Thứ sáu, 28/06/2019, 17:08 PM
  • Click để copy

Sự thật về câu chuyện Công an đến nhà đón nữ sinh ngủ quên đi thi gây tranh cãi ở Hà Giang

Chuyện một số cán bộ Công an đến nhà đón nữ sinh ngủ quên đến điểm thi kịp thời ở Hà Giang trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa qua là chuyện "tốt" đáng được khen ngợi thì bất ngờ trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội với nhiều suy tưởng ngô nghê về những điều tử tế.

Nữ sĩ tử ngủ quên được Công an đón kịp thời đến điểm thi. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Nữ sĩ tử ngủ quên được Công an đón kịp thời đến điểm thi. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra từ ngày 25-27/6, đã kết thúc với nhiều cảm xúc. Đây cũng là kỳ thi ghi nhận nhiều câu chuyện hy hữu, dở khóc dở cười xảy ra với các sĩ tử, nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Trong số đó là câu chuyện về việc cặp đôi thí sinh ở điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Giang và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) bị lỡ thi môn Ngữ Văn chỉ vì ngủ dậy muộn, đến điểm thi quá giờ quy định, hay câu chuyện nữ sinh ở Quảng Nam "may mắn" gặp kẻ trộm "có tâm" khi để lại cho thẻ để dự thi, câu chuyện thí sinh đi tìm bò lạc được tìm về thi kịp thời ở Quảng Trị...

Đặc biệt nhất là câu chuyện một nữ sinh ở Hà Giang ngủ quên được cán bộ Công an đến tận nhà "hộ tống" đến điểm thi xảy ra sáng 26/6, tại điểm thi trường THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang), gây được nhiều chú ý.

Sẽ chẳng có gì đáng nói khi câu chuyện trên chính là một việc làm "tốt" của chiến sĩ Công an ở điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang) lẽ ra cần được ủng hộ, biểu dương thì những ngày qua câu chuyện này cùng những bức ảnh mà các phóng viên hiện trường ghi lại bỗng trở thành chủ đề bán tán của những "anh hùng bàn phím" khi cho rằng đó là màn kịch được dựng sẵn.

Nhiều cư dân mạng thắc mắc rằng, tại sao vị Công an tại điểm thi này lại có thể xử lý nhanh đến vậy, biết nhà thí sinh để đến đón đi thi? Tại sao phóng viên lại có thể chụp được hình ảnh chiến sĩ Công an chở nữ sinh trên đường...? Rất nhiều giả thuyết và nghi ngờ được cư dân mạng đặt ra sau việc làm tốt đẹp ấy.

Tìm hiểu được biết, Đại úy Vũ Đức Lợi - Phó trưởng Công an phường Minh Khai (TP Hà Giang) chính là người chiến sĩ Công an dùng xe máy đến tận nhà đón thí sinh. Còn thí sinh trong bức ảnh là em Trần Thị Yến (ở tổ 5 phường Quang Trung, TP Hà Giang).

Nữ sĩ tử ngủ quên được Công an đón kịp thời đến điểm thi. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Nữ sinh may mắn được Cán bộ Công an và CSGT hộ tống đến điểm thi. 

Phóng viên hiện trường khẳng định không có chuyện dàn dựng

Là một trong số những phóng viên có mặt trực tiếp tại điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong sáng 26/6 (hôm diễn ra sự việc), anh Hữu Dánh (phóng viên báo VTC News) viết trên trang cá nhân khẳng định rằng không có chuyện dàn dựng để làm việc tốt.

Trong dòng chia sẻ, nam phóng viên khẳng định bức hình chụp vị Đại úy chở nữ sinh trên đường là do nhạy cảm nghề nghiệp chứ không hề có sự dàn dựng nào như dân mạng bàn tán.

Hữu Dánh chia sẻ: "Sáng sớm 26/6, 4 anh em phóng viên bàn nhau ra điểm thi Lê Hồng Phong (Hà Giang) theo sự phân công của 4 cơ quan báo chí khác nhau. Đang ngồi mỗi người một góc thì thấy một thầy giáo hớt hải chạy ra tìm tổ an ninh túc trực phía cổng trường.

Với nhạy cảm công việc, mấy anh em nhìn nhau và hiểu rằng hẳn là có việc hệ trọng. Mấy anh em liền đứng bật dậy, chuẩn bị tinh thần, nghe ngóng để tác nghiệp. Khi thấy phóng viên đứng đầy xung quanh, vị Điểm Phó điểm thi tỏ ra hơi e dè, nói nhỏ với một đồng chí CSGT có nhiệm vụ phân luồng trước điểm thi rằng có 1 thí sinh tên Yến chưa thấy đến. Em này bố đã mất, mẹ đi làm xa, hiện đang ở cùng anh chị, gọi tới nhà thì không ai nhấc máy".

"Tiếp đó, một đồng chí áo xanh leo lên chiếc xe Wave cũ phóng thẳng đi. Tiếp đó, anh CSGT cùng chiếc "bồ câu" lao đi vun vút trước mặt mà chúng tôi vẫn chưa kịp định hình là có chuyện gì.

Cùng lúc đó, mấy anh em phóng viên gọi xe ôm đuổi theo nhưng chỉ theo được khoảng 1km thì bị mất dấu. Từ lúc xe của 2 anh công an xuất phát, cho tới lúc em Yến đến cổng để vào phòng thi chỉ gói gọn trong khoảng 10 - 13 phút. Em ấy vẫn được vào thi vì chưa quá giờ theo quy định.

Giải thích cho việc vì sao anh Công an có thể tìm đến nhà thí sinh nhanh đến vậy, xin chia sẻ rằng Đại úy Vũ Đức Lợi hiện tại là Phó Công an phường Minh Khai (TP Hà Giang), trước đó anh từng phụ trách địa bàn nơi em Yến đang ở. Rất nhiều người nói, với anh Lợi, khu đó quá quen thuộc rồi", Hữu Dánh chia sẻ.

Cùng có mặt tại điểm thi trên, một phóng viên khác chia sẻ rằng: "Tại sao phóng viên có mặt và chụp được những hình ảnh đó? Như tôi nói đó chỉ là ngẫu nhiên khi chọn địa điểm để làm.

Tại sao chiến sĩ Công an tìm nhà thí sinh Yến nhanh thế? Vì trước đây, đại úy Vũ Đức Lợi là Phó trưởng Công an phường Minh Khai, phụ trách địa bàn, nơi nữ sinh này ở".

Hãy tin vào những điều tốt đẹp

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, việc cư dân mạng nghi ngờ trước mỗi hành động tốt đẹp chẳng còn là điều gì lạ lẫm. "Bởi ở trên mạng người ta cứ vô tư, nông nổi chẳng suy nghĩ thấu đáo. Đó cũng là hệ quả mà thời đại 4.0 mang đến, nó có nhiều tích cực nhưng cũng làm người ta trở nên tiêu cực hơn", bà Túy chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, trong thời đại công nghệ số người dân và chính quyền nên biết chắt lọc thông tin còn không nên chạy theo cư dân mạng để chứng minh việc làm của mình là không dàn dựng. "Hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp xung quanh ta bởi nó sẽ làm cuộc sống đẹp hơn. Còn nếu cứ sống trong nghi ngờ thì một ngày bản thân cũng sẽ nghi ngờ chính mình dù rằng việc tin hay không tin là quyền mỗi người", vị chyên gia kết luận.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, em Trần Thị Yến (nữ sinh ngủ quên được Công an đến nhà đón đưa đi thi) cho biết: "Hôm qua (25/6), em ôn bài muộn. Sáng nay (26/6), em có để chuông nhưng không nghe thấy. Bố em mất từ hơn 2 năm trước, mẹ đang ở trên vùng cao, em ở với anh chị. Sáng nay, anh chị đi làm sớm nên không gọi em dậy. 

Lúc các anh Công an đến em mới ngủ dậy. Nếu không có các anh thì em đã không được vào phòng thi. Em rất cảm ơn các anh đã đưa em đi thi".

Trong khi đó, Đại úy Vũ Đức Lợi cho biết: Anh cùng các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ chốt trực, đảm bảo an ninh vòng ngoài cho điểm thi THPT Lê Hồng Phong.

Sau khi nhận thông tin từ lãnh đạo điểm thi về trường hợp thí sinh Trần Thị Yến không có mặt tại phòng thi, nắm được địa chỉ thường trú của Yến ở tổ 5 phường Quang Trung, anh và đồng nghiệp lập tức xuống địa bàn tìm nhà, đưa Yến đến điểm thi kịp giờ.

Theo anh Lợi, trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện trách nhiệm của mình, khi có trường hợp bất thường xảy ra thì phải có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp này phải nhanh chóng đưa thí sinh đến địa điểm thi nhanh nhất, đảm bảo thời gian, không để thí sinh muộn giờ thi, thiệt thòi cho cả một quá trình phấn đấu của thí sinh.

Được biết, Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Đại úy Lợi cũng đã giúp một thí sinh bị hỏng xe kịp đến điểm thi khi chỉ còn 5 phút là hết giờ theo quy định.

 

Hủy bỏ quyết định nghỉ hưu hưởng chế độ đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

Ngày 26/6, UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 đối với ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT của tỉnh này.

 

Kẻ biến thái thủ dâm trên xe buýt bị phạt 200 nghìn đồng

Nam thanh niên thủ dâm trên xe buýt cạnh 2 nữ sinh đã bị Công an phường Ngã Tư Sở (Đống Đa - Hà Nội) phạt 200.000 đồng.

 

Bộ GTVT chỉ đạo xử lý sụt lún trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ngay khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương khắc phục sụt lún trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.