần

Bị cáo hành hung các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là từng điều trị bệnh tâm thần nội trú tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái và Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

bat-ngo-bi-cao-hanh-hung-bac-si-san-nhi-yen-bai-duoc-giam-toi-vi-tung-dieu-tri-tai-benh-vien-tam-than-trung-uong-i
Bị cáo Lê Hồng Nam, người đã hành hung bác sĩ sản phụ khoa của Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái.

Hôm qua (24/8), TAND TP Yên Bái mở phiên sơ thẩm xét xử Lê Hồng Nam (SN 1985, trú ở phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) về tội Cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Lê Hồng Nam là người đã hành hung bác sĩ sản phụ khoa của Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái diễn ra hôm 20/2/2018 (tức ngày mùng 5 Tết Âm lịch), gây xôn xao dư luận.

Theo cáo trạng, khoảng 11h ngày 20/2, Lê Hồng Nam đưa vợ là Quách Thị Phương Th. mang thai tuần thứ 40 vào Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái để sinh nở. Trong quá trình vợ sinh, Nam trèo lên cửa sổ phòng mổ để quay phim, chụp ảnh. Khi bị nữ hộ sinh nhắc nhở, Nam phản ứng gay gắt, chửi bới và dọa đánh.

Tại cửa phòng mổ, Nam dùng đèn pin hành hung, đánh vào đầu hai bác sĩ là Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung vừa thực hiện ca mổ cho vợ anh ta. Hậu quả khiến bác sĩ Trung bị thương, bác sĩ Ninh phải nhập viện. Giám định thương tật sau đó, bác sĩ Ninh bị tổn hại 28% sức khoẻ còn bác sĩ Trung bị tổn hại 5% sức khoẻ.

Không dừng lại ở đó, hai người bạn của Nam gồm Phạm Tiến Đạt và Nguyễn Xuân Quảng cũng tấn công hai bảo vệ đến can thiệp.

Cáo trạng nêu, Nam thành khẩn khai báo trong quá trình khai báo và đã tự nguyện khắc phục hậu quả nên đây được coi là những tình tiết giảm nhẹ.

Đáng chú ý, một tình tiết khác cũng được đề cập trong cáo trạng là việc Nam khai: Từ cuối tháng 12/2016 đến năm 2017, Nam có khám và điều trị tâm thần nội trú tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái và Bệnh viện tâm thần Trung ương I.

Ngày 26/3, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Nam có đơn đề nghị giám định pháp y tâm thần.  Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc sau đó kết luận, Nam bị bệnh tâm thần, rối loạn nhân cách, cảm xác không ổn định.

Cáo trạng nêu: "Tại thời điểm gây án ngày 20/2, Nam bị bệnh tâm thần “rối loạn nhân cách, cảm xúc khôgn ổn định và hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Đây được xét là tình tiết giảm nhẹ. Cuối cùng với hành vi gây ra Nam bị TAND TP Yên Bái tuyên phạt 9 tháng tù giam.

Liên quan đến bệnh án tâm thần, vừa qua Công an TP Hà Nội đã điều tra và phát hiện một đường dây "chạy" bệnh án tâm thần đối tượng hình sự có liên quan đến Bệnh viện Tâm thần Trung Ương I.

Có trường hợp đối tượng chỉ mất số tiền 85 triệu đồng đã có bệnh án tâm thần nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan Công an. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của Bệnh viện này là: Bác sĩ Thân Thái Phong - Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn – kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.

Công an TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện để xem có bệnh án giả mạo hay không.

Ngày 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật.

Theo Thứ trưởng Tiến, công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào.

Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. 

Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

 

Vụ ‘chạy’ bệnh án tâm thần cho tội phạm: Quy trình chặt chẽ nhưng con người làm sai?

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, quy trình khám chữa bệnh tâm thần rất chặt chẽ, tuy nhiên chung quy lại là do con người có ý đồ xấu.

 

Bệnh án tâm thần vì sao là ‘bùa hộ mệnh’ với tội phạm?

Theo luật sư, có thể nói bệnh án tâm thần được coi là “bùa hộ mệnh” hay “kim bài miễn tử” đối với tội phạm. Khi có bệnh án tâm thần, tội phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, thoát án tử hình hay không bị chấp hành hình phạt tù.