Thứ sáu, 22/11/2019, 19:03 PM
  • Click để copy

Sự thật bất ngờ về công nghệ châu Âu trong Nhà máy nước mặt Sông Đuống của Shark Liên

Nhà máy nước mặt Sông Đuống luôn được khẳng định là sử dụng công nghệ châu Âu cho ra nước sạch có chất lượng, thế nhưng đối tác châu Âu ấy lại chính là doanh nghiệp do ông Lê Toàn (chồng Shark Liên) làm chủ.

Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty cổ phần nước AquaOne (Việt Nam) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước của Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) với giá trị 100 triệu USD tối 25/3/2019. (Nguồn: cpv.org.vn)
Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty cổ phần nước AquaOne (Việt Nam) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước của Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) với giá trị 100 triệu USD tối 25/3/2019. (Nguồn: cpv.org.vn)

Lộ diện công nghệ châu Âu trong Nhà máy nước mặt Sông Đuống của Shark Liên

Câu chuyện về Nhà máy nước mặt Sông Đuống của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống có giá cao gấp đôi nước Sông Đà đang được dư luận hết sức quan tâm.

Bên cạnh những lùm xùm về việc chưa nghiệm thu đã đưa vào khai thác, sử dụng đường ống của nhà thầu Trung Quốc từng bị "tuýt còi" ở dự án nước Sông Đà hay những chia sẻ, phát ngôn của nữ doanh nhân cũng gây bức xúc.

Mới nhất dư luận lại tiếp tục xôn xao bàn tán đến câu chuyện đối tác châu Âu của Nhà máy nước mặt Sông Đuống chính là doanh nghiệp do chồng của Shark Liên làm Chủ tịch HĐQT. Nhiều tờ người cũng vì thế ví đây là "hợp đồng gia đình" hay "thương vụ làm ăn nghìn tỷ khép kín của vợ chồng Shark Liên".

Còn nhớ trong các phát biểu trả lời dư luận, lãnh đạo TP Hà Nội và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư luôn khẳng định về chất lượng nước, công nghệ châu Âu trong Nhà máy nước mặt Sông Đuống... cho thắc mắc vì sao nước Sông Đà được tính giá cao gấp đôi mặt bằng dù mới chỉ là giá tính tạm.

Thậm chí còn giải thích rằng sở dĩ giá nước Sông Đuống đắt đỏ vì giá đầu tư lớn lên đến 5.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn đi vay ngân hàng đã đạt con số gần 4.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. Cụ thể đó là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Qua trả lời của vị Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho thấy, người dân phải gánh cả chi phí lãi vay vào khoảng 20% (2.003 đồng) cho mỗi mét khối nước sạch Sông Đuống. Bởi để xây dựng nhà máy, công ty này đi vay tới 80% (gần 4.000 tỷ đồng) trong tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí  lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, ông Hà nói thêm.

Còn trả lời trên tờ Tuổi Trẻ TP HCM, Shark Liên nói: "Dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch.

Tôi cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai... Câu hỏi đặt ra là chúng ta quan tâm đến chất lượng hay về giá, một chai nước suối nhỏ cũng đã 5.000-6.000 đồng rồi, đây cả mét khối nước chất lượng hơn nước đóng chai, giá hơn 10.000 đồng. Thực tế hiện nay chúng tôi đang bán buôn, đâu bán trực tiếp cho người dân. Chúng tôi bán 10.000 đồng cho công ty nước thì công ty nước bán lại cho dân, bán bao nhiêu đó là chuyện của đơn vị bán lẻ".

Vợ chồng Shark Liên bắt tay nhau

Theo báo chí đưa tin: Tối 25/3, tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa liên bang Đức Peter Altmaier và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty cổ phần nước AquaOne (Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước của Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) với giá trị 100 triệu USD. Dự án liên danh giữa AquaOne và Aone Deutschland AG là biểu tượng của tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức.

Thông tin bất ngờ là Tập đoàn Aone Deutschland AG là doanh nghiệp đến từ Đức, Chủ tịch của Tập đoàn này là ông Lê Toàn, cũng là chồng của bà Đỗ Thị Kim Liên.

Ông Lê Toàn trước đây từng có thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu & Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VUNGTAU SHIPYARD).

Như vậy, Aone Deutschland AG vừa là nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vừa cung cấp thiết bị, lắp đặt và cuối cùng là tối ưu hóa và vận hành nhà máy này của AquaOne. Đồng nghĩa với việc đối tác về công nghệ nước sạch của Shark Liên cũng chính là người thân của bà.

Theo Báo Dân Việt, Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng không chỉ liên kết với Aqua One của Shark Liên để triển khai dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống. Quan hệ giữa hai doanh nghiệp của vợ chồng Shark Liên - ông Lê Toàn là lâu dài, bền chặt và đang phát huy hiệu quả, với tiềm năng có thể thâu tóm thị trường nước sạch và xử lý chất thải của Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác của Việt Nam.

Việc Shark Liên đã ký hợp đồng thuê chính doanh nghiệp của chồng mình thực hiện xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống khiến dư luận e ngại việc giá cả không minh bạch. (Ảnh: VTC).
Việc Shark Liên đã ký hợp đồng thuê chính doanh nghiệp của chồng mình thực hiện xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống khiến dư luận e ngại việc giá cả không minh bạch. (Ảnh: VTC).

Những bước đi của vợ chồng Shark Liên - ông Lê Toàn, thông qua hai doanh nghiệp Việt - Đức là Công ty CP nước Aqua One và Tập đoàn Aone Deutschland AG, một cách chắc chắn, đang dần tiến tới mục tiêu định hình lại thị trường cung cấp nước sạch Hà Nội.

Nói cách khác, Shark Liên đã ký hợp đồng thuê chính doanh nghiệp của chồng mình thực hiện xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Với quy mô đầu tư nhà máy này (giai đoạn 1) là 5.000 tỉ đồng, một mức vốn rất lớn ở thời điểm năm 2017, có thể thấy nguồn tiền đầu tư lại chỉ luân chuyển trong "họ" doanh nghiệp gia đình Shark Liên.

Từ đây, câu hỏi được nhiều người đặt ra là, trong các thương vụ hợp tác đầu tư và kinh doanh của Công ty Cổ phần nước AquaOne, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đuống và nhóm doanh nghiệp của ông Lê Toàn đã được các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội tiến hành thẩm định, đánh giá năng lực đầu tư, năng lực tài chính như thế nào?

Vốn đầu tư của dự án có thật lên đến 5.000 tỷ đồng không bởi công ty của shark Liên đã phải vay tới gần 4.000 tỉ đồng để đầu tư nhà máy và tính chi phí lãi vay vào giá thành nước bán cho TP Hà Nội, khiến cho mức giá bán nước bị đội lên quá cao so với các nhà máy khác (giá bán nước tạm tính là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm). Trong khi đó, thành phố đang bán nước cho dân là 5.000 đồng/m3 thì sẽ phải bù lỗ rất lớn cho mỗi m3 nước mua từ Nhà máy nước sông Đuống?

Liên quan đến những vấn đề tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống PV đã liên hệ với chủ đầu tư nhưng chưa nhận được phản hồi.

Công ty Cổ phần AquaOne có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng với cơ cấu cổ đông : Công ty Cổ phần Đầu tư Một Trăm sở hữu 50% vốn, Công ty TNHH MTV One Invest nắm 40%. Ba cổ đông cá nhân gồm bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái Shark Liên) nắm 6%, bà Đinh Thị Linh Chi nắm 3% và ông Nguyễn Văn Mỹ nắm 1%.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Một Trăm lại do bà Đỗ Thị Minh Đức là người đại diện pháp luật và sở hữu 45% vốn, còn bà Đỗ Thị Kim Liên góp 50% vốn. Công ty TNHH MTV OneInvest cũng là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Linh Chi làm đại diện pháp luật.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/su-that-bat-ngo-ve-cong-nghe-chau-au-trong-nha-may-nuoc-mat-song-duong-cua-shark-lien-142638.html