Bộ Công thương họp khẩn: Cam kết đảm bảo hàng hóa chống dịch

Thứ bảy, 07/03/2020, 18:55 PM

Ngành Công thương khẳng định đảm bảo cung ứng hàng hóa, chủ động điều tiết nguồn hàng, đảm bảo chất lượng và giá cả.

Bộ Công thương cam kết đảm bảo hàng hóa chống dịch Covid-19.

Bộ Công thương cam kết đảm bảo hàng hóa chống dịch Covid-19.

Chiều 7/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp nhằm thông tin về tình hình hàng hóa, nhu yếu phẩm phòng dịch Covid-19 do virus corona lây lan.

Theo báo cáo của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc như Sở Công Thương Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước,… hàng hóa trong thời gian hiện tại của Thủ đô hoàn toàn có thể cung ứng cho thị trường. Do đó, người dân chỉ nên mua sắm theo đúng nhu cầu sử dụng, không cần tích trữ.

Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Phương Lan cho biết: Ngay khi công bố dịch, Hà Nội vẫn đang triển khai bình ổn thị trường với hơn 31.000 tỷ đồng, nên đơn vị phân phối ở thành phố vẫn có lượng hàng đầy đủ, tăng nguồn hàng hóa đến 30-50%.

Sở làm nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nên thường xuyên rà soát giá cả nhằm có điều phối cho kịp thời về sản lượng hàng hóa; dự trữ hàng hóa đủ cho 5.000 người cách ly, phân bổ lượng hàng như dầu ăn, trứng, muối, gạo… giao cụ thể cho từng đơn vị.

Ngay sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm đầu tiên, bà Lan cho biết trong đêm 6/3, Hà Nội đã họp cả đêm và giao nhiệm vụ cho Sở Công thương đảm bảo nhu cầu hàng hóa, trấn an người tiêu dùng, và ngay sáng 7/3 đã đi kiểm tra một số điểm phân phối.

"Chúng tôi cam kết với người dân Hà Nội đủ hàng, không phải dự trữ hàng, đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả", bà Lan cho hay.

Mỳ tôm là mặt hàng được săn lùng nhiều trong ngày 7/3.

Mỳ tôm là mặt hàng được săn lùng nhiều trong ngày 7/3.

Chỉ đạo tại buổi họp, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh, dù dịch bệnh hay không vẫn phải chủ động tình thế và tính toán phương án đảm bảo sự bền vững chuỗi cung ứng trong dài hạn. Việt Nam là quốc gia có năng lực sản xuất nhu yếu phẩm như dệt may, dầu ăn, mì ăn liền…, nên tình hình cực đoan này đặt ra yêu cầu cho nhà quản lý chính sách trong đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường.

Khi dịch bệnh tăng lên, cần tính toán nhu cầu đáp ứng, dự báo diễn biến, cách ổn định nguồn cung cho thời điểm cực đoan nhất.

Ở diễn biến khác, khảo sát của PV tại nhiều cửa hàng tạp hóa bán lẻ, tình trạng thực phẩm như gạo, rau củ, mỳ ăn liền đang "cháy hàng" nhiều cửa hàng thậm chí hết sạch hàng để bán.

Nhiều người nhận định việc người dân đổ xô mua hàng hóa để tích trữ thể hiện tâm lý đám đông, không nên khuyến khích.

Bài liên quan