Bộ Công an trả lời cử tri về nghi vấn lộ thông tin 'giúp' Đường Nhuệ bỏ trốn

Chủ nhật, 25/10/2020, 07:16 AM

Cử tri đề nghị mở rộng điều tra, làm rõ có hay không việc để lộ thông tin cho Đường Nhuệ khi đối tượng này bỏ trốn ngay khi có quyết định khởi tố bị can.

Giang hồ Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường) bị bắt khi bỏ trốn ở Hà Nam.

Giang hồ Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường) bị bắt khi bỏ trốn ở Hà Nam.

Chưa có tài liệu chứng minh việc lộ lọt thông tin giúp Đường Nhuệ bỏ trốn

Báo cáo Quốc hội kết quả giám sát về trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri một số tỉnh như Nghệ An, Ninh Bình, Đồng Tháp... lo lắng trước tình hình phức tạp của các loại tội phạm trong thời gian gần đây, nhất là tội phạm về ma túy, cho vay lãi nặng, băng nhóm xã hội đen, điển hình là băng nhóm “Đường Nhuệ” ở Thái Bình hoạt động lộng hành, công khai, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân.

Cử tri đề nghị Bộ Công an tập trung quyết liệt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm này. Cử tri đề nghị Bộ Công an mở rộng điều tra làm rõ có hay không việc để lộ thông tin cho đối tượng Nguyễn Xuân Đường khi đối tượng này bỏ trốn ngay khi có quyết định khởi tố bị can.

Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi câu kết, bao che của các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự công khai, nghiêm minh trong quá trình xử lý tội phạm.

Quyết định truy nã Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ).

Quyết định truy nã Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ).

Trả lời kiến nghị này, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ tổ chức thanh tra, xác định: tại thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Dương (ngày 7/4/2020) về tội cố ý gây thương tích. Do chưa đủ tài liệu, chứng cứ khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng.

Sau khi củng cố chứng cứ xác định Nguyễn Xuân Đường là đối tượng liên quan, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã và phối hợp các lực lượng truy bắt.

Đến ngày 10/4/2020, Nguyễn Xuân Đường đã bị bắt tại Lý Nhân, Hà Nam.

“Quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng, chưa có tài liệu chứng minh lộ lọt thông tin dẫn đến đối tượng Nguyễn Xuân Đường bỏ trốn ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can”, Bộ Công an cho biết.

Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ phối hợp, hướng dẫn Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của Đường “Nhuệ” và các đối tượng liên quan; làm rõ và đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức liên quan câu kết, bao che cho các trường hợp vi phạm (nếu có); phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án sớm đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật; kịp thời cung cấp thông tin để cử tri theo dõi, giám sát, tiếp tục phát hiện, tố giác tội phạm.

Bộ Công an khẳng định xử lý nghiêm "xã hội đen"

Lo lắng trước hiện tượng doanh nghiệp hoạt động có tính chất “côn đồ”, cấu kết với các cá nhân trong các cơ quan nhà nước để thực hiện các hành vi phạm pháp, cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử lý vấn đề đang nổi lên là tình trạng “xã hội đen” núp bóng doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng “xã hội đen” cấu kết với người thực hiện công vụ thao túng, đe dọa, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Về kiến nghị này, Bộ Công an khẳng định, thời gian qua, ngành đã kịp thời phát hiện, nhận diện và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi này.

Đó là một số đối tượng tội phạm thành lập doanh nghiệp để tạo bình phong (hay còn gọi là núp bóng doanh nghiệp), lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tìm cách móc nối, liên kết với một số cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước để “bảo kê” cho chúng hoạt động trên một số lĩnh vực mang lại lợi nhuận như can thiệp vào hoạt động đấu thầu, thao túng việc cung cấp nguyên vật liệu, khoáng sản, tranh chấp đất kẹt, “cát tặc”, bến bãi, kinh doanh nông lâm sản, dịch vụ “nhạy cảm”.

Một số doanh nghiệp sử dụng đối tượng hình sự, côn đồ cộm cán tranh giành địa bàn hoạt động, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê…

Trước tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này, từ năm 2010, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành các đề án, kế hoạch, hướng dẫn Công an các địa phương đấu tranh, triển khai các đợt cao điểm tấn công, truy quét.

Kết quả trung bình hàng năm triệt phá trên 2.000 băng ổ nhóm tội phạm các loại (trong đó có nhiều băng ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp).

Theo Bộ Công an, nhìn chung, hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, tội phạm núp bóng doanh nghiệp nói riêng đã được kiềm chế, không để hình thành các băng ổ nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen” hoạt động lộng hành.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ chỉ đạo Công an các địa phương trong toàn quốc tăng cường rà soát, đấu tranh quyết liệt, điều tra, xử lý nghiêm các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức với phương châm làm tan rã băng ổ nhóm “ngay từ trong trứng”.

Vợ chồng Đường Nhuệ bị đem ra xét xử trong một vụ án.

Vợ chồng Đường Nhuệ bị đem ra xét xử trong một vụ án.

Cho rằng hoạt động xã hội đen kiểu “Đường Nhuệ” diễn ra ở rất nhiều địa phương, chỉ khác nhau ở mức độ trắng trợn, tinh vi; cử tri băn khoăn về vai trò quản lý của cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền khi để băng nhóm xã hội đen lộng hành trong một thời gian dài.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Công an ghi nhận sự quan tâm theo dõi và chia sẻ về lo lắng, băn khoăn của cử tri, thừa nhận việc ở một số địa bàn, địa phương, hoạt động của các băng ổ nhóm tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp.

Lý do được đưa ra là các ổ nhóm tội phạm có tổ chức nói chung đều hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, đối tượng cầm đầu không trực tiếp ra mặt mà chỉ đạo đàn em thực hiện (vụ “Đường Nhuệ” đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng, trong đó có đối tượng bị xử lý nhiều lần) nên việc xử lý triệt để rất khó khăn.

Bộ Công an khẳng định, đối với tất cả các vụ án, ngoài việc chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, kiến nghị các vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn, lĩnh vực, khắc phục sơ hở, thiếu sót và phòng ngừa tội phạm.

Trùm xã hội đen Đường Nhuệ tên thật là Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cùng vợ là Nguyễn Thị Dương ( SN 1980) vừa qua bị khởi tố điều tra, đưa ra xét xử liên quan đến một loạt vụ án liên quan đến đánh người, thao túng giá đất, bảo kê hỏa táng... gây phẫn nộ trong dư luận.

Khởi đầu của một loạt vụ án liên quan đến vợ chồng "trùm xã hội đen đất Thái Bình" là vụ án đánh phụ xe. Trong đó, Đường Nhuệ bị khởi tố tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự".

Đáng nói, Đường Nhuệ trước thời điểm bị bắt đã bỏ trốn vào ngày 10/4 và bị bắt vào đêm cùng ngày khi đang trốn lệnh truy nã ở Hà Nam.

Bài liên quan