Bất ngờ với tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy: Hơn 100 nghìn vụ

Thứ bảy, 23/05/2020, 07:01 AM

Theo thống kê, xe máy có 93,5 triệu lượt tham gia bảo hiểm, nhưng số vụ tai nạn được giải quyết bồi thường là 101.214 vụ, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Bảo hiểm xe máy bán đầy ở ở vỉa hè.

Bảo hiểm xe máy bán đầy ở ở vỉa hè.

Liên quan đến các thông tin tranh cãi về việc bảo hiểm xe máy có cần thiết hay không và những năm qua tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cho những vụ tai nạn về xe máy thế nào được dư luận quan tâm, nhất là sau khi thông tin CSGT ra quân Tổng kiểm soát phương tiện cơ giới.

Chiều 22/5, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu xe (trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu xe).

Qua thời gian thực hiện, kết quả ghi nhận ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Riêng xe máy, có 93,5 triệu lượt tham gia bảo hiểm, nhưng số vụ tai nạn được giải quyết bồi thường là 101.214 vụ, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%.

Theo đại diện Bộ Tài chính, công tác thực hiện mua bảo hiểm của người dân còn thấp, việc tuyên truyền, hướng dẫn còn vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức. "Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan"- ông Khánh chia sẻ.

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Ông Phùng Ngọc Khánh cũng nhìn nhận một số quy định hiện hành về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, để đưa hoạt động bán bảo hiểm đi vào khuôn khổ, tôn trọng quyền và lợi ích của người tham gia giao thông khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngay trong tháng 5/2020, Bộ sẽ thực hiện thanh tra các hoạt động của doanh nghiệp và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến giá bán bảo hiểm.

Vnexpress dẫn lời ông Trần Nguyên Đán - Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính đánh giá mức này thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. "Nếu thấp do ít tai nạn thì đáng mừng, nhưng nếu do người dân không nhận được bồi thường thì rất đáng buồn", ông nói.

Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50%-60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.

"Để cạnh tranh thị phần, thay vì tìm cách nâng cao quyền lợi cho người mua thì các doanh nghiệp đã đẩy hoa hồng bán lên tới một nửa giá trị bảo hiểm để thu hút người bán" ông Đán lý giải.

Trên thực tế, tổng đại lý được trả mức chiết khấu cao nên sau khi nhận "ấn chỉ" - tệp giấy chứng nhận bảo hiểm, về thì đưa cho những người bán F1, F2 - không có nghiệp vụ và không được đào tạo bài bản đi bán.

Đó là lý do tại sao có tình trạng tràn lan người bán bảo hiểm ngồi dọc vỉa hè không tư vấn đầy đủ cho người mua. Vậy nên mới có chuyện nhiều người mua nhưng thậm chí không phân biệt được bảo hiểm bắt buộc khác gì với bảo hiểm tự nguyện. Họ không được tư vấn cụ thể về quyền lợi cũng như phải làm sao để được bảo hiểm khi tai nạn xảy ra mà chủ yếu mua để đối phó.

Theo ông Đán, việc mua bảo hiểm là cần thiết để người gặp tai nạn được bồi thường, đặc biệt khi chủ xe là người nghèo không có điều kiện chi trả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm có rất nhiều sai sót ngay từ khâu bán và có vấn đề ở khâu xử lý bồi thường khiến cho loại bảo hiểm này không đi vào thực tế.