Bệnh lao hạch có lây không?

Thứ tư, 29/04/2020, 14:10 PM

Nhiều người thắc mắc bệnh lao hạch có lây không. Phải hiểu cơ chế thành bệnh của lao hạch để hiểu được đây là loại bệnh như thế nào. Dưới đây là một số thông tin về bệnh lao hạch.

Lao hạch có lây không? Trước hết, cần phải hiểu bệnh lao hạch là gì

Bệnh lao hạch là thể lao ngoài phổ biến. Vi khuẩn lao gây bệnh lao hạch gồm M.tuberculosis, M.bovis, M.africanum. Trong đó bệnh lao hạch chủ yếu do M.tuberculosis gây ra.

Untitled

Chúng ta thường gặp bệnh này nhất ở trẻ em. Đây là loại bệnh thường ở các vị trí như hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn. Tuy nhiên không loại trừ bệnh lao hạch xuất hiện ở các bộ phận nội tạng như: hạch trung thất, hạch mạc treo. 

Bình thường các hạch trong cơ thể rất nhỏ, chỉ bằng hạt thóc, bắp… nhỏ lẫn trong các mô xung quanh. Khi có bệnh, hạch ngoài da sờ nắn thấy nghĩa là đã sưng to. Tình trạng hạch khi bị lao hạch thường sờ nắn không đau, mềm căng.

Lao hạch có lây không?

Lao hạch khác lao phổi là không lây lan cho những người tiếp xúc xung quanh.

Theo TS.BS Đặng Văn Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện phổi Trung ương trả lời độc giả trên báo Sức khỏe Đời sống về bệnh này như sau:

"Lao hạch là bệnh không lây, bởi vi khuẩn lao chỉ khu trú và phát triển trong hạch mà không bùng phát ra ngoài. Nhưng cách điều trị lao hạch cũng tương tự lao phổi là chủ yếu dùng phương pháp nội khoa như dùng các loại thuốc tùy các giai đoạn để ức chế dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn lao. Chỉ áp dụng phương pháp ngoại khoa là rạch, mổ lao hạch khi hạch quá to gây chèn ép các bộ phận liên quan gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, hạch bị mủ và có nguy cơ sắp vỡ. Nhìn chung, bị lao hạch cần đi khám và áp dụng đúng chỉ định điều trị, không ảnh hưởng đến những người xung quanh".

Điều trị bệnh lao hạch như thế nào?

So với các thể lao khác thì lao hạch điều trị dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.

Đối với lao hạch, điều trị nội khoa là chủ yếu. Điều trị lao hạch cũng phải tuân theo những nguyên tắc của điều trị bệnh lao nói chung: 

Phối hợp các thuốc chống lao, ít nhất từ 3 thuốc trở lên. Giai đoạn bệnh bùng phát nên dùng phối hợp 3 đến 4 loại thuốc chống lao, giai đoạn duy trì nên dùng 2 loại thuốc chống lao.Điều trị ngoại khoa chỉ đặt ra trong những trường hợp:Hạch sưng tấy đỏ, nhuyễn hoá, hoá mủ và có khả năng vỡ mủ. Lúc này nên chủ động trích dẫn lưu mủ để tránh vết sẹo xấu.

Trường hợp hạch viêm lao đã rò nhưng mủ chưa ra hết, có thể trích rạch để mở rộng lỗ rò, nạo vét hết mủ và điều trị tại chỗ cũng như điều trị kết hợp các thuốc chống lao.

Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 4-7 tháng tùy theo thể trạng bệnh. Với trường hợp bệnh nhân lao hạch bị u lympho lao hạch, lao không thành mủ, di động, khu trú thì có thể sử dụng phương pháp cắt bỏ.

Lao hạch ở trẻ em dễ dàng chữa khỏi nếu được điều trị toàn thân đúng cách, lý liệu pháp và giữ vệ sinh. Lao hạch ở trẻ em không nên cắt bỏ sớm vì hạch có vai trò bảo vệ cơ thể, chống sự xâm nhập của trực khuẩn lao.

Để phòng ngừa bệnh lao hạch, cách tốt nhất là nâng cao sức đề kháng cơ thể, tránh để viêm hạch mạn tính kéo dài, tạo điều kiện cho trực khuẩn lao xâm nhập gây bệnh. Cũng cần vệ sinh răng miệng, nhổ và chữa răng sâu sớm cho trẻ em. Khi được chẩn đoán là mắc bệnh lao hạch, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa lao, phối hợp nâng cao thể trạng với chế độ ăn uống tốt và nghỉ ngơi hợp lý.

Thông tin bệnh lao hạch có lây không đã được chúng tôi giải đáp kỹ càng trong bài viết. Bạn đọc có thể tham khảo.

Bài liên quan