Bộ Công an không ngại quản lý trại cai nghiện nếu luật cho phép

Thứ sáu, 13/11/2020, 15:26 PM

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định: "Nếu luật cho phép, Bộ Công an rất sẵn sàng quản lý các cơ sở cai nghiện vì đây cũng là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm".

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định nếu luật cho phép, Bộ Công an không ngại quản lý các cơ sở cai nghiện. (Ảnh: Quốc hội).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định nếu luật cho phép, Bộ Công an không ngại quản lý các cơ sở cai nghiện. (Ảnh: Quốc hội).

Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) diễn ra sáng 13/11, nhận được ý kiến đóng góp của nhiều ĐBQH.

Khó trông chờ vào sự tự giác của người nghiện

Nêu một thực trạng về người nghiện ma túy tăng nhanh, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Chánh án TAND Hà Nội) cho hay: Năm 2009 có 146.000 người nghiện nhưng năm 2019 đã có 235.000 người nghiện, tăng 60% trong 10 năm.

Dẫn chứng những vụ án đau lòng liên quan đến ma túy, ĐBQH nêu ra như: Vụ án ca sĩ Châu Việt Cường giết người hay mới đây là vụ bé 3 tuổi tại Hà Nội chết do bố dượng và mẹ đánh đập sau khi sử dụng ma túy. Vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị kẻ nghiện giết tại Thường Tín để lấy tiền để mua ma túy... ĐBQH Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh cần tăng cường biện pháp phòng ngừa và quản lý người sử dụng ma túy.

Đặt vấn đề về biện pháp cai nghiện tại gia, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Cần làm rõ về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp giám sát. Tránh tình trạng lợi dụng việc này để không đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, khi ở nhà vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.

ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) góp ý quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là điều khó khả thi.

Theo ông, ngoài việc lo sợ xã hội xa lánh, theo quy định hiện hành, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. “Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không? Nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi”, ông Nhất nói.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng cho rằng quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là “quá ngây thơ”.

Theo bà, khi phát hiện người sử dụng ma túy phải thông báo ngay với chính quyền để ngăn chặn. “Khó có thể trông chờ vào sự tự giác của người nghiện. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa, e rằng số người nghiện sẽ tăng cao trong thời gian tới”, bà Dung cảnh báo.

'Nếu luật cho phép, Bộ Công an không ngại quản lý trại cai nghiện'

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định quan điểm chung của ban soạn thảo là trong đấu tranh chống tội phạm cũng tính đến phòng ngừa tội phạm.

"Đấu tranh không chỉ là bắt giữ, mà phải ngăn chặn, giảm được tội phạm, giảm nguồn cung và nguồn cầu ma túy”, ông Lâm nói và nhấn mạnh yếu tố phòng ngừa rất quan trọng.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định trọng tâm của dự án luật này là con người, trong đó quy định từng bước xử lý khác nhau với người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cụ thể, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa bị xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật.

Về cơ quan chủ trì, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Công an nêu thực tế cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy rất nhiều. Vì vậy, Bộ Công an sẽ làm rõ, giao trách nhiệm rạch ròi cho các cơ quan chuyên trách, song cơ quan chủ trì ở đây là cơ quan Công an.

Như vậy sẽ đảm bảo đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, còn rất nhiều lực lượng cùng tham gia phối hợp”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, trong giai đoạn 2017-2019, các cơ quan chuyên trách trong CAND đã trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, còn các cơ quan khác tham gia chỉ tỷ lệ nhỏ.

Nhắc đến vấn đề về quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an không ngại vấn đề này. “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm và Bộ Công an không ngại quản lý”, người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh.

Bài liên quan