Chủ nhật, 18/08/2019, 15:43 PM
  • Click để copy

Trường gắn mác 'quốc tế': Hàng nhái kiếm tiền và lỗ hổng quản lý

Về bản chất hầu hết những người sáng lập và đầu tư cho nhiều trường gắn mác “quốc tế” hiện nay ở Việt Nam thường không bắt nguồn từ mục đích làm giáo dục mà là làm kinh tế bằng kinh doanh giáo dục.

Từ vụ việc trường Gateway, nhiều phụ huynh mới biết mình đang bị lừa, sử dụng
Từ vụ việc trường Gateway, nhiều phụ huynh mới biết mình đang bị lừa, sử dụng "hàng nhái".

Về bản chất họ là người làm kinh tế và chúng ta hãy nhìn lại họ bằng thái độ sòng phẳng của nghề kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trên báo Ngày Nay.

Vì sao nảy sinh trường mang tên "quốc tế"?

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, từ những năm 2000, chúng tôi đã từng nhiều lần được mời mọc, nhờ vả khi một số “nhà đầu tư” (có chút vốn và quan hệ) đưa ra những kế hoạch mở trường quốc tế ở Hà Nội và một số nơi khác.

Tất nhiên đó là những lời mời mọc có cánh kèm theo lợi ích dành cho cá nhân và tổ chức của chúng tôi những điều kiện hấp dẫn mà chẳng phải làm gì, chỉ cần đứng tên, giúp họ chạy đất đai và tham gia cuộc tổng tấn công dành cho được giấy phép đi kèm cái tên “quốc tế’. Chúng tôi đã từ chối vì không nhìn thấy ở họ gì khác ngoài hai chữ kiếm tiền, thậm chí kiếm tiền vô điều kiện.

Ông Thắng cho hay, công thức thật giống nhau khi có điều kiện tiếp cận thật gần với những người sáng lập một số trường quốc tế: Đó là cố mời cho được một vài vị quan chức hoặc con em của các vị có máu mặt đứng tên để bảo lãnh khi gặp khó khăn, tiếp đến là tìm một số vị có học hàm nghỉ hưu để đứng tên trong thời gian ban đầu.

Về “chuyên môn” thì phải tìm cho ra vài “ông tây, bà đầm” mà nhiều người là thất nghiệp ở hải ngoại, tìm mua cho được vài bộ giáo trình rẻ nhất có thể và kều được vài mối quan hệ liên kết với vài cơ sở đào tạo ở nước ngoài cũng na ná “trường quốc tế ở Việt Nam” để hình thành liên kết theo nguyên tắc “hai bên cùng có lợi”.

Tiếp theo là cố học mót cho được kiểu cách dạy dỗ khác lạ để làm màu và làm thương hiệu. Nhưng quan trọng nhất là tính kế để làm sao thuê được vài mảnh đất rẻ và đắc địa.

Cuối cùng là cuộc tổng tấn công cho cái giấy phép được mang tên “quốc tế” để “hành nghề giáo dục”. Đó là chưa nói đến một số trường có được cái tên "quốc tế" nhờ lách luật.

“Tôi chứng kiến trong nhiều năm những con người làm giáo dục kiểu này. Tôi chưa từng cảm nhận được ba chữ “nghề dạy học” trong những con người “quốc tế” mà tôi được tiếp xúc ấy, bởi suy cho cùng “quốc tế” chỉ là cái cớ, là “phép màu” để những con người đó đạt được mục đích xuyên suốt là kiếm tiền.

Tôi không nói tất cả, nhưng về khía cạnh kinh tế thì các trường quốc tế và cái giá học phí cao ngất (cao hơn cả giá thành làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ ở Tây) nhưng thiếu kiểm soát như hiện nay thì sứ mệnh chính của không ít trường “quốc tế” ở Việt Nam chính là “tái điều tiết thu nhập” (mà tôi gọi là móc túi) của giới có tiền ở Việt Nam thông qua nền kinh tế thị trường tự do trên lĩnh vực giáo dục” – ông Thắng nhấn mạnh.

Học sinh một trường quốc tế ở Malaysia.
Học sinh một trường quốc tế ở Malaysia.

Lừa dối lòng tin

Đánh vào tâm lý cũng như nhu cầu của phụ huynh cho con học ở môi trường tốt nhất với giáo viên nước ngoài ngay tại Việt Nam, nhiều trường học đang tự gắn cho mình mác “quốc tế” với mức học phí hàng trăm triệu/năm.

Sự việc trường Gateway mới lộ ra giáo dục Việt Nam chưa có khái niệm “trường quốc tế”, làm nhiều phụ huynh vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay “bị lừa” mà không biết.

Tại TP.HCM chỉ có 21 trường có yếu tố nước ngoài hoạt động theo Nghị định 86/2018. Hà Nội chỉ có 11 trường quốc tế “xịn”, số còn lại là trường quốc tế tự xưng, gắn nhãn mác.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới Hà Nội sẽ công bố các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, phụ huynh học sinh biết.

Phụ huynh Lê Văn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu đúng như không có quy định nào mang tên “trường quốc tế” thì khác nào bấy lâu nay nhiều trường vẫn đang lừa dối phụ huynh và cả xã hội. Đến cái tên gọi đã mang tính thương mại, chạy đua theo trào lưu thì làm sao có được chất lượng thực cho các con.

“Tôi cũng không hiểu vì sao, luật không có tên gọi “trường quốc tế” thì sao bấy lâu nay các cơ quan vẫn luôn để mặc cho các trường hiên ngang sử dụng và quảng bá”.

Chị Kim Anh, Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, dựa vào lòng tin và xu hướng muốn con được học ở một trường quốc tế của một số lượng lớn phụ huynh, cho nên trường gắn mác “quốc tế” luôn kèm một lời chào "cấp bằng quốc tế"…. Vỏ bọc tuyệt vời đó khiến bao gia đình quyết tâm cho con theo học

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc có một cơ chế quản lý chung đối với các trường ngoài công lập, rà soát chương trình học và đặc biệt lưu tâm đến tên gọi “trường quốc tế” mà các đơn vị tự phong để hút học sinh”, chị Kim Anh kiến nghị.

Chị Nguyễn Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) có con học ở một trường quốc tế chia sẻ, tôi khá hoang mang sau vụ Trường Gateway, nhất là câu chuyện không có quy định về trường quốc tế như các đơn vị vẫn thông báo từ trước đến giờ.

“Sau sự việc, trường của con tôi cũng đã gửi email đến phụ huynh để trấn an và cam kết chất lượng giảng dạy các con, phụ huynh không nên hoang mang vội chuyển trường. Cho nên, hiện tại tôi cũng đang phân vân không biết có nên chuyển trường cho con hay không, chắc sẽ đợi câu trả lời thỏa đáng của Sở GD&ĐT Hà Nội rồi mới quyết định” - chị Quỳnh nói.

Được biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội một số trường mang danh "quốc tế" đã âm thầm tự bỏ tên "quốc tế" ra khỏi biển hiệu và trang web.

Theo thầy Andrew, Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế Malaysia (AIMS), trường quốc tế là một ngôi trường thúc đẩy nền giáo dục quốc tế trong một môi trường quốc tế, thông qua việc triển khai chương trình học khác với chương trình của nước chủ nhà.

Bên cạnh đó, mỗi trường quốc tế sẽ vận hành với những tiêu chí khác nhau cùng các tiêu chuẩn khác nhau đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất.

Một yếu tố quan trọng mà các trường quốc tế cần lưu tâm đó chính là sự thuận lợi khi học sinh chuyển đổi từ ngôi trường này sang ngôi trường khác, bất kể trường đó ở nơi đâu.

“Như vậy, chương trình học đó phải có danh tiếng lớn và được công nhận ở phạm vi toàn cầu, cùng với bề dày thời gian mà chương trình đã được triển khai” - thầy Andrew nhấn mạnh.

Cần một cơ chế kiểm tra và định danh lại trường quốc tế

Một chuyên gia giáo dục tại Hà Nội cho biết, việc nhiều trường gắn mác “trường quốc tế” tràn lan như hiện nay là không đúng, nó cũng giống như bán hàng giả, hàng nhái. Điều ngạc nhiên nhất vẫn chưa hề có cơ sở giáo dục nào bị “tuýt còi” bởi các cơ quan chức năng.

Rõ ràng lỗ hổng cho sự buông lỏng quản lý ở đây chính là do chưa có quy định cụ thể về khái niệm trường quốc tế.

truong-gan-mac-quoc-te-hang-nhai-kiem-tien-va-lo-hong-quan-ly
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, cần một cơ chế kiểm tra và định danh lại các trường tư thục có tên quốc tế.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, cần một cơ chế kiểm tra và định danh lại các trường tư thục có tên quốc tế. Không thể để tồn tại ngang nhiên như vậy, sẽ làm phụ huynh hoang mang, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của nước nhà và điều thiệt nhất là các cơ sở làm giáo dục tử tế bị kìm kẹp và khó cạnh tranh với các trường “ma”.

Theo GS Dong, đâu phải cứ xe đưa đón, chăm sóc bữa ăn, hoạt động vui chơi ngoại khóa, kĩ năng mềm, cơ sở vật chất trường học tốt… là trường quốc tế, thực ra đó chỉ là dịch vụ không thuộc về chương trình chuyên môn dạy học sinh, chẳng khác nào gửi trẻ vào trường mẫu giáo.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để xác định được các trường có “gian lận” từ quốc tế hay không còn phụ thuộc vào quyết định thành lập, nếu có từ quốc tế thì họ được sử dụng và ngược lại nếu không có là đã vi phạm.

Ông Sơn mong các cơ quan chức năng sớm rà soát lại toàn bộ các trường quốc tế, giúp dư luận cũng như các gia đình không khỏi hoang mang với lựa chọn cho con mình bấy lâu.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT cho biết, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.

 

Bữa cơm giữa sân trường của người mẹ nghèo và cô sinh viên năm nhất

Người mẹ gắp thức ăn bỏ vào bát con và nói "ăn no nghen con". Bữa cơm chỉ có vài món kho và canh, tất cả mọi thứ đều bỏ trên nền gạch nhưng ấm áp lắm.

 

Hàng loạt trường học âm thầm bỏ mác Quốc tế sau vụ Trường Gateway: Học sinh có bị lừa dối?

Thông tin TP Hà Nội chỉ có 11 trường có thể gọi là "Quốc tế" được lãnh đạo Sở GD&ĐT đưa ra sau vụ việc bé trai lớp 1 tử vong trên xe đưa đón tại Trường Gateway, hàng loạt trường học trên địa bàn TP đã "âm thầm" dỡ biển hiệu, bỏ mác "Quốc tế".

 

Không tổ chức cho học sinh thả bóng bay trong ngày khai giảng

Sở Giáo dục & Đào tạo Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị không tổ chức cho học sinh thả bong bóng bay. Tùy theo điều kiện từng trường để có hình thức chào đón năm học mới phù hợp, sáng tạo.