Bất ngờ tạm dừng phiên tòa xét xử 10 cán bộ Navibank

Thứ tư, 07/03/2018, 16:22 PM

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Navibank. HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao bổ sung thêm nhiều tài liệu chứng cứ và sẽ tiếp tục phiên tòa vào ngày 12/3.

bat-ngo-tam-dung-phien-toa-xet-xu-10-can-bo-navibank
Phiên tòa bất ngờ tạm dừng tới ngày 12/3.

Ngày 7/3, phiên xử ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục phần xét hỏi.

Sau khi các luật sư kết thúc phần xét hỏi, HĐXX bất ngờ vào hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao bổ sung bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 1 và yêu cầu bổ sung bản sao kê tài khoản liên quan đến 200 tỉ đồng trong vụ án này. Để Viện KSND Tối cao có thời gian chuẩn bị hồ sơ, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa tới ngày 12/3.

Trong các ngày 5, 6 và 7/3, các luật sư tiếp tục thẩm vấn 10 bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự.

Theo đó, 27/32 luật sư đã tập trung xét hỏi 4 vấn đề: Các bị cáo kêu oan, cho rằng không vi phạm quy định cho vay vì Quyết định 34/2010 của Navibank là quyết định nội bộ, không vi phạm Thông tư 02/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần; 200 tỉ đồng tiền gửi của Navibank tại VietinBank chỉ mới ở tài khoản thanh toán hay đã chuyển qua tài khoản tiền gửi có kỳ hạn; hợp đồng tiền gửi của các nhân viên Navibank gửi tiền tại VietinBank là giả; các nhân viên Navibank thực tế không có nhu cầu vay tiền, họ vay tiền tại Navibank nhằm giúp Navibank gửi tiền vào VietinBank để nhận lãi suất cao.

Vì các luật sư lặp lại các câu hỏi khá nhiều nên cuối giờ sáng hôm qua, chủ tọa nhắc các luật sư không xét hỏi xung quanh 4 nội dung trên, tránh kéo dài việc xét hỏi không cần thiết.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, trả lời câu hỏi của luật sư: Có bị cáo nào bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra hay không, đa số bị cáo nói sau khi có lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các bị cáo bị mời lên làm việc liên tục trong 3 ngày.

Tại đây, các bị cáo không bị bức cung, nhục hình nhưng bị trấn áp tinh thần, bị dẫn dụ lời khai dẫn đến có nhiều lời khai không chính xác. Bị cáo Nguyễn Giang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Navibank, khai được điều tra viên đưa tờ giấy ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu khai đúng nội dung tờ giấy, khai sai thì sẽ thêm tội khai báo gian dối.

Trả lời câu hỏi về việc Navibank có thiệt hại 200 tỉ đồng không, bị cáo Đoàn Đăng Luật khai rằng tổng số tiền Navibank giao dịch ở Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM là khoảng 2.000 tỉ.

Trong đó, số tiền 1.500 tỉ gửi tại Vietinbank chi nhánh TPHCM đã tất toán, sau đó Navibank tiếp tục gửi mới 500 tỉ đồng, trong đó Vietinbank đã tất toán 300 tỉ đồng, còn số tiền 200 tỉ đồng vẫn còn đang nằm ở Vietinbank vì số tiền này chưa tất toán.

Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện Navibank cho rằng số tiền 200 tỉ đồng trong vụ án không phải là thiệt hại, không bị mất vì Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi vào Vietinbank, với tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank.

Phía Navibank đã chuyển tiền, tiền đã vào tài khoản của các nhân viên của ngân hàng này tại Vietinbank, đồng thời Vietinbank đã tất toán toàn bộ khoản vay thể hiện trên hồ sơ.

Tuy nhiên, đại diện Navibank cũng khai rằng khi Navibank giải ngân cho các nhân viên vay không yêu cầu phong tỏa tài khoản tiền gửi để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng.

Ngoài ra phía Navibank cho rằng trước đó, bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên Huyền Như phải bồi thường 200 tỉ này cho Navibank, phía Navibank đã làm đơn yêu cầu xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm, tuy nhiên đến nay chưa nhận được trả lời.

Hầu hết các luật sư tham gia phần xét hỏi đều dành nhiều thời gian để hỏi đại diện ngân hàng Vietinbank.

Phía Vietibank khai rằng số tiền 200 tỉ đồng 4 nhân viên Navibank gửi vào Vietinbank là tiền trên tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiết kiệm.

Tiền đã vào tài khoản thanh toán của các nhân viên Navibank mở tại Vietinbank. Thực chất Navibank muốn gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao mà không muốn thông qua thị trường liên ngân hàng.

Và khi làm thủ tục này, các nhân viên đã mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, làm 47 hợp đồng giả. Lúc HĐTD của Navibank phê duyệt cho các nhân viên ngân hàng này vay, tài sản tiền gửi tại Vietinbank chưa hình thành.

Phía Vietinbank cũng cho rằng các giao dịch này chưa đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo vì hai bên chưa thực hiện các bước như phong tỏa tài khoản, xác nhận số dư...

Theo đại diện Vietinbank, 14 nhân viên Navibank đã ký 14 hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank. Khi tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Khi đến hạn tất toán hợp đồng, Huyền Như đã lấy tiền ở những nơi khác để tất toán hợp đồng, sau đó Navibank lại cho nhân viên gửi tiền theo hợp đồng mới.

Phía Navibank cho rằng Vietinbank tất toán các hợp đồng này nhưng thực chất đây là tiền Huyền Như trả. Vietinbank không hề trả cho Navibank 1 đồng tiền lãi nào.

Thực tế, Vietinbank không có nhu cầu huy động vốn của các nhân viên Navibank và Navibank.

 

Navibank kiên quyết đòi Vietinbank trả 200 tỷ bị Huyền Như chiếm đoạt

Đại diện của Navibank cho rằng ngân hàng này đã cho các nhân viên vay và đảm bảo bằng tài khoản tiền gửi tại Vietinbank đúng quy định nên kiên quyết yêu cầu Vietinbank bồi thường 200 tỷ đồng.

 

Xét xử 10 lãnh đạo Navibank: Luật sư đề nghị không cho báo chí tác nghiệp

Luật sư của các bị cáo đề nghị không cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh nhưng bị tòa bác yêu cầu.

 

Sếp Navibank kêu oan trước cáo buộc để Huyền Như lừa 200 tỷ

Lãnh đạo Navibank và cấp dưới phản đối quy kết cố ý làm trái, cho nhân viên mang tiền gửi ngân hàng khác để Huyền Như chiếm đoạt.