Bộ Công thương kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN

Thứ ba, 03/09/2019, 13:47 PM

Từ ngày 3/9 – 1/10 Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương sẽ tiến hành kiểm tra thực tế các chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

bo-cong-thuong-kiem-tra-gia-thanh-san-xuat-kinh-doanh-dien-cua-evn
Bộ Công thương kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN. Ảnh Tuổi Trẻ

Việc kiểm tra được thực hiện theo Quyết định 2668 về việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN do Bộ Công Thương ban hành.

Đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đại diện các bộ, ngành: Bộ Tài chính, LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, Hội Bảo vệ người tiêu dùng...

Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xác định chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN trên cơ sở số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của EVN.

Đoàn cũng sẽ đánh giá số liệu do EVN cung cấp như báo cáo tài chính, báo cáo chi phí giá thành sản xuất điện năm 2018 đã được kiểm toán độc lập; kiểm tra thực tế tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), các tổng công ty điện lực ở ba miền và nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Trước đó, ngày 24/5 Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.

Theo quyết định về kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện thời điểm ngày 20/3, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua được Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 21/5, thời hạn kiểm tra là 35 ngày làm việc.

Tuy nhiên đến nay qua hạn 35 ngày tư lâu nhưng kết luận thanh tra giá điện của Thanh tra Chính phủ vẫn chưa được công bố.

Còn nhớ liên quan vấn đề tăng giá điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện, làm rõ đúng, sai báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Báo cáo việc tăng giá điện từ 20/3, Bộ Công thương khẳng định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện 8,36% là thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện. Việc điều chỉnh giá là trên cơ sở chi phí đầu vào mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.900 tỉ đồng.

Đối với việc kiểm tra thực hiện quyết định 648 về điều chỉnh giá bán lẻ điện, qua kiểm tra về công tác niêm yết, công khai giá điện mới, chốt chỉ số côngtơ, tính tiền điện, áp giá bán lẻ, Bộ Công thương cho hay các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng khẳng định việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 - 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho biết: “Bộ Công Thương đã có tờ trình về tình hình điều hành giá điện, giá xăng với gần 20 trang với 100 phụ lục, rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng.

Tuy nhiên, khi nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua và trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. Phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện?”.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cũng cho hay, người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý, tuy nhiên kỳ tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như doanh nghiệp công bố là không chuẩn xác khi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện nhiều gấp đôi, gấp 3, không phải họ không biết việc sử dụng điện tăng lên do thời tiết nắng nóng.

Ông Cương đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh đầy đủ về “một doanh nghiệp độc quyền như EVN.

Với việc Bộ Công Thương quyết định kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN, dư luận chờ đợi Bộ này sớm công bố.

 

EVN kêu lỗ vì phải phát điện chạy dầu giá cao, liệu giá điện có tăng?

Tập đoàn EVN cho biết, đang gặp thách thức về tài chính khi phải huy động lượng lớn điện chạy dầu với giá gần 6.000 đồng một kWh.

 

Nắng nóng đỉnh điểm, EVN 'cảnh báo' hóa đơn điện tăng đột biến

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo người dân về việc sử dụng các thiết bị điện trong nhà để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

 

Năm 2018 không tăng giá điện, EVN vẫn lãi sau thuế hơn 6.800 tỷ đồng

Tập đoàn Điện lực (EVN) vừa công bố năm 2018, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 15% so với năm 2017, đạt hơn 338.500 tỷ đồng.