Những phận đời mà nỗi đau nối tiếp nỗi đau nơi 'xóm chạy thận' ngày cận Tết

Chủ nhật, 03/02/2019, 03:18 AM

Nhiều bệnh nhân trong "xóm chạy thận" (121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải đón Tết xa nhà do lịch chạy thận dày đặc và trùng vào ngày Tết...

benh-nhan-xom-chay-than-an-tet-xa-que
Cành đào duy nhất trong ''xóm chạy thận'' được trang trí để các bệnh nhân đón Tết. Ảnh Trần Cường.

Hơn 10 năm không đón Tết cùng gia đình

Những ngày cuối cùng của năm cũ, khi hầu hết người dân thủ đô đang rộn ràng sắm sửa đồ đạc, mua thêm vật dụng trong nhà... để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, thì ở một nơi, con người ở đây vẫn đang bươn trải để lo miếng cơm, manh áo, đồng tiền chữa bệnh.

Đó chính là nơi nằm trong con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà hơn 20 năm nay người ta vẫn quen gọi với cái tên "xóm chạy thận". Nơi đây hiện là mái nhà của 129 con người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận. 

Đến thăm "xóm chạy thận" vào một ngày cuối năm, chúng tôi được những bệnh ở đây chào đón bằng một thái độ thân thiết và cởi mở. Thời điểm chúng tôi đến, một số người đang xếp hàng để nhận những món quà Tết từ những nhà hảo tâm, một số khác vừa chạy thân từ viện về còn những người may mắn hơn đang chuẩn bị đồ đạc về ăn Tết với gia đình.

benh-nhan-xom-chay-than-an-tet-xa-que
Xóm trọ xập xệ của những bệnh nhân đang ngày đêm phải chiến đấu với bệnh tật. Ảnh Trần Cường.
Anh Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) là một bệnh nhân ở tại xóm trọ này lâu năm nhất nên được mọi người bầu làm trưởng xóm. Anh Tuấn đã điều trị chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai được hơn 23 năm.
 
Anh Tuấn cho biết, ngày xưa xóm trọ này có rất nhiều người tìm đến thuê, từ sinh viên đến những lao động tự do, bệnh nhân,... tuy nhiên, những bạn trẻ, người lao động ở bừa bộn, nên xóm trọ thanh lọc dần, chỉ còn những bệnh nhân điều trị suy thận quanh quẩn ở phòng. Từ đó, xóm trọ này mang tên xóm chạy thận.
 
''Những cư dân trong "xóm chạy thận" đăng kí ở lại ăn Tết đều có những ca chạy thận rơi vào mùng 1, mùng 2 Tết. Năm nay, bệnh viện Bạch Mai sẽ lùi lịch chạy thận cho nhiều bệnh nhân về chiều 29/12 và sáng 30/12 âm lịch, nên nhiều người nhà gần, khỏe mạnh có thể về quê sum vầy cùng gia đình'', Anh Tuấn nói.
 
Anh Tuấn cũng cho biết thêm, bệnh nhân tại xóm đều phải đến viện để chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, nếu không đúng lịch là cơ thể sẽ chuyển biến xấu rất nhanh. Vì vậy, hàng năm, việc về quê ăn tết là điều xa xỉ của người dân tại xóm chạy thận này, có nhiều người hơn 10 năm nay không biết tới mâm cơm đoàn viên với con cháu trong ngày xuân năm mới. 
 
Đêm giao thừa nơi đất khách quê người
benh-nhan-xom-chay-than-an-tet-xa-que
Chị Dương Thị Lan. Ảnh Trần Cường.
Chị Dương Thị Lan (25 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), chia sẻ, chị là một trong những bệnh nhân thường xuyên ăn Tết tại ''xóm chạy thận''. Năm 2015, chị mang thai đứa con đầu tiên thì phát hiện mình suy thận. Nỗi đau tiếp diễn nỗi đau, trong lúc chị đang điều trị bệnh thận tại bệnh viện cũng là lúc đứa con đầu lòng ra đi vì sinh non.
 
Đến năm 2017, chị lại tiếp tục có tin vui, các bác sĩ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của 2 mẹ con và đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, khi sinh con được khoảng 4 tháng, cháu bé cũng qua đời. Chồng chị Lan sau đó cũng bỏ chị đi lấy vợ mới.
 
“Thời gian đó tôi suy sụp nhiều lắm, chỉ trong vòng mấy tháng mà sút hơn chục cân. Từ khi lên điều trị bệnh, năm nào mẹ cũng ở lại ăn tết cùng tôi và mọi người, vì thể trạng tôi yếu nên mẹ tôi cũng không yên tâm về”, chị Lan nói.
benh-nhan-xom-chay-than-an-tet-xa-que
Người dân trong xóm được các đoàn thiện nguyện tặng bánh chưng ăn Tết. Ảnh Trần Cường.
Kể về chuyện ăn Tết xa nhà, chị Lan cho hay: ''Ăn Tết chả có gì đâu, không có thịt, không có bánh kẹo..., ở đây ăn Tết buồn lắm, ra vào không một người nào. Tết cũng như ngày bình thường, duy nhất có thêm cái bánh trưng thôi. Gần Tết có nhà tài trợ đến tặng quà cho cả xóm, mỗi người được một thùng mì tôm, chai dầu ăn... là vui lắm rồi''.
 
''Đêm giao thừa thì tập trung ở xóm một tí thôi, có đoàn khách nào đến chung vui xong là nhà nào về nhà nấy chốt cửa còn một số người khỏe thì đi xem bắn pháo hoa ngoài phố thôi", chị Lan nghẹn ngào.
 
Theo bà Ráng, hàng năm, cứ vào ngày 30 Tết, những ai ở lại sẽ tập trung ra khoảng ngõ rộng đầu xóm trọ cùng nhau ăn tất niên để vơi đi nỗi nhớ con cháu, gia đình ở quê.
benh-nhan-xom-chay-than-an-tet-xa-que
Bà Ráng. Ảnh Trần Cường.
''Phần lớn các bệnh nhân đều không ăn uống được nhiều, nên buổi tất niên xóm trọ cũng đơn giản lắm, mấy chiếc bánh chưng, bánh ngọt, kẹo cò, nước ngọt... và cùng nhau nói chuyện đời. Sau đêm tất niên, mọi người lại về phòng và tiếp tục thuốc men, chiến đấu với bệnh tật, xem lại lịch và ca tới viện.
 
''Và sau những ca chạy thận, cư dân chúng tôi lại đi làm để kiếm tiền, mỗi người một việc, người thì bán báo, người đánh giày, bán nước.... '', bà Ráng nói.
 

Chiều 28 Tết siêu thị đông cứng, giá rau xanh tăng phi mã

Không khí mua bán tại các siêu thị trở nên "nóng" hơn bao giờ hết, trong khi giá rau xanh tăng gần gấp rưỡi ngày thường.

 

Chợ hoa Hà Nội chiều 28 Tết: Mai - đào hạ giá, hoa đắt như 'tôm tươi'

Chiều 28 Tết, không khí mua sắm tại các chợ hoa vẫn rất nhộn nhịp. Giá mai, đào Tết hạ nhiệt so với những ngày trước trong khi các loại hoa lại rất hút khách.