Bộ Công thương đề nghị công khai thương nhân đăng ký xuất khẩu gạo

Thứ năm, 16/04/2020, 15:04 PM

Bị nêu chưa làm nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4/2020 theo hạn ngạch 400.000 tấn.

Bộ Công thương đề nghị công khai thương nhân đăng ký xuất khẩu gạo. (Ảnh minh họa).

Bộ Công thương đề nghị công khai thương nhân đăng ký xuất khẩu gạo. (Ảnh minh họa).

Liên quan đến lùm xùm việc xuất khẩu gạo, mới đây Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4/2020 theo hạn ngạch 400.000 tấn.

Theo đó, đề nghị cung cấp rõ tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu… đến thời điểm hiện nay.

Bộ Công Thương còn đề nghị Bộ Tài Chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17h hàng ngày, thực hiện từ nay đến hết ngày 25/4.

Theo Bộ Công thương, trong những ngày qua đã nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: Thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký kịp thời hoặc không tiếp cận được hệ thống báo lỗi, cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…

Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung “nóng" liên quan đến việc xuất khẩu gạo trước ngày 18/4/2020.

Văn bản nêu rõ: Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp với DN trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp với DN trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Công Thương do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải ký, Bộ Tài Chính đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ Tài chính: "Với phương án điều hành được nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí có thể phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng gạo được xuất khẩu".

Đáng chú ý, cũng tại văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo theo chỉ thị tại Văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

"Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Lộ diện 4 doanh nghiệp "bùng" gạo dự trữ để đi xuất khẩu

Trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục dự trữ Nhà nước, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, họ không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Đáng nói, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo.

Thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Danh tính gồm:

Tổng Công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty Cổ phần Vĩnh TườngCông ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Như vậy các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng, hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia.

Bài liên quan