Bộ Công Thương cảnh báo người dân về 'bẫy vay online' tràn ngập trên mạng giữa mùa dịch Covid-19

Chủ nhật, 26/04/2020, 19:35 PM

Các đối tượng lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần đã giăng ra những ''bẫy vay online'' với lãi xuất cao.

Bộ Công Thương cảnh báo người dân về 'bẫy vay online' tràn ngập trên mạng giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh Hoàng Triều/ Người lao động.

Bộ Công Thương cảnh báo người dân về 'bẫy vay online' tràn ngập trên mạng giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh Hoàng Triều/ Người lao động.

Cục Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý và khuyến cáo người dân không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn, người dân gặp khó khăn về tài chính, không bảo đảm khả năng trả nợ nên chủ động tìm đến các đơn vị liên quan để được gia hạn nợ, tránh tình trạng trả nợ quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, kinh doanh của người dân, các dịch vụ "chui" này có dấu hiệu bùng phát mạnh hơn. Người dân thường xuyên nhận được những lời chào mời, giới thiệu vay tiền hấp dẫn nhưng kèm theo đó là hàng loạt điều kiện ngặt nghèo, lãi suất cao chót vót mà ít ai nhận ra được.

Theo báo Thanh niên, chị T.T.H.L. (43 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP HCM) là một trong những nạn nhân của app “OneClick money”. Chị L. cho hay tháng 2/2020, chị vay gần 100 triệu đồng của nhiều app, trong đó có “OneClick money”, với lãi suất đến 90%/tháng nhưng đến nay vẫn còn nợ 10 triệu đồng của 2 app. Thực tế vay 5 triệu đồng, sau khi trừ nhiều khoản phí, chị chỉ nhận được 3,5 triệu đồng; vay 10 triệu đồng chỉ nhận 7 triệu đồng; nếu chậm trả thì bị phạt 300.000 đồng/ngày.

“Khi đòi tiền, nhân viên của app gọi điện chửi bới, dọa dẫm, gọi liên tục gây áp lực. Khi không trả kịp, họ đăng hết thông tin của mình lên Zalo, Facebook như mình là tội phạm”, chị L. kể và cho biết thêm, hôm 21/4 một nhân viên của app “OneClick money” gọi cho chị đòi nợ, dọa nếu 16 giờ không trả thì tất cả thông tin sẽ được đưa lên mạng. “Dịch bệnh Covid-19 khiến tôi phải ở nhà, không đi làm được, khó khăn nhưng họ vẫn đòi nợ và phạt nặng nếu trả chậm”, chị L. nói.

Chia sẻ trên báo Người lao động, Ông Nguyễn Vạn Thọ (quận Tận Bình, TP HCM ) từng nhiều lần vay tiền qua mạng, cho biết bên cho vay thường liên lạc bằng điện thoại để xác nhận khoản vay, địa chỉ, danh tính của người vay; hướng dẫn khách đến các đại điểm do bên cho vay chỉ định để trả nợ…

Thế nhưng, khi người vay gọi lại các số điện thoại đó thì không liên lạc được. Thậm chí có khi bên cho vay cung cấp cho người vay danh tính, địa chỉ đơn vị giải ngân nhưng trên thực tế không có thật hoặc nếu có thì đơn vị đó chỉ là một tiệm cầm đồ.

Trước đó, ngày 20/4, đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên tuyến, địa bàn (đội 4) - Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP HCM cho biết vừa triệt phá một đường dây quy mô cho vay nặng lãi qua app (ứng dụng) do người Trung Quốc cầm đầu.

Hiện PC02 đã khởi tố, bắt tạm giam 5 nghi phạm gồm Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (27 tuổi), Lâm Cẩm Quyền (30 tuổi), Lài Thế Hùng (29 tuổi) và Chề Ngọc Trinh (25 tuổi) để điều tra tội "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".

Qua công tác nghiệp vụ, đội 4 - PC02 phát hiện Công ty Vinfin, Công ty Beta, Công ty Đại Phát do một người phụ nữ Trung Quốc tên Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm chủ nhưng thuê người đang ở TP HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.

Các công ty có trụ sở tại hai địa chỉ ở quận Bình Tân (TP HCM) và "núp bóng" hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao.

Cuối năm 2019, PC02 tiến hành kiểm tra hành chính hai trụ sở công ty, làm việc với hơn 40 người liên quan (chủ yếu là người Việt Nam được thuê). Những công ty này chia nhiều bộ phận như quản lý, phiên dịch, xét duyệt hồ sơ, thu hồi nợ với nhiều phương thức thủ đoạn.

Các nghi phạm trong đường dây vay app bị bắt.

Các nghi phạm trong đường dây vay app bị bắt.

Cụ thể, khách hàng vay qua app "Vaytocdo" thì vay lần đầu được tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được hơn 1,4 triệu đồng, còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 2 triệu đồng. Nếu khách hàng trả chậm sẽ bị phạt hơn 100.000 đồng/ngày.

Còn vay qua app "Moreloan" và "VD online", người vay lần đầu được duyệt 1,5 triệu đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Sau một tuần, người vay phải trả gốc vay 1,5 triệu đồng. Nếu khách trả chậm sẽ bị phạt 2-5% lãi suất/ngày.

Như vậy, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm (vượt gấp 5 lần lãi suất theo quy định). Những khách hàng trả tiền đúng hạn sẽ cho "nâng cấp" vay tiền nhiều hơn, tối đa gần 2,8 triệu đồng.

Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, bộ phận thu hồi nợ khủng bố (đe dọa, chửi bới…) con nợ và tất cả những người thân, bạn bè lưu số trên danh bạ điện thoại người vay (bị lấy cắp lúc vay app). Nhiều người không chịu nổi áp lực phải xoay tiền để trả nợ cho yên thân.

Bài liên quan